Đề nghị duyệt hơn 1.600 tỷ đồng làm gần 29km đường Hồ Chí Minh

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn qua 2 tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang có nguồn vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.
Đề nghị duyệt hơn 1.600 tỷ đồng làm gần 29km đường Hồ Chí Minh ảnh 1Phương tiện lưu thông trên một tuyến đường Hồ Chí Minh được đưa vào vận hành và khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn.

Theo đó, dự án có điểm đầu tại Chợ Chu (tương ứng khoảng Km245+878-điểm cuối đoạn Chợ Mới-Chợ Chu) thuộc địa phận thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn (tương ứng Km275+700/Km276+135,50 lý trình theo dự án, giao cắt với Quốc lộ 2C) thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Dự án có chiều dài khoảng 28,98km, trong đó đoạn Thái Nguyên dài khoảng 12,24km và Tuyên Quang khoảng 16,74km; quy mô đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi với vận tốc thiết kế 60km/h, có châm chước các đoạn khó khăn đảm bảo tốc độ 40 km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư sau khi làm tròn là 1.665 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 945,275 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 421 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án được đề xuất là cơ bản hoàn thành năm 2025.

Về nguồn vốn, dự án dự kiến sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trong đó giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.326,27 tỷ đồng; chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030 khoảng 338,73 tỷ đồng.

[Phê duyệt hơn 3.900 tỷ đồng đầu tư hai đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh]

Trong bước triển khai tiếp theo, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tư vấn sẽ lập tiến độ thi công tổng thể triển khai dự án, dự kiến nhu cầu vốn phù hợp với tiến độ thi công và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn để thực hiện đảm bảo tiến độ dự án.

Phía Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải vùng trung du, miền núi phía Bắc và trên các hành lang vận tải từ Thái Nguyên, Tuyên Quang đến các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục