Dịch COVID-19: Nỗ lực hơn nữa để sớm kiểm soát được dịch bệnh

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng (6.226 ca)
Người dân phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đợt đến lượt tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm, ngày 5/9. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Y tế cho biết, từ 17 giờ ngày 4/9 đến 17 giờ ngày 5/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.137 ca nhiễm mới, trong đó 36 ca nhập cảnh và 13.101 ca trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng (6.226 ca), Bình Dương (3.540 ca), Đồng Nai (1.243 ca), Long An (756 ca), Kiên Giang (345 ca), Tiền Giang (133 ca), Cần Thơ (100 ca); trong đó có 7.521 ca trong cộng đồng.

Như vậy, so với ngày 4/9, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 3.580 ca. Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2.122 ca, Bình Dương tăng 1.055 ca, Đồng Nai tăng 251 ca, Long An tăng 212 ca, Kiên Giang tăng 220 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 524.307 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.330 ca nhiễm).

[Quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19]

Trong ngày 5/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 9.211 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 291.727 ca.

Cả nước có 281 ca tử vong trong ngày 5/9; trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (222 ca), Bình Dương (38 ca), Tiền Giang (5 ca), Cần Thơ (4 ca), Long An (3 ca), Bình Thuận, Đồng Tháp, Khánh Hòa (mỗi địa phương 2 ca), Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai (mỗi địa phương 1 ca).

Truy tặng Huân chương cho hai nhân viên y tế

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các Quyết định số 1543/QÐ-CTN, số 1544/QÐ-CTN truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho bà Trần Thị Phương Hằng, nguyên Điều dưỡng (hạng IV), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện nhân dân Gia Định, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và ông Trịnh Hữu Nhẫn, bác sỹ (hạng III), nguyên Trưởng trạm Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa

Chiều 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc họp được kết nối tới hơn 9.000 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã; tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường, Nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đời sống nhân dân sẽ khó khăn; doanh nghiệp đình trệ sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy…

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sỹ; người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu những nơi chưa làm cần kiện toàn ngay các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp do Bí thư cấp ủy đứng đầu; thiết lập Trung tâm Chỉ huy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và tổ chức ứng trực 24/24.

Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải xác định rõ mục tiêu, lộ trình, biện pháp thực hiện có hiệu quả phòng, chống dịch, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội.

Theo đó, các địa phương phải thực hiện triệt để 5 nhiệm vụ chủ yếu: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; Tuyên truyền, vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.

Tước chứng chỉ hành nghề đối với người không thực hiện nhiệm vụ phân công

Văn bản về việc tăng cường quản lý người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước do Bộ Y tế vừa ban hành cho biết, qua các đợt kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của một số tỉnh, thành phố có hiện tượng người hành nghề tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Công an huyện Bến Lức tặng quà cho công nhân lao động nghèo tại khu nhà trọ thuộc xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, Long An. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Để khắc phục tình trạng này, bảo đảm nhân lực thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 và khám bệnh chữa bệnh thường quy, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn (cả cơ sở công lập và tư nhân) bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm các quy định về quản lý người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị, xây dựng phương án, kế hoạch bố trí nhân lực phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế để dự phòng có tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế, gây ảnh hưởng đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. 

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế để tổng hợp, xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm.

Thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tử vong do COVID-19  

Ngày 5/9, Bộ Y tế đã có Công điện số 1323/CĐ-BYT gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về việc quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19 tại các địa phương trên.

Đội ngũ y bác sỹ tận tâm ngày đêm điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Việt Đức tại TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, với sự quyết liệt của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cùng sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, hy sinh quên mình của đội ngũ y, bác sỹ..., tình hình tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến. Tuy nhiên, việc giảm tử vong còn chậm.

Thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu hàng đầu giảm tử vong do COVID-19, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ phận thường trực của Bộ Y tế ở phía Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo, bám sát tình hình, đề xuất các giải pháp.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung tăng cường hiệu quả công tác điều trị.

Theo đó, các địa phương cần tiếp tục rà soát phương án thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 để khẩn trương, chủ động thiết lập, bổ sung, đầu tư và sẵn sàng hoạt động trong thời gian nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng theo hướng dẫn tại Quyết định 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Các địa phương huy động tối đa các cơ sở hiện có tại địa phương của nhà nước và tư nhân để lên phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Ưu tiên, thiết lập từ những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn có để chuyển đổi công năng thành cơ sở điều trị COVID-19 tầng 2, tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng.

Các địa phương phát huy, nâng cao vai trò của trạm y tế xã, phường, thị trấn và thành lập các Trạm Y tế lưu động, Tổ cộng đồng để triển khai quản lý, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà nếu vượt quá năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở địa phương.

Củng cố, kiện toàn và điều phối hiệu quả hoạt động hệ thống cấp cứu 115, xe vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến cơ sở thu dung, điều trị và giữa các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Bên cạnh đó, các địa phương bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo các phương án bảo đảm công tác y tế, đặc biệt chuẩn bị cho tình huống xấu/nghiêm trọng xảy ra trong thời gian sớm nhất.

Chuẩn bị kịp thời các gói an sinh, gói thuốc điều trị ngoại trú khi triển khai điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Phân công Ủy ban Nhân dân quận, huyện có trách nhiệm quản lý, hỗ trợ kịp thời các ca F0 trên địa bàn và theo dõi sát sao kết quả thực hiện việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà…

Năm địa phương hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 trước ngày 15/9

Bộ Y tế vừa có Công điện số 1316/CĐ-BYT gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai yêu cầu hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước 15/9/2021; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Công điện của Bộ Y tế cho biết đã ưu tiên phân bổ vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai để triển khai tiêm chủng chống dịch.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Bình Dương đã được phân bổ số vaccine đủ để bao phủ mũi thứ nhất cho 100% người từ 18 tuổi trở lên.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19.

Theo đó, các địa phương tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế và hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước 15/9/2021; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Thành phố Hà Nội ưu tiên tiêm sớm cho những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người dân tại vùng đỏ, vùng cam, khu vực có mật độ dân cư cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục