Đi tìm “chúa gà”

Đi tìm “chúa gà” giữa rừng già Xuân Sơn

Người Dao Xuân Sơn có những huyền tích thiêng liêng gắn với giống gà nhiều cựa. Những cá thể đủ 9 cựa được họ tôn vinh "Chúa gà".
Người Dao Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ từ rất lâu đã có những huyền tích thiêng liêng gắn với giống gà nhiều cựa. Thậm chí, những cá thể đủ 9 cựa còn được họ tôn vinh như "Chúa gà".

Tiếc thay, giống gà ấy giờ chỉ còn trong trí nhớ của “dân nhậu”. Từ lâu lắm rồi, cả núi rừng Xuân Sơn đã không còn nghe tiếng gáy kiêu hùng của gà chín cựa.

Bản gà “điôxin”

Từ hàng chục năm nay, nhiều người sống ở Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, vẫn có một niềm tin thơ ngây rằng: cái giống gà chân nhiều cựa ấy cũng bình thường thôi!

Và thế là… họ vặt lông, mổ thịt, thậm chí bán cho những quán nhậu miền xuôi như một cách để tăng gia sản xuất. Tăng gia “hiệu quả” đến độ, giờ vào tận “bản gà” cuối rừng quốc gia, phải đỏ mắt lắm mới tìm được một, hai đôi gà 7, 8 cựa.

Ông Lý Phúc Lâm, xóm Quẩy rít mạnh một hơi thuốc lào, mắt lim dim kể: “Người Dao coi trọng nhất ngày lập tịch (lễ công nhận sự trưởng thành của người con trai – PV). Vào ngày này, dù gia đình giàu hay khó vẫn nhất thiết phải chuẩn bị 20 con gà nhiều cựa để chứng thực với tổ tiên”.

Gà nhiều cựa khi ấy gắn rất chặt với đời sống tâm linh của người Dao bản địa. Có được con gà Chúa (đủ 9 cựa) trong nhà cũng đồng nghĩa với việc có một địa vị khá cao giữa cộng đồng.

Đang mặn chuyện, bỗng, ông Lâm im lặng. Đôi mắt đỏ hằn lên, những nếp nhăn khắc khổ ép chặt về phía trán. Ông bảo, sở dĩ người Dao tôn sùng gà, coi trọng gà vì nó là con của thần rừng, thần núi. Gà từ rừng hoang bay ra sống với người, đuôi dài và cong vút như nước dòng thác Kẹm. Gà trống đàn sống lâu năm thì mào đỏ và dài như hoa chuối rừng tháng 6, và mỗi con chiếm cứ một mảng rừng. Sáng sớm, gà chúa nhảy lên ngọn đồi cao đón nắng mà cất tiếng. Tiếng gáy vang xa, kiêu hùng, độc tôn và ngạo nghễ.

Gà nhiều cựa thường rất hiếu chiến, nhất là những con gà trống. Chú gà lạ nào lớ ngớ đi vào vùng nuôi thả của gà nhiều cựa là bị đánh cho tơi bời, lông, mào tã tượi và chỉ có cách chạy tháo thân.

Trong trí nhớ của những người đầu tiên “xông” đất rừng Xuân Sơn cũng còn nguyên vẹn cái ấn tượng vừa kinh hoàng, vừa thú vị khi lần đầu thấy những con gà “nhiều chân” chạy quanh bản Cỏi. Gà chỉ bé như gà ri, lông dài như đuôi công. Chân con nào con đấy to ngang gà Đông Cảo, tua tủa cựa. Anh em vui miệng kháo nhau về giống gà nhiễm dioxin, bản gà dioxin ngay trong đáy rừng.

Có người kỳ công hơn đã dồn bằng được một con gà vào góc núi. Mồ hơi ướt đầm áo, mặt đỏ gay mới tóm cánh, buộc được chân gà mà đếm. Nhưng, vì là giống gà dữ, nên sau cuộc vây bắt, cả người, cả gà đều… tơi tả.

Khắc khoải tìm "Chúa gà"

Nhớ lại những ký ức vạm vỡ ngày xưa, ông già Lý Phúc Lâm lại lặng im trong căn nhà tối. Đóm lửa cháy lập lòe. Chốc chốc, lão lại nghểnh tai lên hòng nghe tiếng gáy vang xa của Chúa Gà. Nhưng, núi chỉ đáp lại những âm thanh rền rĩ của rừng đêm.

Từ khoảng gần 1 năm nay, gà chín cựa đích thực đã dần bỏ bản người Dao về với trời, với núi. Vào vựa gà Xuân Sơn bây giờ có đốt đuốc, đỏ đèn thì cũng không thể kiếm đâu ra một “ông gà thiêng” đúng nghĩa.

Lý Phúc Lâm, mắt buồn rượi, chao nghiêng cốc rượu chua chát nói: “Năm ngoái, nhà mình cũng còn một Chúa, sang đến năm nay thì tiệt sạch”.

Anh Hùng, cán bộ Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã có đến 9 năm ăn bản, ngủ rừng với dân xóm Cỏi cũng không giấu nổi tiếc nuối. Thậm chí, anh còn bi quan hơn khi khẳng định: đến gà 8 cựa, cả bản cũng chỉ còn một con. Đây cũng là con gà trống đàn duy nhất còn sót lại tại bản Cỏi hiện nay.

Ông Ba Mạnh, người xóm Lấp cười nói rổn rảng khi biết có khách đến… hỏi xem chân gà quý nhà mình. Nhấp vội cốc nước, ông phăm phăm lội qua suối đuổi gà. Trước khi đi, ông còn với lại: “Gà nó bay giỏi, các anh cứ ngồi uống nước đợi. Lâu đấy”.

Mất chừng nửa giờ đánh vật với “dị thú”, người đàn ông đen nhẻm đã xách ngược được cặp chân gà cho khách ngắm.

Quả đúng như lời đồn, con gà mắt sáng quắc, không hoảng ngay cả khi bị giữ chặt. Mào đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh. Riêng cặp chân thì to, chắc và mọc đều 4 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn độc.

Ông Ba hổn hển thở, chỉ vào con gà kể: “Tháng trước có người dưới xuôi lên hỏi mua lại con gà với giá 2 triệu. Nhưng vì cả bản chỉ còn nó để gây giống lại nên có trả cao hơn tôi cũng không ưng”.

Trong khi chúng tôi đã mắt tròn mắt dẹt nhìn “ông gà lạ”, ông lão Lý Phúc Lâm lại lặng lẽ ngồi rít thuốc lào. Ông vẫn nhớ về Chúa gà như một niềm khắc khoải không nguôi. Gà bỏ bản, bỏ người Dao về rừng, ông biết ăn nói thế nào với tổ tiên?

Nỗi lo sợ của ông lão là có thực.

Gà chín cựa bặt tăm hơn một năm nay cũng là có thực.

Giờ đến cả con cháu, hậu duệ hay tùy tùng của ông Chúa gà cũng dần thưa bóng. Dịch tụ huyết trùng bùng lên khắp bản từ tháng 3 năm ngoái đã dần gọi đàn gà quý về trời. Tính đến nay, cả bản Cỏi chỉ sót lại chừng chục con gà nhiều cựa.

Đau đáu hơn, người Dao trẻ tuổi hình như đã quên đi những huyền tích xa xưa của mình. Những đầu nậu dưới xuôi, nghe tiếng gà “tam bảo”, kỳ dị, lũ lượt kéo nhau lên mua hàng. Các gã ra giá 160.000 đồng một cân gà nhiều cựa, tiền triệu cho gà từ 7 cựa trở lên. Thậm chí, chưa thỏa mãn, có kẻ xin mua cả dàn trứng về ấp.

Và thế là, tiền vào nhà, gà xuất chuồng. Gà nhiều cựa bị vặt lông, cắt cổ, trừng trừng mắt nhìn thực khách bên bàn lẩu nghi ngút khói. Gà Chúa và đoàn tướng tùy tùng cứ dần dần biến mất….

Điều đáng nói hơn là những nỗ lực nhân giống gà hầu hết đều thất bại. Bởi giống gà này ít chịu phối giống với các loại gà khác, đưa đi xa thì lại không sống nổi.

Chúng tôi hiện chỉ còn có thể ngắm nhìn vẻ oai vệ của Chúa rừng Xuân Sơn qua bức ảnh hoen ố vì thời gian do các cán bộ Vườn Quốc gia chụp được cách đây 5 năm. Đây cũng là bức ảnh cuối cùng thực sự ghi nhận bóng dáng của “ông gà quý” đất Tổ Hùng Vương.

Biết chúng tôi chỉ dừng chân ở Xuân Sơn được vài ngày, người dẫn đường già, ông lão Lý Phúc Lâm ngồi lặng im trong bóng tối kể nốt câu chuyện làm quà với những vị khách lạ cất công từ dưới xuôi lên.

Câu chuyện của ông không đầu, không cuối về “Chúa gà””. Chuyện là thế này: Ở bản, có ông Triệu Văn Khang, xót hậu duệ của chúa gà, đã tự tay phát cây trong một lũng sâu làm bãi cách ly gà. Bãi cách bản chừng vài cây qua con suối Báng. Lạ thay, cầy cáo xung quanh không dám động đến đám hậu duệ của chúa gà. Ngày ngày, đoàn tùy tướng của chúa gà Xuân Sơn vẫn kéo nhau vào rừng kiếm ăn, không chịu đi chung với đám gà nhà cùng nuôi ở đó.

“Thế mới thấy, cái khoảnh rất mực của dòng dõi gà thần Xuân Sơn”, giọng hào sảng của ông già miền rừng bỗng chùng xuống như tỏ vẻ tiếc nuối về thời quá vãng đã xa./.

Sơn Bách - Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục