Trước thềm lễ khai mạc chính thức Đại hội thể thao châu Á lần thứ 17 (ASIAD 17) chiều 19/9 tại thành phố Incheon (Hàn Quốc), Thị trưởng Yoo Jeong-Bok cho biết thành phố này đang gặp khó khăn về tài chính khi chi phí đầu tư rất lớn nhưng sự kiện này không thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Yoo ngày 18/9 thừa nhận: "Gánh nặng tài chính của thành phố đã tăng lên do ASIAD."
Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng rằng sự kiện thể thao này sẽ nâng giá trị thương hiệu cho thành phố, từ đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Yoo, công tác chuẩn bị cho ASIAD 17 đã tiêu tốn gần 2 tỷ USD, trong khi Incheon là thành phố nợ công nhiều nhất ở Hàn Quốc nhiều năm nay.
Incheon đã xây dựng một tuyến xe điện ngầm, 17 nhà thi đấu mới và nhiều tòa nhà mới phục vụ sự kiện thể thao này.
Mặc dù chi tiêu tốn kém như vậy, nhưng người dân Incheon dự đoán ít khả năng đạt mục tiêu 200.000 khán giả mà ban tổ chức đặt ra.
Trên thực tế, các quan chức Incheon cho biết đến nay số lượng vé bán ra chỉ đạt gần 18%. Một bằng chứng là chỉ có gần 100 khán giả tới cổ vũ cho trận bóng đá giữa Jordan với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) diễn ra ngày 18/9 ở sân vận động Goyang có sức chứa 62.000 người.
Thế vận hội Olympics Seoul 1988 đã từng thu hút đông đảo khán giả và cổ động viên tới sân vận động, nhưng ngày nay giới trẻ ở Hàn Quốc quan tâm đến các hoạt động mang tính cá nhân hơn, như Internet, thay vì thể thao.
Thời đại công nghệ số cũng là một lý do. Khán giả có thể xem trực tiếp các trận thi đấu qua điện thoại thay vì phải mua vé vào sân vận động.
Năm 2010, thành phố Quảng Châu của Trung Quốc đã phải gánh món nợ 32 tỷ USD sau khi đăng cai ASIAD 16./.