Theo quy định tại Thông tư 18/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, từ hôm nay (1/10), xe đầu kéo container phải có phù hiệu mới được lưu hành trên đường.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, những doanh nghiệp vận tải container vẫn chưa đăng ký kinh doanh và không có giấy phép hoạt động, đồng nghĩa với việc hàng nghìn xe container của họ đang bị "xếp xó" như... đống sắt vụn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, những doanh nghiệp vận tải container vẫn chưa đăng ký kinh doanh và không có giấy phép hoạt động, đồng nghĩa với việc hàng nghìn xe container của họ đang bị "xếp xó" như... đống sắt vụn.
"Đỏ mắt" tìm bằng Trung cấp Vận tải Tại Thông tư 18 của Bộ Giao thông Vận tải ngày 6/8/2013 quy định, từ ngày 1/10, tất cả các xe container muốn lưu thông phải được gắn phù hiệu. Để được cấp phù hiệu theo quy định của Sở Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp vận tải container trước tiên phải được cấp giấy phép đăng ký do Sở Kế hoạch Đầu tư phụ trách. Từ khi biết được thông tin về quy định cấp phù hiệu cho xe container, ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Hoàng Hà (Hà Nội) đôn đáo chạy khắp nơi để lo hoàn thành thủ tục xin cấp phù hiệu xe container. Hoạt động trong lĩnh vực vận tải container từ năm 2000, đến nay, Công ty đã có khoảng 30 xe container đầu kéo nhưng chưa đăng ký giấy phép kinh doanh. Vị Giám đốc Công ty cho biết, theo quy định của Thông tư, người điều hành doanh nghiệp phải có bằng Trung cấp Vận tải trong khi tìm mãi vẫn không có cơ sở nào đào tạo trình độ này bởi các trường đào tạo nghề cũng không có khoa, ngành đó.
Thanh tra Giao thông Vận tải kiểm tra xe container chở quá tải. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
“Công ty đã lắp đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, có hợp đồng bến bãi để xe, bộ phận phụ trách an toàn, song vẫn còn thiếu bằng Trung cấp vận tải của người trực tiếp điều hành. Bởi thế, dù đã làm thủ tục đăng ký đến các Sở, ngành, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua,” ông Ngọc cho biết. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, các chủ doanh nghiệp ít chú ý đến bằng Trung cấp vận tải. Chỉ khi Thông tư quy định mới lo tìm chỗ cấp. Hơn nữa, bằng này có quá ít các trung tâm đào tạo. Vì thế, việc học để có bằng cũng rất khó khăn. "Thực chất quy định bằng này chỉ là hình thức giúp chủ xe có trách nhiệm hơn trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp đồng thời hạn chế tình trạng người người, nhà nhà làm Giám đốc," ông Thanh bày tỏ quan điểm. Bên cạnh đó, vị giám đốc công ty trên cũng tỏ ra băn khoăn khi đặt ra câu hỏi, xe đầu kéo container được gắn phù hiệu nếu hiểu đơn thuần thì phương tiện đó chỉ được kéo container. Vậy, xe khi chở hàng hóa rời, hàng chuyền tải có bị lực lượng chức năng xử phạt vì chở sai quy định? [Bộ GTVT chấn chỉnh hoạt động vận tải ở Hải Phòng] Giải thích cho lý do mà các doanh nghiệp đưa ra để biện minh về việc chưa có giấy phép kinh doanh nên không thể hoàn thiện thủ tục xin cấp phù hiệu đúng hẹn, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp chưa theo kịp quy định mới một phần là do thiếu sự hướng dẫn từ cơ quan quản lý. "Nước đến chân mới nhảy?" Theo ông Liên, trước đây, trong Nghị định 91 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, tại Điều 11 có đưa xe container vào diện kinh doanh có điều kiện, song không nhắc gì đến việc cấp phù hiệu mà chỉ nói đến quy định lắp thiết bị hộp đen. Hơn nữa, trong các văn bản Luật giao thông cũng không có Thông tư nào hướng dẫn riêng cho xe container về vấn đề này, khiến các doanh nghiệp không chú ý. “Chỉ sau khi, hàng loạt vụ tai nạn liên quan đến xe container xảy ra, những người làm công tác chính sách mới bắt đầu chú ý đến phương tiện này và đặt ra quy định phải quản lý chặt mà cụ thể là Nghị định 93/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô) ra đời với hàng loạt quy định mới, trong đó có ‘siết’ việc cấp phù hiệu cho xe container,” vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhìn nhận. Bổ sung thêm, ông Liên đánh giá, Nghị định 93 dù có sửa đổi, bổ sung nhưng lại chưa có hướng dẫn quản lý xe container chi tiết và cụ thể. Lỗi này là lỗi hệ thống về công tác quản lý, chính sách và văn bản Luật. Thống kê của Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy, đến tháng 8/2013, cả nước có khoảng 4.200 xe đầu kéo thuộc các đơn vị đã có giấy phép kinh doanh vận tải. Ông Nguyễn Quang Bình, Vụ trưởng Vụ vận tải cho hay, 2 tháng qua, số lượng doanh nghiệp vận tải container đăng ký kinh doanh khá đông. Tuy nhiên, Vụ Vận tải cũng chưa thống kê đầy đủ được số lượng doanh nghiệp mới được cấp phép và còn lại bao nhiêu chưa được cấp phép, buộc phải dừng hoạt động theo quy định mới. “Quy định trước kia thông thoáng nên không ít doanh nghiệp vận tải container không đăng ký kinh doanh, tìm mọi cách để ‘né’. Nay, luật đã siết chặt hơn, các doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các yêu cầu mới được cấp phép và cấp phù hiệu. Để ‘nước đến chân mới nhảy’ như bây giờ là lỗi thuộc về các doanh nghiệp,” ông Bình nhận định. Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thẳng thắn, từ trước đến nay, xe container chưa được quản lý chặt là do chưa có quy định rõ ràng, cụ thể. Chứng minh cho thực tế này, ông Linh đánh giá, tại Thông tư 14 quy định xe container hoạt động chỉ cần giấy phép kinh doanh, mà không cần phù hiệu. Trong khi đó, ra đường chẳng mấy khi doanh nghiệp bị kiểm tra giấy phép kinh doanh. Vì thế, nhiều doanh nghiệp “bơ” luôn việc đăng ký. “Giờ, Thông tư 18 mới yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh mới được cấp phù hiệu nên nhiều doanh nghiệp mới lúng túng triển khai. Lỗi này là từ phía doanh nghiệp,” vị Phó Giám đốc Sở nhấn mạnh. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng) cho biết, Sở đang cố gắng đến đầu tháng 10 sẽ cấp hết giấy phép kinh doanh và phù hiệu cho các doanh nghiệp đã được thẩm định hồ sơ. “Song, chính xác, còn bao nhiêu xe container chưa trong diện được cấp phép, chưa có phù hiệu hoạt động thì Sở cũng chưa nắm được,” ông Hiếu thành thật. [Bộ GTVT “siết” quản lý vận tải hàng hóa container] Đề cập đến vấn đề này, vị lãnh đạo Vụ Vận tải Tổng cục Đường bộ cũng thừa nhận, có thể đến ngày 1/10, tất cả các xe container đang hoạt động hiện nay sẽ không hoàn thiện được việc cấp phù hiệu, song không vì vậy mà cấp ồ ạt cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện. Nhằm giải quyết khó khăn cho các đơn vị vận tải đầu kéo container, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải nên nghiên cứu việc lùi thời hạn lộ trình hoặc cấp phù hiệu tạm thời trong vòng 3-6 tháng cho doanh nghiệp. “Trong khoảng thời gian đấy, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ hoàn thiện hồ sơ, cơ cấu lại vận tải. Sau thời điểm đó, chủ xe nào không thực hiện nghiêm thì xử phạt và rút phù hiệu như đã quy định,” ông Thanh khẳng định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, thông tin quy định việc doanh nghiệp container bắt buộc phải có phù hiệu với được hoạt động đã có từ nửa năm nay. Các doanh nghiệp không thể nói rằng không biết. “Từ 1/10, doanh nghiệp nào không có phù hiệu sẽ không được hoạt động hoặc nếu cố tình lưu thông sẽ bị xử phạt theo quy định. Sẽ không có chuyện lùi thời hạn cấp phù hiệu cũng như xử phạt,” ông Huyện khẳng định./.
Kết quả kiểm tra vừa qua của Bộ Giao thông Vận tải tại một số tỉnh, thành thời gian qua cho thấy, còn không ít các doanh nghiệp vận tải container không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép hoạt động. Tại những địa phương có số lượng xe container lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh... số lượng doanh nghiệp vận tải container có giấy phép kinh doanh chiếm chưa đến 10%. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh mới cấp giấy phép kinh doanh cho 98/1.710 đơn vị và 1.000/8.211 phương tiện. Tại Hải Phòng, chỉ có 46 đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải (đạt 3,6%) và 662 xe container được cấp phép (đạt 9,3%). Cả Hà Nội, chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp với khoảng 400 xe là có giấy phép kinh doanh, số còn lại thì không. |
Việt Hùng (Vietnam+)