Dự báo thế giới 2022: Bầu cử và xu hướng dân chủ tại châu Phi

Năm 2022, các diễn biến ở 3 quốc gia chủ chốt Angola, Kenya và Senegal, sẽ gợi ý đích chung quan trọng mà Lục địa Đen đang hướng tới; cả 3 nước sẽ tổ chức bầu cử địa phương và quốc gia quan trọng.
Dự báo thế giới 2022: Bầu cử và xu hướng dân chủ tại châu Phi ảnh 1Quang cảnh bên trong một cửa hàng tại Trung tâm mua sắm Woodlands, thủ đô Mbabane, eSwatini bị tấn công, cướp bóc và phá hoại trong làn sóng biểu tình đang diễn ra. (Ảnh: Đình Lượng/TTXVN)

Trang brookings.edu và commonslibrary.parliament.uk mới đây đã đăng các bài phân tích dự báo về các cuộc bầu cử, quá trình chuyển tiếp và xu hướng dân chủ tại châu Phi trong năm 2022.

Nội dung như sau:

Trong 12 tháng qua, quỹ đạo dân chủ ở châu Phi đã có rất nhiều biến động, từ các cuộc biểu tình ở Eswatini (tên gọi cũ là Swaziland), miền Nam châu Phi, yêu cầu chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế ở nước này, quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình ở Zambia và cuộc đảo chính quân sự ở Sudan làm suy yếu quá trình chuyển đổi chính trị của nước này.

Năm 2022, các diễn biến ở 3 quốc gia chủ chốt - Angola, Kenya và Senegal - sẽ gợi ý đích chung quan trọng mà Lục địa Đen đang hướng tới. Cả 3 nước sẽ tổ chức các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia quan trọng.

Kết quả của các cuộc bầu cử này sẽ tác động đáng kể đến triển vọng đảo ngược sự xói mòn dân chủ, gia tăng uy tín của các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm đối lập giúp đảm bảo các nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình, cũng như hạn chế chiến thuật mà các lãnh đạo đương nhiệm có thể sử dụng để bám trụ quyền lực.

Bầu cử địa phương ở Senegal: Trận chiến Dakar

Ngày 23/1/2022, cử tri Senegal sẽ đi bỏ phiếu bầu thị trưởng của 550 địa phương trên cả nước. Các thị trưởng sắp mãn nhiệm, hầu hết đều thuộc liên minh Benno Bokk Yakaar (BBY) của Tổng thống Macky Sall, đã nhậm chức từ năm 2014 và về mặt pháp lý, lẽ ra chỉ có nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử địa phương ban đầu dự kiến vào tháng 6/2019 đã bị hoãn tới 4 lần.

Các cuộc bầu cử địa phương sắp tới có vai trò quan trọng bởi một số lý do. Đầu tiên, đó là cuộc trưng cầu ý dân về nhiệm kỳ của Tổng thống Sall, với nhiều điểm đáng quan tâm về dân chủ trong những năm gần đây.

Trên thực tế, Freedom House gần đây đã xác định Senegal đang đi giật lùi từ chế độ “hoàn toàn tự do” sang chế độ “tự do một phần.”

Dự báo thế giới 2022: Bầu cử và xu hướng dân chủ tại châu Phi ảnh 2Tổng thống Senegal Macky Sall. (Nguồn: energycapitalpower.com)

Bước thụt lùi này một phần là do những thay đổi luật bầu cử mà Chính phủ của Tổng thống Sall đã thực hiện vào năm 2018 để hạn chế tiêu chí trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019, cũng như quan ngại rằng ông Sall sẽ vi phạm Hiến pháp và tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 và việc Tổng thống liên tục can thiệp vào cơ quan tư pháp để truy tố của các nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu như cựu Bộ trưởng chính phủ Karim Wade, cựu Thị trưởng Dakar Khalifa Sall và nghị sỹ Ousmane Sonko.

Các cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn hồi tháng Ba và tháng 11/2021 chống lại vụ bắt giữ các lãnh đạo phe đối lập đã diễn ra cực kỳ bạo lực, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và gây ra những lo ngại về mức độ xung đột có thể xảy ra trong cuộc bầu cử tháng 1/2022. Khoảng 20 đảng đối lập hiện đã tập hợp dưới lá cờ liên minh Yewwi Askan Wi (“Giải phóng người dân” ở Wolof), do nghị sĩ đối lập Sonko lãnh đạo, để tranh giành quyền kiểm soát các địa phương.

Thứ hai, các cuộc bầu cử sắp tới sẽ xác định ai lãnh đạo Dakar, thủ đô Senegal, vốn là thành trì của phe đối lập kể từ năm 2009. Thành phố này là chiến địa khốc liệt bởi đó là địa bàn cư trú của 1/4 dân số Senegal, chiếm 55% GDP và tạo ra 80% cơ hội việc làm của cả nước.

Ứng cử viên thị trưởng Dakar của liên minh BBY cầm quyền là Bộ trưởng Y tế Abdoulaye Diouf Sarr, trong khi đối thủ cạnh tranh chính là Barthélémy Dias của liên minh Yewwi Askan Wi. Do sự thất vọng của giới trẻ Dakar trước tình trạng thất nghiệp và sự tham nhũng của chính quyền đương nhiệm, Barthélémy Dias có khả năng sẽ giành chiến thắng nếu cuộc bầu cử diễn ra công bằng.

Thứ ba, tính độc lập của Ủy ban bầu cử quốc gia (CENA), cơ quan giám sát tất cả các cuộc bầu cử địa phương, đã bị đặt dấu hỏi bởi tất cả các thành viên của CENA đều do tổng thống chỉ định.

Ngoài ra, yêu cầu các ứng cử viên thị trưởng phải đặt cọc 15.000.000 CFA (khoảng 25.000 USD) để trở thành đối thủ cạnh tranh đủ điều kiện đã làm dấy lên những tranh cãi về việc kiếm tiền từ chính trường Senegal.

Do đó, kết quả của cuộc bầu cử địa phương có thể sẽ tác động đáng kể đến cách thức người dân Senegal nhìn nhận sự công bằng trong các quy trình bầu cử của đất nước, bao gồm cả cuộc bầu cử cơ quan lập pháp dự kiến diễn ra vào cuối năm 2022.

Bầu cử tổng thống Angola: Phép thử của lãnh đạo cải cách

Trái ngược với Senegal, Angola từ lâu đã bị coi là một quốc gia độc đảng, chuyên quyền. Hôm 10/12/2021, Phong trào nhân dân giải phóng Angola (MPLA) cầm quyền tại Angola suốt 46 năm qua xác nhận đương kim Tổng thống João Lourenço sẽ tiếp tục là ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào tháng 8/2022.

Dự báo thế giới 2022: Bầu cử và xu hướng dân chủ tại châu Phi ảnh 3Tổng thống Angola Joao Lourenco. (Nguồn: Getty Images)

Ông Lourenço lên nắm quyền từ năm 2017 trong bối cảnh có nhiều kỳ vọng về tự do hóa chính trị lớn hơn sau nhiều thập kỷ bị kiểm soát dưới thời người tiền nhiệm José dos Santos.

Cũng giống liên minh BBY cầm quyền ở Senegal, năm 2022, MPLA sẽ cạnh tranh với một liên minh đối lập mới được thành lập có tên gọi Mặt trận Yêu nước thống nhất (FPU), do Costa Junior thuộc Liên minh Quốc gia vì độc lập hoàn toàn cho Angola (UNITA), lãnh đạo.

Mặc dù ban đầu Tổng thống Lourenço cho phép cởi mở hơn về chính trị, bao gồm quyền tự do truyền thông nhiều hơn, Chính phủ Angola đã vấp phải sự chỉ trích của công chúng trên nhiều phương diện.

Trước hết là những bất bình về kinh tế: lạm phát giá lương thực 30%, tỷ lệ nợ công trên GDP là 135% khiến nguồn ngân sách dành các chương trình xã hội được chuyển sang để trả nợ.

Ngoài ra, Tổng thống Lourenço hồi tháng 9/2021 đã đưa ra một dự luật bầu cử gây tranh cãi, theo đó yêu cầu việc kiểm phiếu được thực hiện tập trung thay vì ở mỗi tỉnh và thành phố vốn được kỳ vọng sẽ cho phép xã hội dân sự giám sát nhiều hơn.

Quốc hội Angola do MPLA chiếm đa số đã ủng hộ dự luật, đồng thời bác bỏ yêu cầu của phe đối lập về nhận dạng sinh trắc học của cử tri để giảm thiểu khả năng gian lận.

Tổng thống Lourenço cũng đã hoãn các cuộc bầu cử địa phương ít nhất 3 lần, khiến UNITA cho rằng việc trì hoãn là do MPLA lo ngại mất quyền kiểm soát các thành phố lớn vào tay phe đối lập. Trong khi chưa tổ chức bầu cử địa phương, Tổng thống tiếp tục bổ nhiệm tất cả các thị trưởng.

Những quyết định trên đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn, nhiều cuộc biểu tình bị lực lượng an ninh đàn áp bằng cách bắn đạn thật vào đám đông.

Những diễn biến này làm nảy sinh những nghi ngờ về khả năng thắng lợi của Lourenço trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng. UNITA cáo buộc chính phủ đóng băng tài khoản ngân hàng cũng như “hack” điện thoại và ứng dụng nhắn tin của đảng đối lập.

Các cơ quan truyền thông nhà nước đã chuyển sang đưa tin về đảng phái, trong khi một số cơ quan truyền thông tư nhân bị đóng cửa, ngăn cản phe đối lập truyền tải thông điệp tới cử tri.

Tổng tuyển cử Kenya: Cuộc chiến của các vị thần

Đầu tháng này, lãnh đạo phe đối lập ở Kenya Raila Odinga đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống lần thứ 5. Tuy nhiên, màn kịch giữa các giới tinh hoa chính trị trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử ngày 9/8/2022 ở nước này đã diễn ra từ vài năm qua.

Dự báo thế giới 2022: Bầu cử và xu hướng dân chủ tại châu Phi ảnh 4Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta tại phiên thảo luận. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)

Năm 2018, Tổng thống Uhuru Kenyatta, lãnh đạo đảng Jubilee, đã hòa giải với lãnh đạo đối lập Odinga thông qua cái bắt tay mang tính biểu tượng sau cuộc tranh cử gay gắt năm 2017.

Sau đó, hai chính trị gia đã khởi động Sáng kiến Cầu nối xây dựng (BBI), đưa ra một loạt các cải cách thể chế, bao gồm sửa đổi Hiến pháp nhằm cho phép chia sẻ quyền lực giữa tổng thống và thủ tướng, bãi bỏ sự phê chuẩn của Quốc hội đối với các ứng cử viên tổng thống và chỉ định cơ quan quản lý giám sát cơ quan tư pháp.

Kenyatta và Odinga tuyên bố các cải cách sẽ giảm đáng kể chia rẽ sắc tộc, thúc đẩy đoàn kết giữa các bên và tăng cường chung sống hòa bình. Tuy nhiên, Phó Tổng thống William Ruto lập luận rằng nếu các cải cách BBI được thực hiện, điều đó sẽ khiến hệ thống chính trị của đất nước trở nên kém dân chủ hơn và làm trầm trọng thêm chia rẽ sắc tộc ở Kenya.

Cuối cùng, Tòa án Tối cao Kenya đã tuyên bố BBI là vi hiến và sự phản đối của Ruto khiến quan hệ giữa ông và Tổng thống Kenyatta ngày càng căng thẳng, càng thúc đẩy Tổng thống ủng hộ Odinga làm người kế nhiệm.

Ruto và Odinga - từng là đồng minh trong cuộc bầu cử năm 2007 - hiện đang vận động riêng rẽ cho các chiến dịch tranh cử. Odinga đã gia nhập Phong trào Dân chủ da cam (ODM) thuộc Liên minh Một Kenya (OKA) bao gồm nhiều nhà lãnh đạo chính trị khác.

Ở một đất nước mà mạng lưới bảo trợ phức tạp đóng vai trò là yếu tố quan trọng quyết định kết quả bầu cử, Odinga đã ve vãn các nhà tài phiệt, vốn được gọi là “các vị thần núi Kenya” - những nhà kinh doanh tài chính có ảnh hưởng đáng kể trong số cử tri bộ tộc Kikuyu ở miền Trung Kenya.

Ứng cử viên Odinga (thuộc bộ tộc Luo) cần sự hỗ trợ từ người Kikuyu để đánh bại Phó Tổng thống Ruto. Đầu năm 2021, ông Ruto đã rời bỏ đảng Jubilee cầm quyền và thành lập đảng Liên minh Dân chủ thống nhất (UDA).

Dấu hiệu quan ngại ban đầu là sự thờ ơ của cử tri - rất ít công dân đủ điều kiện đi bầu tham gia đăng ký cử tri với Ủy ban Bầu cử và biên giới độc lập (IEBC).

Một số người tuyên bố không muốn đăng ký cử tri do IEBC bị cáo buộc không hoàn thành vai trò giám sát trong cuộc bầu cử 2017 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch IEBC Wafula Chebukati - người tiếp tục giữ vị trí này trong cuộc bầu cử năm 2022.

Với lịch sử gần đây của Kenya về các cuộc bầu cử bạo lực và quyết liệt, đây có thể sẽ là một trong những cuộc bầu cử thu hút sự chú ý nhiều nhất trong năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục