Dân dã tò he, trống bỏi

Đợi rằm Trung thu để gặp lại tò he, trống bỏi

Tết Trung thu, tò he vẫn có chỗ đứng giữa muôn vàn đồ chơi Trung Quốc xanh đỏ lòe loẹt và tiếng trống bỏi đặc trưng vẫn đầy thu hút...

Tờ mờ sáng, vợ chồng anh Đặng Văn Hậu (Phú Xuyên, Hà Nội) lục tục vượt gần 40km lên phố Hàng Mã để nặn tò he.

Ở cái phố bán đồ chơi trung thu bậc nhất Hà thành này, có rất nhiều người thôn dã mang đồ chơi truyền thống bày bán để tăng thu nhập...

Cả nhà ra phố

Đã cận ngày Trung thu (ngày 1/10), ông Trần Thắng ở phố Đồng Xuân mới đi mua quà cho cháu. Ngắm nghía một hồi trước những gian hàng lòe loẹt, ông rẽ ngang trước dòng người chật ních để vào những hàng tò he khiêm tốn bên lề đường.

Anh Hậu - chủ hàng tò he - nhanh thoăn thoắt, vừa nặn hình rồng và mâm ngũ quả theo yêu cầu của khách. Chỉ sang người vợ ở quầy bên cạnh, anh bảo với phóng viên Vietnam+ rằng, cả nhà anh (gồm: bố vợ, em vợ, em họ, chú…) lên Hàng Mã này đã được 7 ngày để nặn tò he bán.

Từ làng Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) đến nội thành chừng 40km nên sáng nào cũng thế, cứ 5 giờ sáng, hai vợ chồng trẻ lại gọi nhau dậy. Cơm nước xong, anh đèo đồ nghề, hòm xiểng, cùng chị tới Hàng Mã miết mải với những cục bột. “Thường thì đến 10 giờ 30 phút tối chúng tôi mới bắt đầu về nhà,” anh nói.

Ở một quầy bán trống bỏi, Hoa – tên “bà chủ nhí” mới 17 tuổi quê ở xã Hồng Quang (Trực Ninh, Nam Định) đang hớn hở với số tiền kiếm được. Bày hàng được khoảng vài tiếng, Hoa đã bán được gần 100 chiếc với giá 2.000đ/chiếc.

Hoa kể rằng, cả nhà em gồm 4 người lên Hà Nội từ ngày 9/10 tương ứng với 4 quầy hàng được bày bán ở những khu vực khác nhau. Đến giờ vãn khách, nghỉ, cả gia đình gặp gỡ, đưa tiền cho mẹ, đi ăn rồi lại tiếp tục ngồi bán hàng. Tối đến, họ cùng nhau về một khu nhà trọ cho người lao động, túm tụm ngủ để tái hồi sức lao động cho sáng hôm sau.

Hoa không biết được thu nhập của cả gia đình một ngày là bao nhiêu tiền, còn anh Hậu thì nói, dù mấy ngày qua thời tiết xấu nhưng tò he vẫn “lên ngôi” hơn hẳn so với mọi năm. “Mỗi ngày trung bình tôi bán được 700.000 đồng, trừ chi phí tôi đút túi được 500.000 đồng,” anh tươi rói.

Vừa tắt nụ cười trên môi, anh bảo rằng thì cũng chỉ kiếm được vào những ngày trung thu thôi chứ những ngày lễ hội, tết cũng chả ăn thua. Hết đêm rằm, ai lại về nhà nấy và làm công việc thường ngày như làm ruộng, buôn bán nhỏ…

“Trả phí” vỉa hè để mưu sinh

Không may mắn như anh Hậu nặn tò he và bé Hoa bán trống bỏi, một người bán đèn ông sao vừa “chạy công an,” vừa nhăn nhó bảo rằng “ế lắm.”

Đưa bàn tay nhọ lem phẩm màu quệt trán, chị bảo mình quê Hà Nam, làm nghề bán rong tại Hà Nội cũng được vài năm. Hễ đến dịp trung thu, chị lại chuyển sang buôn những đồ chơi để bán ở phố Hàng Mã. Vốn ít, chị chỉ có thể mua những chiếc đèn ông sao giá rẻ để bán kiếm lời.

“Nếu có tiền, tôi cũng ‘thuê một gian hàng’ để bán như những người ở quê khác,” chị nói.

Theo cái chỉ tay của chị là gian hàng của anh Trọng Văn (Nam Định). Nằm gọn gẽ trên vỉa hè ở góc phố, gian hàng bé xíu của anh bán “thập cẩm” các loại đồ chơi rẻ tiền, từ trống bỏi đến trò chơi Trung Quốc.

“Thì thầm” về chuyện gian hàng, anh nói ngoài tiền nộp “chính quy”, anh còn phải nộp cho cả… chủ nhà đằng sau mình.

Anh nói, năm nay chưa biết giá thế nào, song như năm trước, chuẩn bị đến ngày dỡ sạp hàng, bà chủ nhà nọ đã ra lấy “phí” 200.000đ.

Anh Hậu thì không phải “trả phí vỉa hè,” song cho hay, nếu muốn bày bán, chiếm một góc vỉa hè thì phải trả cho chủ nhà phía sau mình từ 300.000đ-500.000 đồng/1 “mùa vụ” (khoảng 10-15 ngày). “Không trả, ai cho mình chiếm ‘mặt tiền’?” anh Hậu nói.

Anh Trọng Văn thì bổ sung, anh cũng chỉ “thuê” được ở khu rộng và cửa hàng đằng sau không bán đồ chơi mà thôi.

Tuy nhiên trên thực tế, đa phần “người quê” khác, bán những mặt hàng không cần thiết phải “ngồi ì” một chỗ thì đi rong cho đỡ phiền phức và tốn kém./.
Mặt nạ lên ngôi, đèn trời không bán

Chiều ngày 1/10, tại phố Hàng Mã rất đông người đi mua bán đồ chơi trung thu. Phần lớn trong số đó là giới trẻ.

Một chủ hàng cho hay, xu hướng đồ chơi trung thu năm nay của giới trẻ là các loại mặt nạ hóa trang, kiểu tiểu thư, công tước hoặc những chiếc bờm tai thỏ ngộ nghĩnh…

Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, không có cửa hàng nào tại phố Hàng Mã bán đèn trời. Khi hỏi mua lậu cũng không có chủ hàng nào cung cấp với lý do: Nhà nước cấm thả đèn trời nên không nhập về bán.

Kinh nghiệm của các chủ hàng cũng cho hay, buổi tối, lượng người mua bán ở Hàng Mã nhiều hơn ban ngày. Và, có rất ít khách nước ngoài đến mua đồ chơi tại đây.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục