TP.HCM cấp phát thuốc kháng virus tùy theo đối tượng bệnh nhân

Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thành phố có lượng thuốc được quản lý kiểm soát chặt trước tình hình F0 tăng thời gian qua; gói thuốc C, kháng virus sẽ được cấp rộng rãi cho người dương tính....
TP.HCM cấp phát thuốc kháng virus tùy theo đối tượng bệnh nhân ảnh 1Một túi thuốc cấp cho F0 điều trị tại nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Việc học sinh đi học trở lại, cung cấp gói thuốc C cho F0, mua bán thuốc Molnupiravir trên thị trường… là các nội dung nổi bật được đưa ra trong cuộc họp thông tin phòng, chống dịch COVID-19 định kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 9/12.

Tăng cấp độ dịch do tâm lý người dân chủ quan

Theo công bố cấp độ dịch của Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/12 vừa qua, quận 4 là địa phương duy nhất nâng cấp độ dịch từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 (tức từ vùng vàng lên vùng cam).

Theo bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 4, từ khi thực hiện các giải pháp để người dân bắt đầu đi vào cuộc sống bình thường mới, địa phương đã nhận định sẽ có sự gia tăng số ca nhiễm do không còn giãn cách và việc tiếp xúc, giao lưu giữa người dân nhiều hơn.

Bên cạnh đó, đặc điểm quận 4 là địa phương có diện tích nhỏ và nhiều khu xóm lao động, ý thức người dân còn hạn chế, dẫn đến tình hình dịch bệnh gia tăng.

Trước thực trạng đó, bà Đỗ Thị Trúc Mai cho biết quận đang trong quá trình điều hành, thực hiện giải pháp; trong đó tập trung nâng ý thức người dân trong phòng, chống dịch.

Ngay khi có ca nhiễm trong cộng đồng, quận đã đánh giá và nhận thấy phần lớn là ổ dịch gia đình, khi một người mắc, những thành viên còn lại cũng dương tính. Theo thống kê, số người mắc COVID-19 ở quận lũy tích đến nay là 18.000 người; số đang cách ly điều trị tại bệnh viện là 481, tại nhà là 370 và có 50 trường hợp đang được làm hồ sơ đi cách ly do nơi ở không đủ điều kiện.

Liên quan đến việc sau khi cấp độ dịch tăng lên, quận có hạn chế các hoạt động trên địa bàn hay không, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 4 đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra; yêu cầu các hàng quán ăn uống giảm 50% công suất hoạt động. Các hoạt động kinh doanh mua bán khác đều được yêu cầu hạn chế theo cấp độ dịch từng địa bàn. Các đội kiểm tra của quận thường xuyên theo dõi, rà soát và xử lý trường hợp vi phạm phòng, chống dịch trên địa bàn.

80% phụ huynh lớp 9, 12 ở Thành phố đồng ý cho con đến trường

Liên quan đến việc trở lại trường của học sinh lớp 9 và 12, theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 285 trường Trung học Cơ sở với khoảng 88.000 học sinh lớp 9; 202 trường Trung học Phổ thông với hơn 68.000 học sinh lớp 12.

Việc trở lại trường của học sinh hai khối này nhận được sự đồng thuận rất cao của phụ huynh, với gần 80% phụ huynh học sinh mỗi khối đồng ý.

[TP.HCM huy động hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia chống dịch]

Ông Lê Duy Tân nhận định việc trở lại trường của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh sẽ có nhiều khó khăn, có thể gặp nhiều tình huống phát sinh. Để học sinh trở lại trường an toàn, các cấp, ngành cùng với cha mẹ học sinh phối hợp, quan sát tất cả đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục.

Theo đó, quá trình dạy học trực tiếp có 4 giai đoạn: lúc học sinh ở nhà, từ nhà đến trường, học ở trường và từ trường về nhà. Vì vậy, ngành Giáo dục, các trường nghiên cứu kỹ và đưa ra những khuyến cáo, quy định, hướng dẫn cho học sinh khi đến trường.

Vừa qua, Sở đã tổ chức tập huấn để giúp các trường xây dựng phương án đón học sinh an toàn. Sau khi học sinh đến trường, các em sẽ được ôn luyện, bổ sung những phần kiến thức thiếu hụt trong thời gian học trực tuyến rồi mới được kiểm tra học kỳ 1 theo hình thực trực tiếp. Với những học sinh chưa thể đến trường, ngành Giáo dục cho phép lùi kiểm tra, đánh giá trực tiếp.

Theo ông Lê Duy Tân, từ ngày 6/9 đến nay, việc học của học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh được duy trì bằng hình thức trực tuyến. Hình thức dạy học này phù hợp, thích ứng với tình hình dịch bệnh nhưng có nhiều hạn chế. Được sự đồng ý của Ủy ban Nhân dân thành phố, ngành Giáo dục tổ chức phương án dạy học trực tuyến và khi có cơ hội sẽ thực hiện thêm, đẩy mạnh việc dạy học trực tiếp cho học sinh để giải quyết những hạn chế của học trực tuyến.

“Tôi nghĩ trong năm học này cùng những năm tiếp theo, chúng ta thực hiện đồng thời dạy học trực tiếp và trực tuyến. Hai phương thức này sẽ bổ sung cho nhau. Tỷ lệ giữa hai hình thức như thế nào sẽ tùy theo tình hình dịch bệnh của địa phương và tùy đối tượng học sinh,” ông Lê Duy Tân nói.

Quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn thuốc trước tình hình F0 tăng

Lý giải việc người dân phản ánh chưa được cấp phát Molnupiravir khi mắc COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết không phải F0 nào cũng được cấp loại thuốc này. Với gói thuốc C, vừa qua, Bộ Y tế đã cấp phát cho Thành phố Hồ Chí Minh hơn 25.000 liều Molnupiravir. Địa phương đang điều chuyển hơn 12.000 gói thuốc C bao gồm thuốc Molnupiravir kháng virus từ các cơ sở y tế chưa sử dụng đến những nơi cần hơn.

Ngoài thuốc kháng virus này, ngành Y tế thành phố được bộ cung ứng 2.300 liều Favipiravir cùng nhóm. Bên cạnh đó, thành phố còn một số loại thuốc đông y hoặc thuốc y học dân tộc, hơn 30.000 liều thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người dân khi mắc COVID-19.

TP.HCM cấp phát thuốc kháng virus tùy theo đối tượng bệnh nhân ảnh 2Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Như vậy, thành phố có lượng thuốc được quản lý kiểm soát chặt chẽ trước tình hình F0 tăng thời gian qua. Gói thuốc C, kháng virus sẽ được cấp phát rộng rãi cho người dương tính khi cần sử dụng,” bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, thời gian qua, Sở Y tế đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh và được chấp thuận triển khai chiến dịch chăm sóc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi, có bệnh nền…

Ngay khi nhóm đối tượng này được phát hiện dương tính, phường sẽ cấp phát các gói thuốc đến tận nhà. Các loại thuốc kháng virus chỉ sử dụng đúng đối tượng. Những người còn trẻ khỏe không có triệu chứng hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ không được chỉ định thuốc kháng virus. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc không đúng sẽ dẫn đến hệ quả là kháng thuốc, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Đối với việc rao bán thuốc Molnupiravir, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định đây là thuốc chưa được phép lưu hành. Việc lưu hành các sản phẩm trên không gian mạng hoặc mua bán trên thị trường đều bất hợp pháp.

Theo đó, Sở đã phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra truy vết các trường hợp có ghi nhận mua bán, xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm.

Tính đến 18 giờ ngày 8/12, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 482.000 ca mắc COVID-19. Hiện, thành phố đang điều trị hơn 13.100 bệnh nhân, trong đó có 473 trẻ em dưới 16 tuổi, 472 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân được can thiệp ECMO.

Cùng ngày, ngành Y tế ghi nhận hơn 1.200 bệnh nhân nhập viện và 1.167 bệnh nhân xuất viện, 76 trường hợp tử vong. Địa bàn đã triển khai tiêm hơn 7,9 triệu mũi 1 và 6,8 triệu mũi 2 vaccine phòng COVID-19.

Sau 2 tháng mở cửa trở lại, Thành phố Hồ Chí Minh duy trì dịch ở mức độ 2 nhiều tuần liên tiếp, tuy nhiên địa bàn vẫn là nơi có số lượng F0 mới và tử vong cao nhất cả nước. Đặc biệt, số ca tử vong chưa có dấu hiệu giảm.

Theo đánh giá của Sở Y tế Thành phố, F0 tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, bệnh nền, chưa tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus. Hiện, việc hạn chế F0 tử vong vẫn là vấn đề cấp thiết được ngành Y tế thành phố đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục