G7 không đồng thuận về lệnh cấm vận nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Nga

G7 khẳng định sự cần thiết của việc “xem xét biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn giá khí đốt gia tăng," nhưng đã không đạt được đồng thuận về bất kỳ lệnh cấm vận nào với các nguồn cung dầu mỏ của Nga.
G7 không đồng thuận về lệnh cấm vận nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Nga ảnh 1Bảng giá xăng dầu tại một trạm bán xăng ở Arlington, bang Virginia, Mỹ ngày 8/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 10/3, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) đã thúc giục những nước sản xuất dầu khí chủ chốt tăng lượng giao hàng để giảm thiểu các tác động đối với thị trường năng lượng liên quan tới các lệnh trừng phạt của nhiều nước nhằm vào Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng năng lượng G7 nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các nước sản xuất dầu hành động có trách nhiệm và xem xét tăng giao hàng cho các thị trường quốc tế, nhất là với những nước chưa khai thác hết sản lượng.”

[Các nước G7 nhất trí đa dạng hóa nguồn cung năng lượng]

G7 đánh giá cao vai trò của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và khẳng định sự cần thiết của việc “xem xét những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn giá khí đốt gia tăng."

Tuy nhiên, G7 đã không đạt được đồng thuận về bất kỳ lệnh cấm vận nào đối với các nguồn cung dầu mỏ của Nga.

Họ lưu ý rằng một số quốc gia đã công bố biện pháp này, trong khi các nước khác đang nỗ lực để củng cố khả năng tự chủ nguồn năng lượng.

Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến trước đó cùng ngày, trong đó các bộ trưởng G7 nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Các bộ trưởng cũng chung quan điểm rằng cần phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó có năng lượng điện hạt nhân.

Bộ trưởng Năng lượng các nước G7 cũng bày tỏ quan ngại về gánh nặng tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp khi giá cả đột biến, "đặc biệt là ở các nước châu Âu" và thừa nhận rằng tình hình có thể tồi tệ hơn tại các nước đang phát triển.

Các bộ trưởng cam kết nỗ lực phối hợp để đảm bảo đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nguồn cung cấp, tuyến đường và phương tiện vận tải."

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu thô lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua và gây lo ngại về nguồn cung trên toàn thế giới.

Đầu tuần này, hai nước thành viên G7 là Mỹ và Anh đã tuyên bố ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga.

Quyết định này là một trong những nguyên nhân gây ra một đợt tăng giá nhiên liệu trên thị trường thế giới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục