Đi tìm nguyên nhân gốc rễ khiến ngân hàng SVB bất ngờ phá sản

SVB sụp đổ đánh dấu thất bại lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng thời làm dấy lên quan ngại về "hiệu ứng domino" trong toàn bộ hệ thống.
Đi tìm nguyên nhân gốc rễ khiến ngân hàng SVB bất ngờ phá sản ảnh 1Chi nhánh ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Santa Clara, bang California (Mỹ) ngày 13/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sillicon Valley (SVB), một trong những ngân hàng lớn nhất ở Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ, bị tuyên bố đóng cửa hôm 10/3, chỉ trong vòng 48 giờ sau khi khách hàng đổ xô rút tiền do lo lắng về tình hình tài chính của ngân hàng này.

Riêng ngày 9/3, khách hàng đã rút tổng cộng 42 tỷ USD. Vụ việc đã làm rúng động ngành tài chính và công nghệ.

SVB sụp đổ đánh dấu thất bại lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng thời làm dấy lên quan ngại về "hiệu ứng domino" trong toàn bộ hệ thống.

Dấu hiệu đổ vỡ "xuất hiện từ vài năm trước"?

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá gốc rễ dẫn tới sự đổ vỡ của SVB đã xuất hiện từ vài năm trước. SVB dường như đã “chơi tất tay” tài sản tiền gửi của khách hàng để đầu tư vào kênh trái phiếu Chính phủ Mỹ trong thời kỳ lãi suất gần như bằng 0.

Với chính sách này, cùng với sự bùng nổ về số lượng công ty công nghệ và khởi nghiệp trong khoảng 20 năm qua, SVB phát triển quá nóng và giá trị tài sản tăng nhanh chóng mặt.

Sóng gió bắt đầu mạnh lên kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất tiền gửi tăng, giá trái phiếu giảm, đã khiến tài sản và giá trị trái phiếu của SVB bốc hơi nhanh chóng.

Theo Nhật báo Phố Wall, danh mục đầu tư chỉ còn mang lại lợi nhuận cho SVB khoảng 1,79% vào tuần trước, nghĩa là chưa bằng một nửa so với lợi nhuận trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, khoảng 3,9%.

Việc Fed tăng lãi suất cũng đã khiến hàng loạt công ty công nghệ rút tiền để giảm gánh nặng lãi suất, do đó càng khiến SVB gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư.

Vừa thiếu nguồn tiền, SVB lại buộc phải bán một lượng lớn trái phiếu với giá thấp hơn nhiều so với giá gốc để duy trì hoạt động. Bước đi này của SVB khiến khách hàng ồ ạt rút tiền và dẫn tới sự sụp đổ của một tượng đài 40 năm trong ngành ngân hàng Mỹ.

Mô hình kinh doanh nhiều rủi ro

Theo nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Stiglitz, cựu Phó Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), người từng đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 2001, cần suy nghĩ lại về sự ổn định của hệ thống tài chính, trong đó ghi nhận tác động của các công nghệ mới.

Ông nhận thấy trước khi xảy ra vụ sụp đổ của SVB, người ta không nhắc nhiều đến việc công nghệ đã làm thay đổi như thế nào khả năng hoạt động của ngân hàng, nhưng điều đó bây giờ đã thay đổi.

Trong khi đó, ông Arthur Wilmarth, Giáo sư luật của Đại học George Washington University, nhận định sự sụp đổ của SVB, và sau đó là Signature Bank, đã cho thấy những thiếu sót trong các cải cách về quy định được thực hiện kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhìn lại SVB, người ta có thể thấy được những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng trong mô hình kinh doanh của ngân hàng này, khi nó hoạt động tập trung quá nhiều vào các công ty khởi nghiệp (start-up) công nghệ, vốn là một lĩnh vực nhiều rủi ro tương tự như lĩnh vực bất động sản thương mại hay các thị trường mới nổi. Các lĩnh vực này đã từng gây nhiều rắc rối cho các ngân hàng trong quá khứ.

[Vụ SVB phá sản: Bài học đắt giá cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ]

Ông Wilmarth chỉ ra rằng SVB đã phát triển rất nhanh trong giai đoạn từ năm 2020-2022, và các loại trái phiếu có lãi suất cố định kỳ hạn dài đã khiến ngân hàng này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trước sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Fed.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Đó gần như là một công thức chắc chắn cho sự thất bại. Nếu nền kinh tế biến động, bạn sẽ bắt đầu gặp rắc rối," và đáng lẽ các cơ quan quản lý phải chú ý đến những dấu hiệu này.

Quản lý rủi ro yếu kém?

Trong số những nguyên nhân dẫn đến vụ phá sản của SVB, các chuyên gia tài chính đặc biệt chú ý tới sự yếu kém của ngân hàng này trong quản lý rủi ro.

Yếu tố góp phần dẫn tới sự sụp đổ của SVB là việc Fed tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, khiến giá trị số trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn mà ngân hàng này nắm giữ nhanh chóng sụt giảm.

Trong vấn đề quản lý rủi ro, rủi ro lãi suất là điều được biết đến rộng rãi và không khó để giải quyết.

Các ngân hàng quản lý rủi ro này bằng việc dự phòng, mua các hợp đồng kỳ hạn hoặc các công cụ tài chính khác có thể tăng giá trị để bù lại những thiệt hại do việc bán trái phiếu khi chính sách thay đổi.

Đi tìm nguyên nhân gốc rễ khiến ngân hàng SVB bất ngờ phá sản ảnh 2Khách hàng vào trụ sở của SVB tại California, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Ông Clifford Rossi, Cựu Giám đốc phụ trách quản lý rủi ro của Citigroup và là giáo sư tại Đại học Maryland, ngạc nhiên trước mức độ dự phòng rủi ro thấp của SVB. Ông ước tính chương trình dự phòng của ngân hàng này phải tăng gấp đôi quy mô.

Vào cuối năm 2022, SVB báo cáo giá trị chứng khoán đầu tư 120 tỷ USD, chiếm 55% tổng tài sản, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của các ngân hàng Mỹ.

Một sự việc đưa đến sự phá sản của SVB là ngân hàng này công bố vào ngày 8/3 việc đã bán 21 tỷ USD chứng khoán với mức lỗ 1,8 tỷ USD để huy động tiền mặt chi cho các hoạt động.

Giáo sư kinh tế Kris James Mitchener tại Đại học Santa Clara ở California cho rằng nếu SVB có đủ chương trình dự phòng thì sẽ có đủ lợi nhuận để bù lại những thiệt hại do việc bán các tài sản liên quan đến trái phiếu với mức giá lỗ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục