Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh (Đồng Tháp)-An Hữu (Tiền Giang).
Theo đó, dự án có tổng chiều dài hơn 27km; đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 18,2km và đoạn qua tỉnh Tiền Giang khoảng 9,23km. Sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe hạn chế) là khoảng 6.029 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng và thiết bị ước hơn 4.100 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư khoảng 719 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 của bộ và vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán phân bổ vốn cho dự án trong giai đoạn 2021-2025 cần bố trí khoảng hơn 4.800 tỷ đồng (khoảng 80,2% tổng mức đầu tư). Phần còn lại khoảng gần 1.200 tỷ đồng (khoảng 19,8% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026-2030.
[Sớm báo cáo về phương án thu hồi vốn Nhà nước đầu tư vào cao tốc]
Để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến chia dự án thành 2 dự án thành phần.
Cụ thể, dự án thành phần 1 (Km0 đến khoảng Km18+200) từ xã An Bình, huyện Cao Lãnh, đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh với chiều dài khoảng 18,2km trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 4.300 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 (khoảng Km18+200 đến khoảng Km27+430) từ xã Tân Hưng, huyện Cái Bè đến xã An Thái Trung, huyện Cái Bè với chiều dài khoảng 9,23km trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.
Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải xác định sẽ cùng các địa phương triển khai thủ tục chuẩn bị dự án năm 2022; thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023 cơ bản đạt 90-95%; thi công xây dựng công trình năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa dự án vào sử dụng từ năm 2026./.