Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng để phát huy truyền thống văn hóa của gia đình trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, không thể rập khuôn máy móc, sao chép từ quốc gia khác.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Cần có hình thức xử răn đe, rõ ràng hành vi bạo lực gia đình

Góp ý về hành vi bạo lực gia đình tại Điểm b, khoản 1, Điều 4, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) đề nghị bổ sung yếu tố cưỡng ép tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xem xét thêm các hành vi lợi dụng phong tục, tập quán biến tướng gây ra bạo lực gia đình như tục "bắt vợ" cần đưa vào hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định giải thích từ ngữ, làm rõ các nội dung về đối tượng liên quan hành vi bạo lực gia đình của những người sống với nhau như vợ chồng, người đã ly hôn và những đối tượng có quan hệ huyết thống, trong đó có những đối tượng đã ly hôn hoặc sống với nhau như vợ chồng. 

Tại Khoản 2, Điều 8 dự thảo có nêu "Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình" là tháng cao điểm các cơ quan, tổ chức, gia đình cùng triển khai hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình tạo thành chuỗi sự kiện trên toàn quốc.

[Mở rộng đối tượng bạo lực gia đình đối với những người đã ly hôn]

Về vấn đề này, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng đây là tháng hành động quốc gia, đề nghị không nên để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định mà nên để Chính phủ quyết định do tính chất quan trọng của tháng hành động, qua đó huy động các cấp, các ngành, toàn xã hội tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu đề nghị nguồn tài chính, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân cần được quan tâm nhiều hơn.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn nêu thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, bạo lực gia đình ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra phức tạp, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu cũng chi rõ một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình của người dân và các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế.

Do vậy, việc chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này là rất cần thiết.

Thống nhất cao với 7 nhóm hình thức thông tin, tuyên truyền, giáo dục tại Điều 16 dự thảo Luật, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng việc ký cam kết hộ gia đình không có bạo lực gia đình, tích cực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những hình thức thông tin truyền thông, giáo dục có hiệu quả.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm Khoản 8, Điều 16 các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục khác có nội dung phòng, chống bạo lực gia đình về xử lý mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) thống nhất cao với việc tổ chức hình thức tư vấn hòa giải, đây là giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị có rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành khác để phát huy nguồn lực hiện có, cũng như tránh chồng chéo giữa các quy định.

Đại biểu cũng đề nghị việc tổ chức hòa giải thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở, trừ trường hợp hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự, trong đó có hòa giải ngoài Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải đối với Tòa án Nhân dân. 

Nếu Luật quy định thống nhất giao hòa giải bạo lực gia đình cho hòa giải cơ sở thì cần bổ sung chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ này là đảm bảo hiệu quả, không phát sinh thêm lực lượng vào cơ chế tài chính.

Về quy định góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, đại biểu cho rằng việc này được tổ chức khi việc thực hiện hòa giải không thành...

Mặt khác, việc lên án người có hành vi bạo lực gia đình phê bình, góp ý tại cộng đồng mà không cần yêu cầu của người bị bạo lực gia đình có thể xảy ra các tác dụng ngược, có thể sẽ dẫn đến hành vi bạo lực gia đình ngày càng trầm trọng hơn, bạo lực nặng hơn hoặc tan vỡ gia đình.

Do đó, đại biểu đề nghị nên có hình thức xử lý răn đe, rõ ràng trong phạm vi nhất định.

Phát huy truyền thống văn hóa của gia đình

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) góp ý về vấn đề hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại Điều 20.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, công tác hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp cho các bên có thể hòa giải tự nguyện, tránh các xung đột.

Tuy nhiên, theo đại biểu, hòa giải có thể chỉ hiệu quả đối với các mâu thuẫn nhỏ nhưng không áp dụng đối với các trường hợp bạo lực diễn ra trầm trọng và kéo dài.

Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 cũng đã quy định rõ về phạm vi hòa giải. Theo đó, việc hòa giải ở cơ sở phải được tiến hành với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ trường hợp vi phạm pháp luật phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật rà soát các quy định, đảm bảo thống nhất với Luật Hòa giải cơ sở, đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe trong xử lý các vụ việc bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hòa giải với việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Dự thảo Luật đã đưa ra nguyên tắc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 20.

Tuy nhiên, có những trường hợp nạn nhân của bạo lực gia đình sau khi tham dự hòa giải, nhất là hòa giải do gia đình, dòng họ tiến hành thì vì nhiều nguyên nhân họ có thể bỏ qua những chuyện đã xảy ra. Điều này ảnh hưởng đến việc xác minh, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình... 

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh đây là một Luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định, có liên quan đến nhiều vấn đề đang được điều chỉnh bởi các luật khác về trẻ em, về người cao tuổi, về hôn nhân gia đình.

Việc kế tục, phát huy được những quy định pháp luật sẵn có và thiết kế được những điều luật mới vừa đảm bảo hợp lý, thống nhất không phải việc đơn giản.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Dự thảo Luật được xây dựng để phát huy truyền thống văn hóa của gia đình trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, không thể rập khuôn máy móc, sao chép các luật của quốc gia khác mà phải biết kế thừa, phát huy những giá trị này để phòng, chống, để giữ được gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

Đối với nhóm vấn đề về hành vi bạo lực gia đình, Bộ trưởng cho biết dự thảo Luật trình lần này đã phân loại ra 4 nhóm lĩnh vực về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nhận diện và kiểm định đầy đủ các hành vi này. 

Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề thực hiện hòa giải, quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh truyền thông để hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là dự án Luật được dư luận xã hội cũng như đại biểu Quốc hội rất quan tâm nên Quốc hội có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc trên tinh thần xây dựng; nhiều ý kiến góp ý cụ thể, xác đáng xuất phát từ thực tiễn; đồng thời đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục