Đâu là giải pháp mang lại hòa bình lâu dài cho Palestine?

Vòng xoáy bạo lực đầu tháng Năm vừa qua ở Dải Gaza là một lời nhắc nhở nghiêm túc với thế giới rằng mang lại hòa bình lâu dài ở Palestine vẫn là một nhiệm vụ to lớn đối với cộng đồng quốc tế.
Nhân viên y tế chuyển người biểu tình Palestine bị thương trong cuộc đụng độ với binh sỹ Israel tại biên giới Dải Gaza - Israel ngày 15/5 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển người biểu tình Palestine bị thương trong cuộc đụng độ với binh sỹ Israel tại biên giới Dải Gaza - Israel ngày 15/5 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề: “Tương lai của nhà nước Palestine.”

Nội dung bài viết như sau:

Vòng xoáy bạo lực đầu tháng Năm vừa qua ở Dải Gaza là một lời nhắc nhở nghiêm túc với thế giới rằng mang lại hòa bình lâu dài ở Palestine vẫn là một nhiệm vụ to lớn đối với cộng đồng quốc tế.

Trong hơn năm thập kỷ qua, vấn đề Palestine luôn nằm trong chương trình của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Và thực tế, đây là mục tiêu dài nhất trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, chẳng có gì được cải thiện kể từ đó. Trên thực tế, nó thậm chí còn tồi tệ hơn. Đầu tháng Năm vừa qua, một làn sóng bạo lực khác ở Dải Gaza đã khiến cho ít nhất 29 người thương vong của cả hai phía.

Mặc dù vai trò của Ban Thư ký Liên hợp quốc và Ai Cập để giải quyết tình hình là đáng khen ngợi, nhưng nó đòi hỏi nhiều hơn nữa từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các khu định cư bất hợp pháp trên vùng đất Palestine là cốt lõi của vấn đề. Việc xây dựng các khu định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây vẫn tiếp tục tồn tại.

Ngày 22/5 vừa qua, trong cuộc họp báo của Hội đồng Bảo an về tình hình ở Trung Đông, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi cho biết trên thực tế đây là một cuộc thôn tính lẫn nhau và đó là lý do tại sao, Indonesia cùng với Kuwait và Nam Phi tổ chức một cuộc họp không chính thức tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề xây dựng các khu định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây.

Việc đóng cửa tạm thời Đại diện quốc tế ở Hebron cũng như hạn chế sự hỗ trợ nhân đạo về thực phẩm và các nguồn lực khiến người Palestine chịu nhiều đau khổ hơn.

Các cuộc họp, thảo luận, tuyên bố và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là bằng chứng cho thấy thế giới không chỉ quan tâm đến vấn đề này trước mắt, mà còn muốn một giải pháp lâu dài và hòa bình. Tuy nhiên, nghị quyết không thể tạo ra kết quả, nhưng ý chí chính trị và cam kết thì có thể.

[Đâu là nguyên nhân cốt lõi của tình trạng bất ổn ở Trung Đông?]

Vì vậy, để vực dậy ý chí chính trị của tất cả các bên nhằm hướng tới một kế hoạch hòa bình đáng tin cậy và cải thiện các điều kiện nhân đạo, cộng đồng quốc tế cần nghiêm túc xem xét một số điểm sau:

Thứ nhất, về bảo vệ thường dân Palestine. Quá lâu, người dân Palestine phải chịu những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền. Đầu năm nay, Ủy ban Điều tra Độc lập đã đưa ra kết quả rất phẫn nộ về việc bạo lực cực đoan đối với dân chúng, chống lại các nhà báo, nhân viên y tế của Palestine cũng như những người khác.

Do thiếu một giải pháp khả thi để thay thế, Indonesia không có lựa chọn nào khác ngoài việc cung cấp sự bảo vệ quốc tế cho thường dân Palestine. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc phải đưa ra giải pháp để bảo vệ quyền con người ở Palestine.

Thứ hai, cần phải giải quyết các điều kiện nhân đạo đang ngày càng trầm trọng ở Palestine. Việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản ở Palestine đang rất khó khăn do sự gia tăng xung đột gần đây.

Hiện tại, hơn 29% các gia đình Palestine sống dưới mức nghèo khổ, bao gồm hơn 50 % ở Gaza. Rào cản là do việc chiếm đóng trái phép đã hạn chế việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ, làm tăng gánh nặng cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo để cung cấp hàng hóa cho người dân Palestine.

Cơ quan cứu trợ và làm việc của Liên hợp quốc (UNRWA) một lần nữa đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng. Sự gia tăng số lượng người tị nạn Palestine tiếp tục vượt xa khả năng tài chính của cơ quan này để cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Tháng Ba vừa qua, Indonesia tuyên bố tăng viện trợ cho người tị nạn Palestine và luôn khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự.

Cuối cùng, tiến trình hòa bình phải được tiếp tục bằng mọi cách. Vòng xoáy bạo lực phải chấm dứt. Để có được điều này, tất cả các bên phải sẵn sàng thể hiện sự kiềm chế tối đa bạo lực và tham gia vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa.

Một viễn cảnh mới không có nghĩa là từ bỏ các kết quả đã được quốc tế công nhận. Đối với Indonesia và các quốc gia trên thế giới, không có giải pháp thay thế nào cho giải pháp hai nhà nước.

Cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông đã tác động đến hòa bình và ổn định trên thế giới. Với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Indonesia cam kết tiếp tục đóng góp vào hòa bình và hỗ trợ cuộc đấu tranh giành độc lập của người Palestine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục