Ford triệu hồi 950.000 xe sử dụng hệ thống bơm túi khí Takata

Những chiếc ôtô bị triệu hồi gồm các dòng xe Ford Edge và Lincoln MKX sản xuất năm 2010, Ford Ranger đời 2010 và 2011, Ford Fusion và Lincoln MKZ đời từ 2010 đến 2012...
Ford triệu hồi 950.000 xe sử dụng hệ thống bơm túi khí Takata ảnh 1(Nguồn: consumerreports.org)

Hãng sản xuất ôtô Ford của Mỹ ngày 4/1 thông báo sẽ triệu hồi trên toàn cầu hơn 953.000 chiếc xe để thay thế hệ thống bơm túi khí Takata được lắp đặt trên những chiếc xe này do nguy cơ túi khí có thể phát nổ.

Trong danh sách xe bị triệu hồi có 782.384 chiếc tại thị trường Mỹ, đây là một phần trong đợt triệu hồi xe hơi lớn nhất trên lãnh thổ nước này. Ngoài ra, Ford cũng triệu hồi 149.652 chiếc xe khác đã được bán tại Canada.

Những chiếc ôtô bị triệu hồi gồm các dòng xe Ford Edge và Lincoln MKX sản xuất năm 2010, Ford Ranger đời 2010 và 2011, Ford Fusion và Lincoln MKZ đời từ 2010 đến 2012, Mercury Milan đời 2010 và 2011, Ford Mustang đời từ 2010 đến 2014.

[Ford triệu hồi gần 32.000 chiếc ôtô bị lỗi túi khí ở Bắc Mỹ]

Theo thông báo của Ford, hãng hiện chưa được thông tin về bất kỳ trường hợp nào bị thương do liên quan đến sự cố túi khí phía trước ghế hành khách. Ford sẽ thông báo cho các chủ xe về thời gian bắt đầu triệu hồi vào ngày 18/2 tới. Các đại lý của Ford sẽ thay thế miễn phí hệ thống bơm túi khí phía trước ghế hành khách cho khách hàng.

Hãng sản xuất phụ tùng ôtô Takata của Nhật Bản sử dụng hợp chất amoni nitrat để làm bung túi khí khi xe gặp sự cố. Tuy nhiên, trong môi trường nóng và ẩm trong thời gian dài, hợp chất này có thể biến chất và phát nổ với lực quá mạnh, khiến một hộp kim loại được thiết kế giảm nguy cơ nổ nổ thành từng mảnh và gây thương tích cho hành khách.

Theo thống kê, ít nhất 23 người đã thiệt mạng trên toàn cầu và hàng trăm người bị thương do lỗi hệ thống bơm túi khí của Takara. Sau loạt vụ bê bối này, hồi tháng 6/2017, Takata đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ và Nhật Bản, đánh dấu sự sụp đổ của doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất của Xứ sở Mặt Trời mọc kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây cũng là một trong những vụ phá sản lớn nhất Nhật Bản.

Ngoài ra, hãng này còn phải đối mặt các khoản tiền phạt lớn sau một thập niên là tâm điểm của nhiều đợt triệu hồi ôtô và đơn kiện của người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục