Dư luận Trung Quốc về mức tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2021

Giới phân tích cho rằng sự tăng trưởng ổn định của ngân sách quân sự là do Trung Quốc quản lý và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi kinh tế nhanh chóng và tiếp tục thúc đẩy hiện đại hóa quân đội.
Dư luận Trung Quốc về mức tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2021 ảnh 1Máy bay không người lái của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. (Ảnh: THX)

Theo Thời báo Hoàn Cầu số ra ngày 5/3, Kỳ họp thứ 4 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại, tức Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII khai mạc vào sáng cùng ngày đã trình dự thảo ngân sách hội nghị xem xét thông qua, theo đó dự thảo chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc năm nay là 1.355,343 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 209 tỷ USD), tăng 6,8% so với năm 2020.

Giới phân tích cho rằng sự tăng trưởng bền vững và ổn định của ngân sách quân sự là do Trung Quốc quản lý và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi kinh tế nhanh chóng và tiếp tục thúc đẩy hiện đại hóa quân đội.

Trả lời họp báo ngày 4/3, người phát ngôn của kỳ họp Quốc hội, ông Trương Nghiệp Toại (Zhang Ye Sui) cho biết chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc nói chung là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của đất nước.

Duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng vừa phải và ổn định là cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm lợi ích phát triển, thực hiện trách nhiệm quốc tế và đáp ứng nhu cầu cải cách quân sự đặc sắc Trung Quốc.

Ông Trương Nghiệp Toại khẳng định chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là công khai và minh bạch. Ngân sách chi tiêu quốc phòng hàng năm được đưa vào dự thảo ngân sách quốc gia và được Quốc hội xem xét và thông qua.

Ông Trương Nghiệp Toại còn cho biết: "Chìa khóa để đo lường liệu một quốc gia có gây ra mối đe dọa quân sự đối với các quốc gia khác hay không phụ thuộc vào loại chính sách quốc phòng mà quốc gia đó theo đuổi. Trung Quốc tuân theo con đường phát triển hòa bình, theo đuổi chính sách phòng thủ quốc gia và củng cố quốc phòng mà không nhắm mục tiêu hoặc đe dọa bất kỳ quốc gia nào”.

So sánh với số liệu của những năm trước, có thể thấy rằng kể từ năm 2016, tốc độ tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã giảm xuống một con số trong 6 năm liên tiếp, và tốc độ tăng trưởng duy trì trong khoảng 6,6%-8,1%. Từ năm 2016-2020, tốc độ tăng ngân sách chi quốc phòng lần lượt là 7,6%, 7%, 8,1%, 7,5% và 6,6%. Năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc mới chậm lại.

[So sánh quyền lực mềm Mỹ-Trung: "Rà phá bom mìn" và "Bẫy nợ"]

 Năm 2020, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường (Ren Guo Qiang) đã giới thiệu rằng, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chủ yếu được sử dụng vào 4 khía cạnh.

Thứ nhất, để thích ứng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, liên tục cải thiện điều kiện làm việc, huấn luyện và sinh hoạt của quân đội, và để tăng cường và cải thiện phúc lợi và phúc lợi của cán bộ và chiến sỹ.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa vũ khí, trang bị, xây dựng các công trình lớn, công trình trọng điểm đã được xác định rõ trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 13, loại bỏ, cập nhật một số trang bị lạc hậu, nâng cấp cải tạo một số trang bị cũ.

Thứ ba, thực hiện sâu rộng các quyết định và triển khai cải cách quân đội và quốc phòng, đồng thời đảm bảo nhu cầu kinh phí cho cải cách hệ thống chính sách quân sự.

Thứ tư, bảo đảm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của bộ đội và thực hiện các nhiệm vụ quân sự đa dạng như gìn giữ hòa bình quốc tế, hộ tống, cứu hộ nhân đạo, cứu trợ thiên tai.

Một chuyên gia quân sự giấu tên tiết lộ với Thời báo Hoàn Cầu rằng sự tăng trưởng địa chiến lược bền vững và nguồn kinh phí quốc phòng duy trì tốc độ tăng trưởng là do Trung Quốc quản lý và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi kinh tế nhanh chóng và tiếp tục thúc đẩy hiện đại hóa quân đội.

Đồng thời, hiện đại hóa quân đội cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế, ví dụ như việc thay thế vũ khí trang bị là cần thiết, “việc nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí chiến đấu chủ lực quy mô lớn, đặc biệt là hàng không mẫu hạm và máy bay quân sự mới, đều cần phải có kinh phí".

Chuyên gia này cho rằng, bên cạnh đó, cũng cần cải thiện điều kiện sống của cán bộ, chiến sỹ. Đồng thời, tình hình quốc tế và môi trường xung quanh Trung Quốc cũng rất phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố mâu thuẫn, Trung Quốc cần có quân đội mạnh hơn để bảo vệ quê hương, đất nước, tạo môi trường an toàn, thuận lợi hơn để phát triển kinh tế.

Ngân sách quốc phòng không chỉ đơn giản là đầu tư, mà sẽ tạo ra một nền hòa bình. Một quân đội mạnh có thể bảo vệ hiệu quả các thành quả phát triển kinh tế-xã hội, vì vậy đầu tư vào quỹ quốc phòng là để hỗ trợ phát triển kinh tế.

Liệu có sự điều chỉnh nào trong ngân sách quốc phòng của Trung Quốc để đối phó với tác động của dịch bệnh? Một chuyên gia giấu tên tiết lộ với Thời báo Hoàn Cầu cho biết, khoản ngân sách quốc phòng này này không thể thiếu do: Một mặt, luôn phải bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, huấn luyện, xây dựng quốc phòng và các nhiệm vụ thường xuyên cần thiết sẽ không bị đình chỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh; mặt khác, cần phải đối phó với các vấn đề tiềm ẩn, chi phí cho các mối đe dọa và xung đột sẽ không thể giảm bớt, chẳng hạn như xung đột biên giới Trung-Ấn nổ ra năm 2020.

Bên cạnh đó, tác động của dịch đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân và ngân sách chính phủ chắc chắn sẽ được phản ánh trong lĩnh vực quân sự. Ảnh hưởng trực tiếp của dịch đối với công tác quân sự, chẳng hạn như huấn luyện quân sự, sẵn sàng chiến đấu và chi tiêu cho công tác phòng chống dịch, đồng thời, do việc cắt giảm các cuộc họp trực tiếp và gia tăng các cuộc họp trực tuyến, ngân sách liên quan sẽ được điều chỉnh.

Ngoài ra, nếu chu kỳ sản xuất, xây dựng của một số sở công nghiệp quốc phòng bị ảnh hưởng do dịch bệnh thì kinh phí mua sắm quốc phòng tương ứng cũng bị ảnh hưởng.

Theo một bài báo do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố ngày 25/2, bất chấp dịch bệnh bùng phát và kinh tế toàn cầu suy giảm  4,4%, tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2020 vẫn đạt 1,83 nghìn tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bài báo cũng nói rằng, đại dịch COVID-19 sẽ có tác động đến chi tiêu quốc phòng, nhưng có thể đến năm 2022-2023 việc cắt giảm ngân sách quốc phòng do đại dịch gây ra mới trở nên rõ ràng.

Trên thực tế, ở phương Tây, ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh dường như đã khiến chính phủ các nước như Pháp và Đức tăng tốc chi tiêu để hỗ trợ sản xuất của các nhà sản xuất quốc phòng của họ. Kể từ tháng 11/2020, hầu hết các quốc gia đã công bố ngân sách năm 2021 đều duy trì ngân sách quốc phòng mà không cắt giảm.

Các chuyên gia quân sự phân tích với Thời báo Hoàn Cầu rằng, so sánh ngân sách quân sự của Trung Quốc và Mỹ, thứ nhất về vấn đề quy mô, ngân sách quân sự của Mỹ vẫn lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ có các mục tiêu khác nhau về tăng trưởng ngân sách quân sự. Ngân sách quân sự của Mỹ là tìm kiếm bá chủ toàn cầu, triển khai lực lượng quân sự trên quy mô toàn cầu, tăng cường khả năng tấn công và tác chiến toàn cầu, đòi hỏi chi phí quân sự khổng lồ. Trong khi đó, mục đích cơ bản của các khoản chi quân sự của Trung Quốc là tạo ra không gian phát triển hòa bình hơn cho sự phát triển của Trung Quốc.

Thứ hai, khi quân đội Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, quân đội Trung Quốc cũng đóng góp vào hòa bình thế giới, bao gồm việc gửi quân đội gìn giữ hòa bình và hộ tống chống cướp biển đến Vịnh Aden và các vùng biển liên quan ở Ấn Độ Dương.

Trong thời kỳ dịch bệnh này, Quân đội Trung Quốc cũng đã đóng góp tích cực, kể cả thông qua các kênh quân sự để cung cấp vaccine phòng bệnh COVID-19 cho quân đội các nước khác. Vì vậy, sức mạnh của quân đội Trung Quốc không phải để thống trị hoặc đe dọa hòa bình khu vực, mà là để thúc đẩy hòa bình thế giới và ổn định khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục