Doanh nghiệp Nhật hiếm khi tăng lương vẫn hấp dẫn người lao động

Theo quan điểm của ứng viên Việt Nam thì việc được rèn luyện thái độ, phong cách làm việc chuẩn mực và môi trường chuyên nghiệp tại các doanh nghiệp Nhật là những yếu tố hấp dẫn nhất đối với họ.
Doanh nghiệp Nhật hiếm khi tăng lương vẫn hấp dẫn người lao động ảnh 1Phỏng vấn tuyển dụng. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Các ứng viên lao động Việt Nam cho rằng, ở các doanh nghiệp Nhật Bản, người lao động được rèn luyện thái độ và phong cách làm việc chuẩn mực trong môi trường chuyên nghiệp. Đây cũng là nơi có chế độ lương thưởng, phúc lợi hấp dẫn.

[Trả lương hàng chục triệu đồng, ngân hàng vẫn khó tuyển và giữ người]

Đây là một trong những nhận định được đưa ra trong Báo cáo về “Văn hóa và tuyển dụng tại doanh nghiệp Nhật Bản” do Tập đoàn tuyển dụng nhân sự Navigos Group công bố ngày 16/5. Khảo sát được thực hiện dựa trên cơ sở dữ liệu của VietnamWorks và Navigos Search.

Hiếm khi tăng lương đột biến

Theo kết quả khảo sát, việc tăng lương hàng năm là hình thức phổ biến tại doanh nghiệp Nhật, 86% nhà tuyển dụng cho biết công ty họ đang áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật hiếm khi tăng lương đột biến, số doanh nghiệp tăng lương vào mức 20% cho nhân viên chỉ chiếm 2%; nhóm tăng lương 15% mỗi năm chiếm 23%. Mức tăng lương phổ biến tại doanh nghiệp Nhật là từ 5-10% mỗi năm, chiếm tới 62%.

Thưởng Tết một tháng lương cũng là hình thức phổ biến nhất tại công ty Nhật Bản, có 55% nhà tuyển dụng cho biết công ty họ đang áp dụng thưởng một tháng lương; 17% doanh nghiệp có mức thưởng Tết là hai tháng lương và chỉ 4% doanh nghiệp có mức thưởng cao ba tháng lương.

Khi được hỏi về các yếu tố hấp dẫn nhất khi làm việc tại doanh nghiệp Nhật, các nhà tuyển dụng tại các doanh nghiệp này cho rằng yếu tố “lương và chế độ đãi ngộ tốt” cũng như một “công việc ổn định” lần lượt là các yếu tố hấp dẫn nhất đối với ứng viên người Việt.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ứng viên Việt Nam thì việc được “rèn luyện thái độ, phong cách làm việc chuẩn mực” và “môi trường chuyên nghiệp” như các công ty Nhật Bản mới thực sự là những yếu tố hấp dẫn nhất đối với họ.

Đứng trước sự cạnh tranh từ những doanh nghiệp FDI khác về thu hút nguồn nhân lực, ông Gaku Echizenya, Tổng Giám Đốc của tập đoàn Navigos Group chia sẻ một số gợi ý cho nhà tuyển dụng Nhật Bản: “Các doanh nghiệp Nhật hãy tận dụng lợi thế ‘văn hóa làm việc’ để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, nhằm thu hút những ứng viên tài năng đang muốn được rèn luyện bản thân tại môi trường làm việc chuyên nghiệp như Nhật Bản.”

Theo ông Gaku Echizenya, thường xuyên chia sẻ các nét văn hóa đặc trưng và môi trường làm việc hấp dẫn thông qua mạng xã hội cũng là một hình thức được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay.

Cơ hội sang Nhật Bản làm việc

98% ứng viên trả lời khảo sát cho biết họ được đào tạo qua nhiều hình thức khác nhau tại doanh nghiệp Nhật Bản. Đào tạo trực tiếp trên công việc là hình thức vẫn được nhiều doanh nghiệp Nhật áp dụng nhất, theo ý kiến của 71% nhà tuyển dụng.

Trong thực tế, các xu hướng đào tạo mới hiện nay vẫn chưa phổ biến tại doanh nghiệp Nhật, ví dụ như “chương trình Mentor-Người đồng nghiệp cố vấn” hiện chỉ có 24% doanh nghiệp Nhật Bản đang thực hiện và chỉ 7% doanh nghiệp Nhật có áp dụng “E-learning (đào tạo trực tuyến).”

Doanh nghiệp Nhật hiếm khi tăng lương vẫn hấp dẫn người lao động ảnh 2Người lao động phỏng vấn xin việc với doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát, gần 40% chuyên gia tuyển dụng cho biết, doanh nghiệp của họ có hình thức điều chuyển nhân viên Việt Nam sang Nhật Bản để làm việc. Doanh nghiệp áp dụng chương trình này cho nhân viên có kết quả tốt chiếm 22%, nhân viên làm việc lâu năm chiếm 16%.

Một số công ty khác cho biết họ có hình thức cho nhân viên chủ động ứng tuyển sang Nhật làm việc, đưa nhân viên sang Nhật để đào tạo hoặc công tác. Một số công ty cũng đang lên kế hoạch điều chuyển công tác nhân sự người Việt trong vài năm tới.

Tiếng Nhật không phải ngôn ngữ chính

Có một điểm đáng lưu ý là tiếng Nhật lại không phải là ngôn ngữ giao tiếp chính trong doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ 20% nhà tuyển dụng cho biết công ty họ coi tiếng Nhật là ngôn ngữ nội bộ chính. Điều này có nghĩa, Tiếng Anh và tiếng Việt mới là ngôn ngữ phổ biến hơn tại các doanh nghiệp này.

55% ứng viên tham gia khảo sát cho biết đồng nghiệp người Nhật thích trò chuyện cùng với các nhân sự người Việt biết tiếng Nhật hơn; 30% ứng viên cho biết những nhân viên biết tiếng Nhật được đánh giá kết quả công việc cao hơn. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng thì cho rằng “nhân sự biết tiếng Nhật không có bất cứ sự ưu ái nào” mà việc biết tiếng Nhật chỉ đơn giản giúp nhân sự người Nhật và người Việt “dễ dàng hơn trong giao tiếp”. Quan điểm này dựa trên ý kiến của 70% nhà tuyển dụng người Việt và 50% nhóm tuyển dụng người Nhật tham gia khảo sát.

Đặc biệt, có 26% ứng viên tuy có trình độ tiếng Nhật nhưng chưa có trải nghiệm làm viêc tại doanh nghiệp Nhật Bản. Trong số đó, chiếm 77% số ứng viên này đã bình chọn công ty Nhật là doanh nghiệp châu Á có môi trường làm việc được yêu thích nhất. Bên cạnh đó, hơn một nửa số ứng viên tham gia khảo sát cũng chia sẻ họ đang tìm kiếm công việc tại doanh nghiệp Nhật trong thời gian tới.

Ông Gaku Echizenya cho rằng, nhằm xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ, các công ty nên cân nhắc đào tạo thêm các khóa ngôn ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Nhật cho nhân viên, có phúc lợi nhằm khuyến khích nhân viên đi học hoặc tự học ngoài giờ làm việc. Công ty cũng có thể tận dụng nguồn lực của chính công ty để phát động những khóa học được tổ chức bởi chính các nhân viên có kỹ năng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật tốt. Hiện nay, các chương trình đào tạo kiểu mới như học trực tuyến (e-learning), trò chơi điện tử ứng dụng hóa (Gamification)… cũng được đánh giá là mô hình học hỏi rất hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục