Doanh nghiệp đứng trước thách thức khi đưa dây chuyền sản xuất về nước

Khi đại dịch tiếp tục gây ra những gián đoạn về nguồn cung đã buộc các nhà sản xuất nước ngoài phải bàn tính đến chuyện đưa hoạt động sản xuất về gần hơn với quốc gia của mình.
Doanh nghiệp đứng trước thách thức khi đưa dây chuyền sản xuất về nước ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Theo một báo cáo của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), việc các doanh nghiệp đưa những dây chuyền sản xuất về nước suy cho cùng có thể sẽ khó khăn hơn là củng cố năng lực của chuỗi cung ứng.

Báo cáo của APEC được đưa ra khi đại dịch tiếp tục gây ra những gián đoạn về nguồn cung và buộc các nhà sản xuất nước ngoài phải bàn tính đến chuyện đưa hoạt động sản xuất về gần hơn với quốc gia của mình.

Tuy nhiên, nhà phân tích Akhmad Bayhaqi thuộc Cơ quan hỗ trợ chính sách của APEC cho rằng chi phí là một lý do khiến các nhà sản xuất do dự trong việc thực hiện điều đó.

[Các nền kinh tế APEC dự kiến tăng trưởng 6,3% trong năm 2021]

Ông cho rằng điều quan trọng vẫn là cách doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng. Theo ông, nếu chuyển sản xuất về nước với chi phí tăng, doanh nghiệp có thể mất khả năng tồn tại.

Peloton, nhà sản xuất thiết bị thể thao trong tuần này đã thông báo việc xây dựng nhà máy tại Ohio với số vốn 400 triệu USD, cho biết kế hoạch này là sự mở rộng sản xuất ngoài châu Á hơn là chuyển hẳn sản xuất về Mỹ.

Trong khi đó, về việc chuyển sản xuất về nước của các hãng sản xuất ôtô của Mỹ tại hội thảo do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Cleveland tổ chức, ông Louis Vitantonio, Chủ tịch Hiệp hội các đại lý ôtô vùng đô thị Cleveland, cho rằng nỗ lực của các nhà cung cấp phụ tùng trong việc chuyển cơ sở sản xuất, tìm địa điểm đặt nhà máy và xây dựng là rất khó khăn.

Điều các doanh nghiệp nên làm vào lúc này là đảm bảo bảo các chuỗi cung ứng sẵn sàng ứng phó một cú sốc mới trong tương lai.

Theo báo cáo của APEC, với lựa chọn đầu tư đúng đắn này, tiền chi cho việc tăng cường năng lực của chuỗi cung ứng có thể tăng sản lượng của nhà máy tới 25% và tăng mức độ hài lòng của khách hàng thêm 30%.

Các giải pháp để thực hiện mục tiêu đó có thể là tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để có thể tăng khả năng hiển thị của chuỗi cung ứng và các sáng kiến của chính phủ nhằm tài trợ cho các doanh nghiệp.

Những khuyến nghị trên được đưa ra khi các vấn đề về nguồn cung vẫn tiếp tục.

Tại Trung Quốc, một số doanh nghiệp thậm chí không muốn mạo hiểm đầu tư.

Ông Eric Li, chủ sở hữu công ty Huizhou Baizhan Glass ở Quảng Đông, cho biết giá nguyên liệu thô tăng mạnh có nghĩa lợi nhuận giảm. Khi kinh tế toàn cầu phục hồi không đồng đều, tương lai rất không rõ ràng, do đó các nhà sản xuất không có nhiều động lực để tăng công suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục