Đẩy mạnh hợp tác trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở ASEAN

Trong khi các nước phát triển đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển sang các nước đang phát triển thì các quốc gia khu vực ASEAN cần điều chỉnh ngay cơ chế chính sách cho hoạt động này.
Đẩy mạnh hợp tác trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở ASEAN ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Wall Street Journal)

Nghiên cứu và phát triển là cốt lõi của hoạt động đổi mới sáng tạo và cũng là động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong thời đại công nghệ số.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị quốc tế ngành công nghiệp thông minh ASEAN-Trung Quốc do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Trung tâm ASEAN-Trung Quốc tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/7.

Ông Matasuka Fujida Tổng thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản cho rằng, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đổi mới sáng tạo.

Để thích ứng với sự vận động của thế giới nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đã nổ lực không ngừng tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ mới ứng dụng vào vận hành và sản xuất.

Tại ASEAN, Singapore và Malaysia là hai quốc gia chi nhiều nhất cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; Thái Lan và Malaysia có số lượng và tỷ lệ nhân sự tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển cao nhất khu vực.

Tuy nhiên, về tổng thể thì hoạt động nghiên cứu và phát triển của cả khu vực ASEAN còn rất hạn chế. Giá trị của các hoạt động nghiên cứu và phát triển ở ASEAN tăng khoảng 2-4% nhưng 2/3 trong số các hoạt động đó do các tập đoàn đa quốc gia thực hiện.

Nguyên nhân là do không phải quốc gia nào cũng nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc nghiên cứu phát triển, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới.

[Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu]

Một trong những hình thức đi tắt đón đầu làn sóng công nghệ chính là chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, chi phí chuyển giao và chất lượng nhân sự của bên nhận chuyển giao hạn chế là hai rào cản lớn.

Ngoài ra, việc thiếu một chiến lược rõ ràng và hấp dẫn cũng khiến nhiều quốc gia khó thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt đông nghiên cứu phát triển.

Theo ông Matasuka Fujida, doanh nghiệp Nhật Bản chi tới 6% tổng chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài, con số này ở các doanh nghiệp Mỹ còn lên tới 15%.

Tuy nhiên, tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp Nhật ở khu vực ASEAN chỉ chiếm 0,3%, doanh nghiệp Mỹ là 0,5%.

Theo ông Matasuka Fujida, nghiên cứu và phát triển hiện nay không chỉ ở quy mô doanh nghiệp hay quốc gia mà đang có xu hướng mở rộng trên toàn cầu.

Trong khi các nước phát triển, các tập đoàn kinh tế lớn đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển sang các nước đang phát triển thì các quốc gia trong khu vực ASEAN cần điều chỉnh ngay cơ chế chính sách dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Song song đó, phải củng cố sức mạnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua việc kích thích văn hóa nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nhằm thu hút các dự án nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn đa quốc gia, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI mới có thể tận dụng những thành tựu đó phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Ông Chen Dehai, Tổng thư ký Trung tâm ASEAN-Trung Quốc nhận định, công nghệ số tạo ra những sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu của người dân nhưng cũng tạo ra không ít thách thức về việc thích nghi, cạnh tranh, nhu cầu về dữ liệu lớn, năng suất và hiệu suất.

Các quốc gia đều có nhu cầu phát triển công nghiệp sản xuất mới, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, phải thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các quốc gia có tiềm năng, lợi thế và nhu cầu bổ sung cho nhau.

Theo ông Chen Dehai, ASEAN-Trung Quốc có điểm sáng là hợp tác kinh tế thương mại trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lan rộng.

Đó là nền tảng để ASEAN và Trung Quốc tiếp tục hợp tác trên các lĩnh vực khác, đặc biệt là khoa học công nghệ; trong đó Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ viễn thông, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… còn các nước ASEAN có nhu cầu lớn về phát triển công nghệ mới trong sản xuất, trí tuệ nhân tạo, hệ thống dữ liệu lớn, xây dựng đô thị thông minh…

Ở góc độ quốc gia, ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI-HCM cho biết, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ trên quy mô toàn cầu mang lại nhiều cơ hội để cho các quốc gia khai thác những thành tựu mới về khoa học công nghệ; trong đó, Việt Nam có thể vận dụng những công nghệ mới, sản phẩm mới để đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển lên nền tảng công nghệ cao hơn.

Tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có lợi thế là khả năng nắm bắt xu hướng nhanh chóng và mạnh mẽ, điều kiện hạ tầng thông tin khá tốt và chi phí thấp.

Thêm vào đó tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội đều tăng rất nhanh trong những năm gần đây.

Năm 2018 Việt Nam là 1 trong 5 nước có tốc độ tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới, trên 16%; hơn 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh và hơn 68% dân số sử dụng internet.

Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 12 bậc so với năm 2016. Chính phủ Việt Nam cũng quan tâm tới việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, ưu tiên phát triển công nghệ số, công nghiệp-du lịch-đô thị thông minh, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế của ngành công nghiệp sáng tạo.

Theo ông Võ Tân Thành, tuy có những thuận lợi cơ bản nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong các lĩnh vực như công nghệ nguồn, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách và hạ tầng kỹ thuật số chưa hoàn thiện, nhiều công nghiệp sản xuất của Việt Nam còn dựa nhiều vào lợi thế nhân công giá rẻ như da giày, dệt may, lắp ráp… nếu không kịp thời thích ứng với xu hướng vận động của thế giới, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ ngày càng tụt hậu xa hơn về công nghệ, dư thừa lao động.

Ngược lại, tận dụng tốt các cơ hội của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cao hơn, tạo ra thêm 8-18 tỷ USD mỗi năm.

Vì vậy tìm giải pháp tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là hướng đi phổ biến của nhiều quốc gia đang phát triển; trong đó, có Việt Nam.

Việc hợp tác, liên kết và thu hút đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển với các quốc gia có thành tựu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… là một phương thức phù hợp, giúp Việt Nam có thể rút ngắn thời gian cập nhật xu hướng khoa học công nghệ cũng như vận dụng hiệu quả các thành tựu nghiên cứu vào thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục