Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù xây cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh-Sóc Trăng

Nếu được áp dụng các cơ chế đặc thù xây dựng cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh và Sóc Trăng, dự án sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện thủ tục, khởi công và hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Phối cảnh cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. (Nguồn: TEDI)
Phối cảnh cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. (Nguồn: TEDI)

Ban Quản lý dự án 85 vừa có văn bản gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Nhấn mạnh dự án cầu Đại Ngãi là công trình hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông, ông Vương Đình Đồng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 85 cho rằng theo Quyết định số 878/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến hết năm 2026, được xây dựng trên cơ sở dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.

Nếu dự án được áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 (đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp và các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt  bằng và tái định cư), công trình này sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục dự kiến được khoảng 7 tháng.

Nếu công tác thiết kế, cắm cọc giải phóng mặt bằng triển khai theo quy định (trên cơ sở hồ sơ thiết kế kỹ thuật/bản vẽ thi công được duyệt), Ban Quản lý dự án 85 nhận định, thời điểm triển khai thiết kế và cắm cọc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho địa phương dự kiến sớm nhất bắt đầu từ tháng 5/2023, dự kiến hoàn thành và bàn giao mặt bằng thi công đợt 1 sớm nhất quý 1/2024, không đáp ứng được yêu cầu tiến độ thực hiện dự án (khởi công gói thầu đầu tiên vào quý 2/2023).

Về cơ chế đặc thù khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, dự án cầu Đại Ngãi được triển khai cùng thời điểm khi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang và chuẩn bị triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, do đó nguy cơ xảy ra khan hiếm vật liệu xây dựng (cát, đất, đá) là hiện hữu, có thể ảnh hưởng lớn đến giá thành, tiến độ triển khai dự án.

[Quý 1/2023 sẽ khởi công xây cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh-Sóc Trăng]

Để có cơ sở pháp lý triển khai dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đáp ứng yêu cầu, Ban Quản lý dự án 85 đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với dự án cầu Đại Ngãi. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp và các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Riêng gói thầu xây lắp (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).

Ban Quản lý dự án 85 cũng kiến nghị các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ cho phép nâng công suất khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà thầu thi công dự án; nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật…

Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan./.

Dự án cầu Đại Ngãi có tổng chiều dài thiết kế toàn tuyến là 15,2km. Trong đó, phần cầu dài 3,42km gồm cầu Đại Ngãi 1 (2,56km), cầu Đại Ngãi 2 (0,86km); phần đường (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến) dài 11,78km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.014 tỷ đồng.

Dự án cầu Đại Ngãi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định số 1478/QĐ-TTg năm 2019, với vốn đầu tư bằng nguồn ODA của Nhật Bản. Tuy nhiên, sau đó dự án được điều chỉnh chủ trương tại quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 là đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách Nhà nước.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục