Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 5/12, Cơ quan môi trường liên bang Đức đã kêu gọi chính phủ đưa ra một loạt các biện pháp nhằm hạn chế khí thải CO2 từ hoạt động giao thông đường bộ, trong đó có việc hạn chế tốc độ trên đường cao tốc.
Tờ Süddeutsche Zeitung trích dẫn một tài liệu nội bộ từ cơ quan trên, trong đó kêu gọi hành động quyết liệt để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của quốc gia này.
Một loạt các biện pháp đã được đưa ra để giảm khí thải CO2 từ phương tiện cá nhân, ví dụ như đề xuất giới hạn tốc độ tối đa 120km/h đối với tất cả các phương tiện giao thông trên đường cao tốc Đức.
[Tòa án Công lý châu Âu ra phán quyết về phí đường cao tốc của Đức]
Một biện pháp khác là tăng giá mạnh đối với dầu diesel (hiện bị đánh thuế ở mức thấp hơn xăng thông thường) thêm khoảng 60% theo lộ trình từ nay đến năm 2030, đồng thời tăng giá xăng thông thường. Ngoài ra, các đề xuất cũng bao gồm việc tăng phí đường bộ đối với xe tải chở hàng nặng, bãi bỏ "trợ cấp đi lại" của nhà nước.
Đức có thể phải đối mặt với các hình phạt của Liên minh châu Âu (EU) nếu quốc gia này không nỗ lực giảm khí thải nhà kính. Giới quan sát coi lĩnh vực giao thông là chìa khóa để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải.
Mục tiêu của Đức vào năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí thải CO2 xuống 55% so với mức của năm 1990. Tài liệu của cơ quan môi trường cho thấy, mục tiêu này dù khó khăn nhưng hoàn toàn có thể đạt được.
Theo truyền thông Đức, đề xuất trên có thể gây ra nhiều cuộc tranh cãi lớn bởi hiện nay, Đức không có giới hạn chính thức trên một số đoạn đường cao tốc nhất định và người lái xe thường xuyên chạy với tốc độ hơn 200 km/h.
Hồi tháng 10 vừa qua, chính phủ Đức cho biết họ không có kế hoạch hạn chế tốc độ trên đường cao tốc, sau khi giới lập pháp đã bỏ phiếu chống lại đề xuất của đảng Xanh nhằm áp đặt giới hạn tốc độ./.