Doanh nghiệp có thể “trông cậy” vào Quỹ Đổi mới Công nghệ

Quỹ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng nên doanh nghiệp có thể “trông cậy” vào Quỹ khi doanh nghiệp Việt hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Doanh nghiệp có thể “trông cậy” vào Quỹ Đổi mới Công nghệ ảnh 1Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 8/1 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức ra mắt Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Liên quan đến hoạt động của Quỹ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Quân về vấn đề này.

- Thưa Bộ trưởng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động liệu có thay đổi được tư duy đổi mới công nghệ của doanh nghiệp?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (sau đây gọi Quỹ) ra đời để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm cho xã hội. Quỹ là định chế tài chính phù hợp để giúp hệ thống doanh nghiệp có thể tiếp nhận được các kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học kể cả công nghệ nhập khẩu và ứng dụng vào sản xuất kinh doanh để đổi mới công nghệ của chính doanh nghiệp.

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng “mất” 3 năm chuẩn bị mới định hình được toàn bộ Quỹ và cơ chế hoạt động. Quỹ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể “trông cậy” vào Quỹ khi doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Doanh thu và lợi nhuận rất khiêm tốn, nên doanh nghiệp không đủ năng lực để đầu tư và đổi mới công nghệ, nhưng nếu không đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, có sức cạnh tranh trên thị trường, khi Việt Nam mở cửa và rỡ bỏ hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật về thương mại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thua ngay trên sân nhà. Vì thế, Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, với 1 hay một vài tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giúp doanh nghiệp thay đổi công nghệ, tạo ra sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, tác dụng gián tiếp của các đề tài nghiên cứu, từ các viện nghiên cứu, trường đại học được nhà nước đầu tư từ nhiều năm qua, khi được hỗ trợ thương mại hóa doanh nghiệp sẽ hoàn thiện sản phẩm để đưa ra thị trường.

Quỹ nhằm vào doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp-doanh nghiệp khởi nguồn hay những doanh nghiệp được thành lập từ kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, các trường đại học và từ những doanh nhân có tinh thần khoa học, họ có bằng sáng chế, kết quả nghiên cứu, họ có giải pháp hữu ích và đưa vào sản xuất kinh doanh, Nhà nước hỗ trợ họ bằng việc đào tạo nhân lực để làm chủ công nghệ, hỗ trợ họ tiếp thu và ứng dụng kết quả nghiên cứu của viện, trường.

Với số vốn 1.000 tỷ đồng, tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể có được nguồn vốn đủ để đổi mới công nghệ, chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp khoa học công nghệ hãy quan tâm đến việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ từ tài trợ cho ứng dụng hay nguồn vốn vay với lãi suất thấp, thậm chí dự án lớn được Quỹ bảo lãnh vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong quá trình đổi mới công nghệ và đầu tư cho sản phẩm mới.

- Quy trình thủ tục hỗ trợ từ Quỹ có tránh được cơ chế xin-cho hay không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi tin rằng việc sử dụng nguồn vốn sẽ cạnh tranh, công khai, minh bạch, để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn.

Khi doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới thì phải xin dự án và dự án phải được thông qua cấp quản lý trong lĩnh vực, đối với địa phương phải phù hợp với chiến lược địa phương, đối với bộ ngành thì phải phù hợp với chiến lược phát triển của ngành như: ngành cơ khí, ngành hóa dược hay ngành y tế...

Thông qua “cửa” tư vấn ý kiến của bộ ngành, sau đó Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thành lập hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học đầu ngành, đơn vị quản lý đầu ngành trong lĩnh vực đó để tư vấn cho Bộ và Cơ quan điều hành của Quỹ.

Đồng thời, Bộ cũng tiến hành thẩm định tài chính để hỗ trợ của Nhà nước đúng người-đúng việc (đúng người: doanh nghiệp phải có tinh thần đổi mới, người chủ doanh nghiệp phải có trình độ nhất định, có tâm huyết và là người được lựa chọn để không có động cơ sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí cùa Nhà nước, còn đúng việc là nội nội dung đề xuất phải liên quan đến khoa học công nghệ bởi quỹ không tài trợ cho việc mua trang thiết bị hay nguyên vật liệu của doanh nghiệp).

Sau khi được thẩm định tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phê duyệt nhưng sau phê duyệt các đơn vị chức năng của Bộ cùng với Quỹ sẽ giám sát quá trình sử dụng Quỹ cho dự án của doanh nghiệp, có báo cáo, đánh giá giữa kỳ hay kiểm tra đột xuất để đảm bảo doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích và cuối cùng là đánh giá nghiệm thu sản phẩm của dự án. Những gì nhà nước tài trợ thì sản phẩm phải tương ứng với điều kiện hội đồng đề ra.

Đặc biệt, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng quỹ theo cơ chế khoán, bởi các doanh nghiệp khi tiếp nhận nguồn vốn của Quỹ có thể xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ, các đề tài, dự án có sản phẩm cuối cùng đáp ứng được tiêu chí do hội đồng tư vấn xác định thì có thể được áp dụng cơ chế khoán.

- Xin Bộ trưởng cho biết chế tài khi kết quả đầu ra không đáp ứng yêu cầu?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng khoa học và các doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp đổi mới công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế.

Theo quy định, mức hỗ trợ cao nhất của Quỹ đối với dự án có hàm lượng khoa học cao tối đa 30% tổng kinh phí của dự án do doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp phải tự bỏ ra tối thiểu 70% tùy thuộc vào nội dung dự án. Quỹ cũng ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí, tự động hóa được ưu tiên...

Nếu doanh nghiệp không tạo ra được kết quả như hợp đồng thì chúng ta phải đánh giá, nếu do nguyên nhân khách quan thì doanh nghiệp phải hoàn lại cho ngân sách tỷ lệ tối thiểu và xem xét những năm tiếp theo doanh nghiệp đó không được tham gia vào chương trình khoa học công nghệ của nhà nước.

Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì chế tài nặng nề hơn, doanh nghiệp phải hoàn trả lại cho ngân sách toàn bộ vốn và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thể xử lý bằng hình sự nếu có dấu hiệu tham nhũng hoặc lợi dụng cơ chế chính sách để làm tổn hại đến ngân sách nhà nước./.


Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục