Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Rút kinh nghiệm từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 5/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Chủ trì và phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Kỳ họp bất thường diễn ra ngay trong những ngày đầu năm 2023, đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2023), xem xét, quyết định các nội dung hết sức quan trọng.

[Toàn văn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại Kỳ họp bất thường]

Rút kinh nghiệm từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại...

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, trong đó, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung các phân tích, đánh giá rõ hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình-địa mạo, địa chất-thổ nhưỡng tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, đánh giá các điều kiện này tác động đến phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, đồng thời, làm rõ lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới...

Tiếp đó, Quốc hội nghe Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ảnh 3Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này và quy định lộ trình trước ngày 1/1/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Trong phiên làm việc sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19; Tờ trình đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; Báo cáo thẩm tra về các nội dung này.

Theo báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí đề xuất của Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chế độ chính sách cho người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong và chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế, chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 được thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Cũng trong phiên họp sáng, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết Ủy ban kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm 2.268,3 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính và tăng dự toán chi đầu tư phát triển để triển khai 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.

Đối với nội dung điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Chính phủ tiếp tục rà soát số liệu điều chỉnh tăng, giảm dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, chịu trách nhiệm về số liệu, bảo đảm tổng mức bội chi của ngân sách địa phương không tăng, dư nợ của từng địa phương đúng trong hạn mức theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và thời hạn giải ngân số vốn điều chỉnh tăng dự toán năm 2022 của các địa phương theo đúng quy định.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ảnh 4Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Một nội dung quan trọng trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp bất thường lần thứ 2 là công tác nhân sự.

Trong phiên làm việc chiều 5/1, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm hai Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, với 481/481 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm 96,98% tổng số đại biểu Quốc hội.

Căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Tờ trình số 04 của Thủ tướng Chính phủ, biên bản kết quả kiểm phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội quyết nghị phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày Quốc hội biểu quyết thông qua.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ảnh 5Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Quốc hội và Chính phủ tặng hoa chúc mừng tân Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tân Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phạm Bình Minh, ông Vũ Đức Đam, với 476/484 đại biểu Quốc hội có mặt, chiếm tỷ lệ 95,97% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Phạm Bình Minh (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và ông Lê Minh Chuẩn (tỉnh Quảng Ninh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam), với 483/486 đại biểu Quốc hội có mặt, chiếm 96,99% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục