Đồng bằng sông Cửu Long: Mặn xâm nhập sâu từ giữa tháng Tư, cần bảo vệ bờ bao

Theo Ủy ban sông Mekong Việt Nam, trong tháng 4/2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xảy ra 2 đợt mặn xâm nhập sâu nhất, do vậy cần có biện pháp tích trữ nước, tăng cường bảo vệ bờ bao.

Nông dân tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới tiêu để ứng phó hạn, mặn. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)
Nông dân tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới tiêu để ứng phó hạn, mặn. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Nhận định về xu thế xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 3/4, đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 8-14/4 và từ ngày 22-28/4, mặn sẽ xâm nhập sâu nhất. Do vậy, các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng mặn ở trong vùng cần tranh thủ trữ nước đồng thời có biện pháp tăng cường bảo vệ bờ bao tránh bị vỡ.

Tháng Tư xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn

Ủy ban sông Mekong Việt Nam vừa công bố diễn biến tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4/2024, trong đó nhấn mạnh tổng lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ hiện đang ở mức rất thấp.

Trong khi đó, Ủy hội sông Mekong quốc tế và Cục Khí tượng Thủy văn Thái Lan dự báo lượng mưa tại các tiểu lưu vực sông Mekong thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 30% trong tháng 4/2024. Các hồ chứa trên sông Lan Thương đang chứa ở mức khoảng 45% tổng dung tích hữu ích. Các hồ chứa ở hạ lưu vực sông Mekong cũng đang chứa ở mức khoảng 40% và có thể sẽ tiếp tục phát điện như hiện nay.

Với các điều kiện như trên và nhận định dòng chảy từ sông Lan Thương vẫn ở mức thấp, khả năng dòng chảy qua trạm Kratie trong tháng Tư biến động trong khoảng từ 6,8 - 8,8 tỷ m3 (trong khi lượng nước trữ ở Biển Hồ hiện tại là 1 tỷ m3) nên sẽ đóng góp không đáng kể ra dòng chính sông Mekong trong thời gian tới.

Kết hợp các thông tin trên với dự báo thủy triều, tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4/2024, Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu (trên địa bàn tỉnh An Giang) trong tháng Tư có xu thế biến động theo thủy triều trong khoảng từ 1 m đến 1,4 m.

“Lưu lượng trung bình ngày tới Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng Tư được nhận định sẽ biến động trong khoảng từ 2.900 m3/s đến 4.600 m3/s, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023 nhưng cao hơn so với năm 2020,” đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam lưu ý.

Cũng theo Ủy ban sông Mekong Việt Nam, tổng lượng dòng chảy trong tháng Tư qua hai trạm trên có thể sẽ ở mức từ 8,8 tỷ m3 đến 10,6 tỷ m3. Đây là mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 7 đến 19% và thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng từ 17 đến 27% nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng từ 15 đến 27%.

Trên cơ sở kết quả nhận định dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long và dự báo triều tháng Tư, Ủy ban sông Mekong Việt Nam dự báo đường ranh mặn 1g/l vào sâu nhất trên ba nhánh sông lớn (là Hậu, Tiền và Vàm Cỏ Tây) sẽ vào sâu hơn từ 9-15 km so với trung bình nhiều năm; và sâu hơn so với xâm nhập mặn cùng kỳ tháng 4/2023 từ 5-12 km, tuy nhiên vẫn thấp hơn năm 2020 từ 8-29 km.

Tương tự, đường ranh mặn 4g/l trên ba nhánh sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây sẽ vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 9-15 km và sâu hơn cùng kỳ 2023 từ 6-8 km, nhưng vẫn thấp hơn năm 2020 từ 7-24 km.

Đáng chú ý, theo Ủy ban sông Mekong Việt Nam, nền dòng chảy mùa khô năm 2024 sẽ tiếp tục ở mức thấp. Do vậy, khả năng mặn xâm nhập sâu nhất sẽ diễn ra trong khoảng tuần thứ 2 (từ ngày 8-14/4) và tuần cuối tháng Tư (từ ngày 22-28/4).

Các huyện thường xuyên bị nhiễm mặn bao gồm: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa và thành phố Tân An (tỉnh Long An); Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh).

xam-nhap-man-2269.jpg
Dự báo trong tháng 4/2024, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tiếp đó là Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long (tỉnh Bạc Liêu); Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành (tỉnh Kiên Giang); Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang).

Lưu ý trữ nước, kiểm tra nồng độ mặn

Với xu thế nguồn nước, xâm nhập mặn trên, Ủy ban sông Mekong Việt Nam khuyến cáo các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng mặn trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần theo sát các thông tin giám sát mặn và các bản tin dự báo xâm nhập mặn để vận hành công trình ngăn mặn phù hợp; tranh thủ lấy nước khi mặn xuống thấp.

Ngoài ra, trong điều kiện triều cường cao, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có biện pháp tăng cường bảo vệ bờ bao tránh bị vỡ.

Chuyên gia Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng nhấn mạnh độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Do vậy, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh đồng thời cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất.

Người dân nên trồng các loại cây thời vụ có thể chịu được mức độ mặn cao đồng thời có những biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước, người dân cần kiểm tra nồng độ mặn.

Bên cạnh việc lưu trữ và tiết kiệm, người dân cần phải lắp đặt các hệ thống lọc nước mặn để đảm bảo tốt nhất lượng nước sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu.

Đối với các hộ nuôi trường thủy sản, người dân cần thực hiện quan trắc theo dõi độ mặn môi trường nuôi, từ đó xác định khoảng thời gian bắt đầu nuôi và thời điểm kết thúc phù hợp với hiện trạng xâm nhập mặn.

Trước đó, ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; không để người dân thiếu nước sinh hoạt; bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Về phía các bộ, ngành, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động, kịp thời tổ chức theo dõi, dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân vùng ảnh hưởng; chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chỉ đạo theo dõi, dự báo sớm, đảm bảo độ tin cậy về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương và cơ quan có liên quan để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Thủ tướng cũng chỉ đạo bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan kịp thời tổng hợp, tìm nguồn, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục