Động đất ở Haiti: Lực lượng cảnh sát bị "xóa sổ"

Trận động đất mạnh nhất trong lịch sử 200 năm qua của Haiti dường như đã "xóa sổ" lực lượng cảnh sát ở quốc đảo nghèo đói này.
Sau hơn hai ngày nỗ lực tìm kiếm những người mất tích trong thảm họa động đất, nhà chức trách Haiti và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại nước này đã phát hiện một điều kỳ lạ: không có bóng dáng của một cảnh sát Haiti nào trên cả một vùng đổ nát.

Trận động đất mạnh nhất trong lịch sử 200 năm qua của Haiti chiều 12/1 vừa qua dường như đã "xóa sổ" lực lượng cảnh sát ở quốc đảo nghèo đói này.

Ngày 14/1,  David Wimhurst, người phát ngôn của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Haiti, cho biết có thể nhiều cảnh sát đã thiệt mạng trong trận động đất, nhiều người khác bận rộn với việc riêng nhưng cần thiết, đó là tìm kiếm chính người thân của mình trong những ngôi nhà đổ sập.

Không có lực lượng cảnh sát, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế phải kiêm luôn nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại quốc đảo này.

Hiện Liên hợp quốc có khoảng 3.000 cảnh sát và lực lượng gìn giữ hòa bình tại Port-au-Prince. Chiều 14/1, 3.500 lính Mỹ được điều động tới Haiti để hỗ trợ.

Tuy nhiên, tâm lý căng thẳng bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trong dân chúng Haiti. Hàng nghìn người Haiti đã phải phiêu bạt do mất nhà cửa. Không có nơi nương tựa, họ lang thang trên phố, ngủ trên những mảng bê tông vỡ.

Hàng tấn thuốc men, lương thực và lều bạt đã được trợ cấp và chuyển đến Haiti, nhưng sự trợ giúp đó chưa tới được tay họ.

Những người vô gia cư này bắt đầu tức giận và mất kiên nhẫn. Ông David cho biết nếu tình hình không sớm được cải thiện, sự tức giận có thể trở thành bạo lực, bất ổn xã hội có thể xảy ra.

Ngày 14/1, Liên hợp quốc thông báo số nhân viên của tổ chức này thiệt mạng trong trận động đất ở Haiti đã lên tới con số 36, gần 200 nhân viên khác mất tích.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết Trưởng phái bộ Liên hợp quốc tại Haiti, ông Hédi Annabi và cấp phó Luis Carlos da Costa nằm trong số gần 100 người vẫn bị chôn vùi trong tòa trụ sở 5 tầng đổ nát. Đây được coi là tổn thất lớn nhất của cơ quan đa phương này trong vài năm trở lại đây.

Liên quan tới con số thống kê thương vong, cùng ngày, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) dẫn nguồn tin chính phủ Haiti cho biết tới nay đã có khoảng 40.000-50.000 người thiệt mạng trong trận động đất ở Haiti, ít nhất 3 triệu người (chiếm 1/3 dân số Haiti) bị ảnh hưởng trực tiếp.

Tuy nhiên, ICRC thừa nhận số người thiệt mạng có thể còn tiếp tục tăng. Trước đó, các quan chức Haiti dự đoán số người chết trong trận động đất có thể lên tới hơn 100.000 người.

ICRC cũng lập website www.icrc.org/familylinks nhằm hỗ trợ những người sống sót tìm tung tích người thân sau thảm họa động đất.

Trong khi đó, công tác cứu trợ cho Haiti đang gặp khó khăn. Ngày 14/1, theo yêu cầu của Haiti, toàn bộ các chuyến bay dân sự từ Mỹ tới Haiti đều bị hoãn do sân bay  Port-au-Prince không đủ khả năng chứa thêm máy bay và không thể tiếp nhiên liệu do ảnh hưởng của trận động đất vừa qua.

Chỉ các máy bay quân sự chở máy phát điện, thiết bị lọc nước và thiết bị y tế mới được ưu tiên hạ cánh. Có thời điểm 11 máy bay viện trợ đã phải bay lượn trên không mà không thể đáp xuống sân bay  Port-au-Prince.

Cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác viện trợ cho Haiti vượt qua thảm họa.

Tổng thống Barack Obama đã cam kết dành khoản tiền viện trợ đầu tiên trị giá 100 triệu USD giúp Haiti khắc phục hậu quả trận động đất.

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ đã có mặt tại Haiti để cung cấp dịch vụ cơ bản nhất như nước và trợ giúp kỹ thuật cho hoạt động hậu cần.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ gửi 300 nhân viên y tế tới quốc đảo Trung Mỹ này và đặt 12.000 nhân viên trong tình trạng sẵn sàng có thể triển khai khi cần.

Tổng thống Mexico Felipe Calderón thông báo sẽ gửi khẩn cấp hơn 15 tấn lương thực và thực phẩm, 20 bác sỹ và chuyên gia cứu nạn trên ba máy bay trực thăng đến Haiti. Cuối tuần, tàu hải quân Mexico sẽ chuyên chở thêm 50 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men đến Haiti.

Trong khi đó, Nam Phi cũng cử đội cứu trợ đến Haiti để tham gia cứu hộ. Nicaragua và Honduras quyết định gửi lần lượt 30 và 20 bác sỹ và chuyên gia y tế đến Haiti.

Panama tuyên bố viện trợ khẩn cấp 10.000 túi lương thực và thuốc chữa bệnh cùng 20 chuyên gia cứu nạn đến giúp nhân dân Haiti.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cam kết hỗ trợ Haiti 100 triệu USD.

Điện Elysee thông báo Pháp, Mỹ cùng với Brazil, Canada và các quốc gia liên quan sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế bàn về vấn đề tái thiết Haiti. Quyết định trên được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp và Mỹ tối 14/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục