EU nhất trí tăng cường an ninh quốc phòng và chống khủng bố

Ngày 22/6, tại hội nghị thượng đỉnh Brussels, các nhà lãnh đạo EU cam kết tăng cường hợp tác nội khối về an ninh và quốc phòng để bảo vệ công dân cũng như đóng góp vào hòa bình.
EU nhất trí tăng cường an ninh quốc phòng và chống khủng bố ảnh 1Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại cuộc họp báo chung ở Brussels ngày 22/6. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ngày 22/6, tại hội nghị thượng đỉnh Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cam kết tăng cường hợp tác nội khối về an ninh và quốc phòng để bảo vệ công dân cũng như đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo EU cũng lên án mạnh mẽ những vụ tấn công khủng bố do các phần tử cực đoan tiến hành thời gian gần đây và kêu gọi trách nhiệm của các công ty truyền thông mạng xã hội trong cuộc chiến chống khủng bố.

[Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu khai mạc tại Brussels]

​Dẫn phát biểu tại cuộc họp báo của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết EU xác định bảo vệ công dân châu Âu là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất.

Với mục đích này, EC nhất trí tăng cường nỗ lực chống những chiến binh khủng bố nước ngoài và phần tử cực đoan trong lòng châu Âu.

Theo đó, EU cần sớm hoàn thành các công việc liên quan đến hệ thống quản lý mới về trao đổi thông tin xuyên quốc gia ngay trong năm nay.

Bên cạnh đó, ông Tusk thông báo EC cũng đã thống nhất về việc cần hợp tác chặt chẽ với ngành công nghệ mạng Internet, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp truyền thông xã hội áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự tuyên truyền khủng bố trên mạng.

Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc phải phát triển các công cụ mới để có thể tự động phát hiện và loại bỏ các tài liệu tuyên truyền cho tư tưởng cực đoan.

Ngoài ra, các lãnh đạo EU cũng nhất trí kêu gọị áp dụng các biện pháp cho phép cơ quan chức năng tiếp cận một cách có hiệu quả những bằng chứng điện tử phục vụ cho hoạt động chống khủng bố và hành vi phạm tội, từng được các nước Đức, Pháp và Anh đề xuất.

Trước đó, chính quyền Paris và Berlin đã nhiều lần kêu gọi thiết lập một khung pháp lý chung của châu Âu áp dụng cho các mạng truyền thông mã hóa, trong đó bao gồm cả các tin nhắn từ các mạng không thuộc châu Âu.

Tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá việc mở ra khả năng pháp lý cho sự ra đời kế hoạch chung châu Âu về an ninh truyền thông là một biện pháp tiến bộ và khẳng định ông hoàn toàn đồng tình với điều này.

Thủ tướng Anh Theresa May cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của London với ý tưởng này và kêu gọi các nước gây áp lực lên những công ty truyền thông mạng để buộc họ phải hành động.

Về quan hệ hợp tác quốc phòng chung châu Âu, các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác thường trực của châu Âu trong công tác quốc phòng. Đây có thể được coi là "một bước đi mang tính lịch sử," bởi một sự hợp tác như vậy sẽ cho phép các nước thành viên EU tiến tới hội nhập sâu rộng hơn trong lĩnh vực quốc phòng.

Mục tiêu lần này của EU được đánh giá là đầy tham vọng và mang tính tổng thể, do đó tất cả các quốc gia thành viên đều được mời tham gia.

Trong vòng 3 tháng, các quốc gia sẽ thống nhất một danh mục chung về các tiêu chí và cam kết, cùng với đó là các dự án cụ thể nhằm tận dụng sự hợp tác ngay tại chỗ.

Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi nhanh chóng thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu, một cơ chế mới được Ủy ban châu Âu đề xuất gần đây, để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, ủng hộ cho nền công nghiệp quốc phòng châu Âu, nhất là với các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ.

Đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, Hội đồng châu Âu tái khẳng định cam kết của EU và các nước thành viên về thực thi một cách nhanh chóng và đầy đủ Hiệp định Paris, đóng góp vào việc hiện thực hóa các mục tiêu tài chính về khí hậu và tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

EU khẳng định Hiệp định Paris là nền tảng cho những nỗ lực mang tính toàn cầu giúp khống chế một cách hiệu quả quá trình biến đổi khí hậu, đồng thời cho rằng Hiệp định không thể được đàm phán lại.

EU coi Hiệp định là yếu tố quan trọng để hiện đại hoá ngành công nghiệp và nền kinh tế châu Âu, cũng là chìa khóa giúp thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục