"Gần 60% số người lao động cần được đào tạo lại"

59% số người lao động cần phải đào tạo lại là nhận định của doanh nghiệp trong cuộc khảo sát do CIEM phối hợp với WB tiến hành.
59% số người lao động cần phải đào tạo lại là nhận định của doanh nghiệp trong cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo với chủ đề “Thất nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực,” diễn ra ngày 23/8 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Minh thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết theo kết quả điều tra của CIEM phối hợp với WB về vấn đề thiếu hụt kỹ năng ở người lao động, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng hệ thống đào tạo nghề và kỹ thuật nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng mà doanh nghiệp cần.

Nhóm kỹ năng mềm mà người lao động thường không đáp ứng được bao gồm ngoại ngữ, khả năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề. Kỹ năng mềm của nhân viên trẻ rất yếu, không đáp ứng được công việc dù có bằng cấp tốt. Người lao động chưa ý thức được quyền và nghĩa vụ, thiếu ý thức, tác phong, tính kỷ luật lao động. Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều áp dụng chế độ thử việc.

Đề xuất một số vấn đề cơ bản của thị trường lao động Việt Nam, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng các hệ thống giáo dục cần đổi mới công tác dạy nghề theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Các nhà trường và doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác để phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, các nhà trường cần chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên để khi ra trường đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý tới công tác tuyên truyền trong việc định hướng nghề nghiệp cho thanh niên khi đến tuổi lao động.

Ông Christian Bodewg - Điều phối viên lĩnh vực Phát triển Con người của WB tại Việt Nam cho biết phát triển kỹ năng cho người lao động là một ưu tiên chiến lược của Việt Nam, do đó quá trình cải cách cơ cấu và chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế công nghiệp hóa, hướng đến hiệu quả vào năm 2020 đòi hỏi một lực lượng lao động có kỹ năng tốt. Công nghiệp hóa đồng nghĩa với việc chuyển đổi các loại hình công việc, vì vậy, tính chất công việc của tất cả các ngành sẽ thay đổi khi Việt Nam tiếp cận gần hơn nữa với công nghệ.

Hiện nay, ngày càng nhiều công việc đòi hỏi lao động phải có kỹ năng giải quyết vấn đề và cũng ngày càng nhiều lao động trẻ có trình độ chuyên môn và kỹ thuật tốt.

Ông Christian Bodewg cho rằng nhà tuyển dụng cần ở người lao động những kỹ năng cả về nhận thức, hành vi và kỹ thuật như hợp tác, thuyết trình, giám sát, giải quyết vấn đề nhanh chóng và linh hoạt, kỹ năng xã hội, tính quyết đoán, đặc biệt là tay nghề kỹ thuật, kiến thức sử dụng nguyên vật liệu, công cụ lao động.../.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục