Điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM: Chiến lược phòng chống dịch hiệu quả

Việc điều trị các F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc về thể chất, tinh thần nhằm làm giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch ở TP.HCM.
Điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM: Chiến lược phòng chống dịch hiệu quả ảnh 1Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 25, quận Bình Thạnh cấp phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Từ giữa tháng 7/2021, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Y tế triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng.

Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc về thể chất, tinh thần nhằm làm giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch COVID-19.

Nhiều giải pháp y tế hỗ trợ F0 tại nhà

Tiếp nối các hoạt động của tổ phòng, chống COVID cộng đồng và trạm y tế lưu động, hơn 200 tổ y tế lưu động cũng đang phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cứ khoảng 8 giờ mỗi ngày, tổ trưởng và các thành viên tổ y tế lưu động tại phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức) sẽ họp nhóm trực tiếp hoặc trực tuyến để rà soát danh sách F0 đang điều trị tại nhà và tiếp nhận thêm thông tin F0 mới. Cũng tại cuộc họp này sẽ phân công người cung cấp gói an sinh, túi thuốc điều trị F0 tại nhà, theo dõi sức khỏe, chăm sóc người bệnh nhằm hạn chế số ca chuyển nặng.

Bà Lê Khánh Linh, thành viên tổ y tế lưu động tại phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức cho biết khi có F0 mới, một bạn sẽ nhận thông tin đó qua số đường dây nóng của khu phố, còn một nhóm khác sẽ làm những việc như test nhanh, kiểm tra rồi tư vấn phát thuốc, hướng dẫn bệnh nhân về cách sử dụng. Những trường hợp khó như bệnh nền hay biểu hiện nặng sẽ liên hệ với trạm y tế phường để có bác sỹ xuống hỗ trợ.

Theo bác sỹ Phạm Huy Hoàng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trường Thọ, việc nắm bắt đặc điểm, tình hình cụ thể tại khu phố sẽ giúp công tác tiếp cận, chữa trị cho người mắc COVID-19 tại địa phương thuận lợi hơn. Bên cạnh việc thăm khám trực tiếp, các thành viên của trạm y tế và tổ y tế lưu động khu phố còn tư vấn qua điện thoại cá nhân với người bệnh. Tại đây, nhân sự là những người tình nguyện đóng góp sức lực, thời gian, tham gia cùng với nhân viên y tế được phân công về tổ y tế lưu động chăm sóc F0.

[TP.HCM cấp phát thuốc kháng virus tùy theo đối tượng bệnh nhân]

Bên cạnh việc chăm sóc y tế, việc chăm lo an sinh là nhiệm vụ quan trọng thứ hai của tổ y tế lưu động này. Thời gian qua, các tổ y tế lưu động này đã vận động hàng trăm phần quà thực phẩm, nhu yếu phẩm của chính quyền các cấp, của Ban Điều hành khu phố vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho các F0 điều trị tại nhà.

Theo lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, dù còn nhiều khó khăn, nhưng thành phố đã và đang nỗ lực để từng bước đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, đồng thời xây dựng các kênh kết nối để những F0 không triệu chứng yên tâm cách ly tại nhà và được kịp thời đưa tới các cơ sở y tế khi chuyển nặng.

Điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM: Chiến lược phòng chống dịch hiệu quả ảnh 2Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 8, quận 11 chuyển thuốc cấp phát cho F0 điều trị tại nhà. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Công tác quản lý F0 tại nhà đồng bộ, thống nhất, liên thông từ khâu phối hợp, đến quy trình điều trị, bảo đảm thông tin kết nối, liên lạc kịp thời với các lực lượng phản ứng nhanh, bệnh viện tiếp nhận điều trị các ca F0 khi có triệu chứng, trở nặng; tránh tình trạng xử lý chậm các trường hợp được phát hiện, cần chăm sóc kịp thời, nhằm giảm số ca tử vong trong điều trị COVID-19.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng nguy cơ như người có bệnh nền, người già, suy giảm hệ miễn dịch là đối tượng cần quan tâm đặc biệt bởi phần lớn số ca tử vong rơi vào đối tượng này. Bên cạnh đó, việc bảo vệ đối tượng nguy cơ cũng là một trong 6 chiến lược y tế mới tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và sự vào cuộc với quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tất cả quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong triển khai thực hiện các hoạt động trọng tâm của chiến dịch, bước đầu, chiến dịch đã phát hiện ra những đối tượng cần được can thiệp ngay góp phần giảm nguy cơ tử vong.

Ngành y tế thành phố đã dồn lực can thiệp bảo vệ người ở nhóm nguy cơ cao, lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, ưu tiên dùng thuốc Molnupiravir và được bác sỹ theo dõi chặt chẽ.

Điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM: Chiến lược phòng chống dịch hiệu quả ảnh 3Lực lượng Quân y thăm khám cho một cụ bà F0 ở Khu phố 1, Phường 6. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Cụ thể, trong 15 ngày đầu triển khai chiến dịch, trong số người được làm xét nghiệm nhanh, tầm soát đã phát hiện 3.918 người có kết quả dương tính, kịp thời được điều trị ngay với thuốc kháng virus Molnupiravir và cách ly chăm sóc tại nhà 901 người; cách ly tập trung là 255 người.

Ngoài ra, các quận, huyện khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ trong thời gian tiếp theo, tiếp tục sử dụng thuốc kháng virus cho người F0 khi phát hiện ra tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, chiến dịch còn phát hiện ra 24.420 người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine (chiếm 4,2%).

Do đó, các trung tâm y tế tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vaccine ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ. Trong trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà.

Song song đó, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện khẩn trương gửi danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để được các bác sỹ tình nguyện thăm hỏi và tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Đồng thời, Sở cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cũng hướng dẫn phương thức lấy thông tin phiếu khảo sát và nhập vào công cụ nhập liệu để thuận tiện cho việc thông kê, theo dõi và quản lý danh sách người thuộc nhóm nguy cơ.

Ông Tăng Chí Thượng yêu cầu tất cả các hoạt động trên cần triển khai đồng loạt, nhằm kịp thời bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn nhằm hướng đến mục tiêu giảm mắc và giảm nguy cơ tử vong do COVID-19. Chiến lược xét nghiệm, cung cấp thuốc Monulpiravir ở giai đoạn này sẽ ưu tiên tập trung cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. Bên cạnh đó, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức trên địa bàn thành phố cũng cần tăng cường hoạt động truyền thông xuyên suốt cả chiến dịch để người dân hiểu và cùng thực hiện.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xác định và phát triển chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trong giai đoạn hiện nay luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các quận huyện, thành phố Thủ Đức phải thống kê, rà soát, nắm kỹ số lượng người có nguy cơ cao trên địa bàn để từ đưa vào cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin, nắm kỹ từng hoàn cảnh, đặc điểm sống, môi trường sống để triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, cần chú trọng giám sát, rà soát các vùng có nguy cơ cao như các quận Bình Tân, Quận 4, Quận 12, huyện Bình Chánh, các khu nhà trọ, nơi tập trung đông dân cư.

Qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia ngành y tế cùng với tham khảo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã đưa các thuốc chống đông và kháng viêm dạng uống vào các gói thuốc điều trị tại nhà cho người mắc COVID-19, nhằm hạn chế tỷ lệ người bệnh chuyển nặng. Đồng thời, Sở Y tế cũng đảm bảo 100% F0 tại nhà được chăm sóc và quản lý tại các tuyến y tế cơ sở và được cấp phát đầy đủ tủi thuốc (túi thuốc A, B hoặc túi thuốc C).

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác tư vấn và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà từ xa (telehealth), Hội Y học Thành phố, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng các tổ chức xã hội khác đã chủ động triển khai nhiều mô hình tự vấn từ xa qua các Tổng đài 1022, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà qua các tổ y tế lưu động của các Trường Y khoa, các tổ chức thiện nguyện cung cấp túi thuốc A, B và cung cấp bình oxy tại nhà cho người dân.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 23/8 đến ngày 30/9, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị có xu hướng giảm dần mặc dù số người F0 đang cách ly tại nhà còn cao, bước đầu cho thấy chương trình cung cấp túi thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho người F0 có hiệu quả.

Có thể nói, mô hình hỗ trợ, theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với các F0 đã phát huy hiệu quả, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, giúp người bệnh sớm lấy lại tinh thần, nhanh chóng hồi phục.

Chia sẻ của người trong cuộc

Thời điểm bắt đầu thực hiện công tác cách ly cho F0 tại nhà, số trường hợp F0 ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh là 40.576 người, trong đó có 20.208 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 20.368 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Thành phố đã tổ chức các Trạm Y tế lưu động kết hợp với đội phản ứng nhanh của địa phương để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị tại nhà. Đây đều là những cơ sở y tế được trang bị thuốc, thiết bị y tế cơ bản; cung cấp các túi thuốc điều trị phù hợp với tình trạng bệnh cho F0 điều trị tại nhà.

Điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM: Chiến lược phòng chống dịch hiệu quả ảnh 4Lực lượng Quân y đến tận nhà dân để thăm khám, điều trị cho các F0 không triệu chứng tại nhà. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Tại hẻm 672 Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Phú, Quận 7), nơi có nhiều F0 cách ly tại nhà - tổ y tế cộng đồng gồm bác sỹ, dược sỹ, lực lượng chức năng của phường Tân Phú mời từng người ra trước cửa nhà để bác sỹ khám bệnh, tư vấn sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Được thăm khám, hướng dẫn nhiệt tình, người dân tại đây nhanh chóng ổn định tâm lý, yên tâm hơn trong việc tự cách ly tại nhà.

Ông Nguyễn Văn Khôi (cư ngụ tại hẻm 672 Huỳnh Tấn Phát), cho biết ông bị rối loạn tiền đình, huyết áp cao, trở thành F0 và đang cách ly tại nhà, ông lo lắng nên phát sinh thêm các vấn đề sức khỏe. “Được bác sỹ tư vấn qua điện thoại nhưng tôi không yên tâm, thường mất ngủ vì lo. Sau khi bác sỹ tới tận nhà khám, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn, hướng dẫn theo dõi sức khỏe, tôi mới yên tâm ăn uống, nghỉ ngơi,” ông Khôi nói.

Hành trình vượt qua COVID-19 của chị Trịnh Thị Minh Tâm (28 tuổi, ngụ quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) lại có phần khó khăn hơn. Chị Tâm cùng chồng mở cửa hàng buôn bán quần áo tại nhà, hàng ngày đón tiếp rất nhiều khách nên khi phát hiện mắc COVID-19 vào đầu tháng 12 này, vợ chồng chị không thể xác định được nguồn lây, chỉ có thể thông qua trang Facebook của cửa tiệm để cảnh báo đến khách hàng.

Do đã được tiêm phòng vaccine hai mũi và không xuất hiện triệu chứng nên sau khi gọi cho trạm y tế phường, vợ chồng chị được chỉ định nhận túi thuốc A và tự điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi bắt đầu thực hiện cách ly, chị Tâm bị mất vị giác. Kể từ đó, việc ăn uống gần như trở thành “cực hình” với chị. “Thức ăn bỏ vào miệng chẳng khác nào đang nhai giấy, dù bỏ bao nhiêu gia vị thì tôi vẫn chỉ cảm nhận được một vị nhạt nhẽo. Suốt 2 ngày sau đó, tôi gần như bỏ bữa hoặc chỉ ăn rất ít do không có khẩu vị, sức khoẻ cũng dần sa sút vì cơ thể không đủ năng lượng” - chị Tâm kể.

Được sự động viên của chồng và người thân, chị Tâm đã cố gắng ăn uống thật đầy đủ dù không cảm nhận được mùi vị. Chị nấu thức ăn thật mềm và xắt thành miếng nhỏ để dễ ăn; trái cây thì dùng máy xay thành sinh tố để uống. Vợ chồng chị cũng giữ thói quen tập thể dục đều đặn; đi ngủ đúng giờ; sử dụng các nguyên vật liệu có sẵn trong nhà như chanh, mật ong, dầu, các loại lá… để xông mũi, xông họng hoặc chế biến thành món ăn, thức uống để bổ sung vitamin, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Sau khoảng 6 ngày điều trị thì chị dần có lại vị giác và đến ngày thứ 10 thì cả hai vợ chồng chị đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Chị Tâm cũng tâm sự, trong đợt đỉnh dịch COVID-19, xung quanh chị chỉ vài người quen là F0, nhưng gần đây khi Thành phố Hồ Chí Minh thích ứng an toàn với dịch, mỗi ngày chị đều nhận tin 1-2 người bạn hoặc người thân trong gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính. Do đó, đến khi bản thân là F0, chị cũng không quá bất ngờ hay lo lắng. Hàng xóm của chị cũng không lo sợ, vẫn sinh hoạt bình thường, khác với khoảng thời gian thực hiện giãn cách toàn xã hội, mỗi khi khu vực nào phát hiện có ca F0 là người dân lo lắng nháo nhào.

Điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM: Chiến lược phòng chống dịch hiệu quả ảnh 5Một túi thuốc cấp cho F0 điều trị tại nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Anh Thái Huy Tuấn (39 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) thì tin rằng, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của trạm y tế địa phương mà anh đã thành công “chiến thắng” dịch bệnh.

“Tôi uống các loại thuốc đúng theo chỉ định, ăn uống đủ dinh dưỡng và tích cực vận động cơ thể theo lời khuyên của bác sỹ. Chỉ sau gần 5 ngày phát hiện mắc COVID-19, các triệu chứng về đường hô hấp, thần kinh cơ và tiêu chảy đều giảm rõ rệt. Đến ngày thứ 7 thì tôi cảm thấy cơ thể khoẻ lại, tinh thần tỉnh táo và đến ngày thứ 9 thì nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính”, anh Tuấn chia sẻ.

Từ thực tế những câu chuyện mà các F0 đã trải qua, nhiều người đã chia sẻ lại các kinh nghiệm mà họ đã đúc kết được khi tự điều trị tại nhà, trong đó yếu tố tinh thần luôn được nhắc đến như là một liệu pháp quan trọng, hỗ trợ tích cực cho việc nhanh chóng khỏi bệnh.

Theo chị Huỳnh Thị Bích Trâm (33 tuổi, ngụ Quận 8), việc tạo tâm lý lạc quan, thoải mái đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị, không nên quá lo lắng vì có thể khiến bệnh diễn biến phức tạp. Khi vừa biết tin mình nhiễm bệnh, dù triệu chứng khá nhẹ nhưng vì lo lắng quá độ nên chị đã bị tăng huyết áp, mất ngủ thường xuyên, tinh thần luôn căng thẳng đã khiến cơ thể kiệt sức.

“Gia đình phải động viên rất nhiều, tôi mới bình ổn tâm trạng lại và sau đó khỏi bệnh rất nhanh. Tôi hy vọng mọi người dùng thái độ lạc quan, thoải mái khi đối mặt với dịch bệnh vì chúng ta đều đã được tiêm vaccine đầy đủ, nếu không có triệu chứng nặng thì không có gì phải lo lắng”, chị Trâm chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục