Độc đáo múa lân phun lửa trong đêm rằm Trung thu ở thôn Cao Hạ

Hàng chục thanh niên qua nhiều ngày tập luyện đã mang đến những màn biểu diễn độc đáo cho người dân thôn Cao Hạ (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) trong đêm rằm Trung thu.
Cứ mỗi độ rằm tháng Tám, đường làng, ngõ xóm thôn Cao Hạ (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại rộn ràng không khí Tết Trung thu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thôn Cao Hạ nhiều năm qua vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống mỗi dịp Tết Trung thu với nhiều hoạt động thú vị như rước cỗ trông trăng, múa lân phun lửa,... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Điểm nhấn đặc biệt nơi đây chính là tiết mục múa lân phun lửa. Trước rằm tháng Tám, Đoàn Thanh niên tại thôn Cao Hạ lại lập ra đội múa lân gồm các thanh niên trong làng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Vài ngày trước khi rằm Trung thu bắt đầu, đội của Đoàn Thanh niên lại cùng nhau tập luyện, biểu diễn những tiết mục múa lân, thổi lửa vô cùng độc đáo khiến nhà nhà đều háo hức đi xem. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đoàn thanh niên sẽ kêu gọi thanh niên làng tham gia tập luyện vào khoảng 1 tuần trước ngày rằm Trung thu. Để có những bài phun lửa đẹp, các thành viên trong đoàn đã tập đi, tập lại rất nhiều lần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khoảng 20 giờ, khi tiếng trống vang lên từ ngoài đầu làng, người lớn, trẻ con lại tụ tập về đây để xem đoàn rước kiệu, rước cỗ, múa lân biểu diễn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người dân tại thôn cho biết, đội múa lân đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đội lân mỗi năm sẽ do một lứa tuổi đăng cai, toàn bộ quá trình tập luyện, trang thiết bị đều được dân làng quyên góp hay đội múa lân tự tay làm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các thành viên của đội đã phải tập luyện phun nước trước khi phun dầu để thổi lửa, để khi ngậm dầu không và bảo đảm an toàn khi biểu diễn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cả đội múa lân phun lửa trong tiếng trống dập dồn sẽ đi diễu quanh thôn trong khoảng 3 tiếng. Đi đầu là đoàn múa đuốc sau đó là nhóm múa lân, mâm cỗ Trung thu, ảnh Bác Hồ... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Múa lân thổi lửa là một trong những hoạt động vui Tết Trung thu vô cùng độc đáo của làng quê vùng ven đô Hà Nội này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những màn múa lân, thổi lửa thường chỉ thấy được qua phim ảnh nay được tái hiện đầy sống động bởi những thanh niên 18, đôi mươi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cả thôn chỉ có một đầu lân duy nhất, mỗi năm sẽ là một kiểu đầu lân sư có hình dáng, màu sắc khác nhau được đặt làm rất kỳ công, tỉ mỉ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là hoạt động được các gia đình trong thôn chờ đón nhất, không chỉ gắn kết tình làng nghĩa xóm mà còn giúp trẻ em nơi đây nhớ đến những nét văn hóa và truyền thống xưa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Từ người lớn đến trẻ nhỏ trong thôn đều tập trung tại Nhà văn hóa thôn Cao Hạ để chiêm ngưỡng màn múa lân đặc sắc này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những thành viên bên ngoài sẽ cầm đuốc biểu diễn giống như đang 'đánh nhau' với lân theo nhịp trống, tạo nên hình ảnh rất hấp dẫn, mang đậm văn hoá của ngày Tết Trung thu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Không chỉ mang đến những điệu múa đặc sắc, múa lân còn có ý nghĩa cầu bình an, hạnh phúc và mùa màng bội thu cho tất cả nhân dân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục