Quặn lòng La Pán Tẩn

Đau quặn lòng vì những em bé mất cha ở La Pán Tẩn

Nỗi đau vẫn bủa vây đại gia đình họ Lý tại La Pán Tẩn khi 2 anh em ruột A Sinh và A Lềnh vẫn chưa được cơ quan chức năng tìm thấy.
Trời về chiều. Gió hun hút luồn qua vách gỗ nhà Lý A Lềnh dội thẳng lên gần chục con người đang ngồi thu lu phía trong. Lửa leo lét. Ngọn đèn điện lưới lúc sáng, lúc tắt càng làm cho không khí thêm u ám. Gần chục người lớn bé, nam nữ đều có cả đã gần một tuần đi tìm thi thể A Lềnh và A Sinh nhưng vô vọng. Tiếng khóc nấc của 2 người đàn bà Mông thi thoảng lại ri rỉ như những uẩn ức chẳng thể nguôi nơi cuối trời Tây Bắc. Chuyện của đứa trẻ chưa nhớ nổi mặt cha Sớm Tây Bắc. Mù sương mỗi lúc một dày. Mưa giăng màn kín đặc trước cửa nhà A Lềnh. Thào Thị Sầu, vợ Lềnh hôm nay cũng giục chồng dậy sớm, rồi lom rom nhóm đám lửa than trái nhà. Phía ngoài, mỗi lúc gió một to hơn. Chợt nhớ ra chuyện gì hệ trọng, Sầu ngước lên bảo chồng: “Hôm nay đi làm khai sinh cho con nhé.” Lềnh ngẩn ra một lúc. Đúng rồi, đứa con thứ 5 của Lềnh chưa đầy một tháng tuổi. Lý A Chua, tên đứa bé thì đã có, nhưng khai sinh vẫn chưa. Anh lẩn mẩn lần các túi, rồi lại kiểm tra thóc trong nhà. Chẳng còn gì để ăn, cũng chẳng có tiền ra xã làm khai sinh nữa. Vậy là A Lềnh bảo vợ vào núi. A Lềnh phải đi mót quặng. Thế mới có tiền được. Và Lềnh đi. Mưa trước cửa vẫn ầm ầm như thác. Gió lùa qua khe khiến ngọn lửa thêm bập bùng. Câu chuyện ấy của Thào Thị Sầu, người đàn bà Mông hơn 30 tuổi trước mặt tôi như một thước phim quay ngược lại cái ngày định mệnh chồng chị ra đi. Sầu bảo, cũng chỉ tại không còn gì ăn, không còn gì tiêu nên Lềnh mới vào lại Trống Páo Sang. Sáng hôm đấy, Sầu ngồi lại nhà thì nhận được tin núi mẹ nổi cơn giận. Lềnh và người em trai ruột là A Sinh mãi mãi không quay trở về.

Những đứa con của A Lềnh vẫn tin bố mình còn sống (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Đau xót nhất, đến tận thời điểm hiện tại, ngày 13/9, bất chấp nỗ lực khôn cùng của lực lượng tìm kiếm, cứu nạn, bất chấp cả việc gia tộc họ Lý ở La Pán Tẩn huy động đi khắp suối Tú Lệ, thi thể của A Lềnh và A Sinh vẫn biệt tích. Thào Thị Sầu, từ ngày chồng mất như sống trong một thực tại khác. Chị ôm A Chua, đứa bé chưa kịp khai sinh, chưa kịp nhớ mặt cha mà khóc. Nhà hết gạo, mấy anh em trong họ phải xúm lại, góp cơm cho cả nhà ăn qua ngày. Cùng chung cảnh ngộ với Sầu, Giàng Thị Dê, vợ của người em trai, Lý A Sinh cũng ngẩn người vì nỗi đau quá lớn. Dê bảo, sáng 7/9, chị đã can không cho A Sinh vào mỏ. Mưa to thế, Dê chẳng thể an tâm. Nhưng Sinh vẫn cứ nằng nặc bỏ đi, để lại Dê và đứa con trai mới 8 tuổi Lý A Hồ ở lại. Mặc dù chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ sinh, nhưng ngày ngày, người đàn bà góa bụa vẫn chân trần cắt rừng, lội bùn đi khắp rừng La Pán Tẩn với hy vọng mong manh anh vẫn sống. Chị bảo, chị không muốn đứa con sắp đẻ ra không biết được mặt cha, không được người đàn ông nuôi nấng. Đến đây, thì cả hai người phụ nữ đều khóc. Nước mắt chỉ còn ri rỉ ra dưới những cặp mắt đã đỏ hoe và dài dại. Căn nhà trống tuênh, tiếng khóc như hờn dỗi, đau đáu cả một vạt rừng chiều. Nơi nỗi đau kéo dài Câu chuyện chợt rẽ sang một mạch khác khi từ trong bóng tối chập choạng, con gái cả của A Lềnh, Lý Thị Rùa bước về. Mặt Rùa đỏ gay, chân và cả vạt váy Mông hoa lấm bùn. Khẽ thở dài, Trưởng Công an xã La Pán Tẩn anh Hảng Xay Chông khẽ bảo: “Từ ngày bố mất tích, nó đi tìm suốt, tới tối mịt mới về.” Người nhà A Lềnh cũng nghẹn ngào kể, đến nay đã là ngày thứ bảy, Rùa bỏ nhà đi tìm cha. Sáng nào cũng vậy, trời vừa hửng sáng, cô bé con 12 tuổi ấy lại mang theo cơm nắm, xăm xăm vượt dốc, cắt rừng vào Trống Páo Sang. Những ngày đầu, Rùa còn theo chân lực lượng cứu hộ. Nhưng càng về sau, cô bé bản La Pán Tẩn càng đi xa hơn, miết mãi về cuối dòng Tú Lệ, qua cả chân đèo Khau Phạ. “Có những lúc, tối muộn cháu mới về tới nhà, người hầm hập sốt, không ăn gì mà chui vào chăn khóc,” người nhà A Lềnh nghèn nghẹn.

Đau đáu ngóng chồng (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Không chỉ có Rùa, gần 1 tuần này, cả đại gia đình họ Lý hàng ngày vẫn mòn mỏi theo chân lực lượng cứu nạn tìm kiếm người thân. Họ bảo, họ phải đợi tìm thấy thi thể A Lềnh và A Sinh rồi mới “làm ma” thắp hương thờ cúng được. Kể từ cái ngày định mệnh, sáng nào cũng vậy, cả nhà lại dậy sớm, dắt díu nhau vào lại mỏ cùng theo chân lực lượng cứu hộ để mong sớm tìm được chồng, con mình. Tại hiện trường vụ sạt lở, cứ mỗi khi lực lượng cứu hộ phát hiện thấy điểm nghi vấn có xác người, thì cả Giàng Thị Dê và Thào Thị Sầu lại dìu nhau chạy lại. Hai người đàn bà đứng đầu dốc, mặc gió, mặc nắng, cứ trân trân nhìn lực lượng cứu hộ bới đất. Nhưng rồi khi biết không phải, họ lại ôm nhau mà khóc. Ngồi ôm đứa con chỉ ngày mai sẽ tròn 1 tháng tuổi, Sầu bảo: “Vẫn muốn hy vọng chồng còn sống, nhưng hôm rồi thấy cái cử đeo [một dụng cụ thường mang theo đi rừng của người Mông-PV] của Lềnh bị vỡ nát, tôi cũng chẳng dám mong.” Nói vậy, nhưng chúng tôi biết, sớm mai, cả Sầu và Dê, cả gần chục đứa con đầu cháy nắng của A Lềnh và A Xinh sẽ lại chân trần, leo dốc vào Trống Páo Sang. Chưa tìm thấy xác người thì vẫn còn phải đi…
 Luẩn quẩn đời mót quặng

Có mặt tại nhà Thào Thị Sầu chiều nay còn có gần chục người đàn ông Mông vừa đi tìm kiếm vừa trở về. Họ ngồi uống rượu với nhau, bàn bạc với nhau về điểm ngày mai sẽ tới.

Khi được hỏi, sau này, liệu có lúc nào đói quá, chẳng còn gì ăn, họ có vào lại mỏ mót quặng nữa không, một người lớn tuổi cười cười bảo: “Đói thì vẫn phải đi thôi cán bộ ạ. Không thì lấy gì mà ăn.”

Ngay cả Giàng Thị Dê, vợ của Lý A Lềnh ngồi gần đó cũng bảo, đứa con trai 8 tuổi của chị cũng đã không dưới một lần theo bác vào mỏ nhặt quặng.

Mới đây nhất, ngày 12/9, hàng chục người Mông bất chấp nguy hiểm vẫn vào khu vực mỏ Trống Páo Sang mót quặng. Cái chết của gần 20 con người dưới cơn giận giữ của núi rừng hình như vẫn chưa mở được mắt cho người đang sống?
Sơn Bách - Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục