Giá dầu thế giới phiên 24/2 tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng

Sản lượng dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm khoảng hơn 10%, tương đương 1 triệu thùng/ngày, do thời tiết khắc nghiệt là yếu tố thúc đẩy giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất 13 tháng qua.
Nhà máy lọc dầu Aramco ở gần al-Khurj, phía nam thủ đô Riyadh, Arab Saudi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà máy lọc dầu Aramco ở gần al-Khurj, phía nam thủ đô Riyadh, Arab Saudi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới leo lên mức cao nhất của 13 tháng trong phiên ngày 24/2 sau số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy sản lượng dầu thô tại nước này giảm do thời tiết khắc nghiệt làm gián đoạn sản xuất hồi tuần trước.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,67 USD (2,6%) lên 67,04 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent Biển Bắc đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 là 67,30 USD/thùng trong phiên này.

Còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI)tăng 1,55 USD (2,5%) lên mức 63,22 USD/thùng, sau khi đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2020 là 63,37 USD/thùng trong phiên này.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của nước này trong tuần trước đã giảm khoảng hơn 10%, tương đương 1 triệu thùng/ngày, trong trận bão tuyết hiếm hoi xảy ra ở Texas, bằng với mức giảm hàng tuần lớn nhất từ trước đến nay.

Lượng dầu thô đầu vào cho các nhà máy lọc dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008 do thời tiết lạnh giá làm ảnh hưởng đến nguồn điện của hàng triệu gia đình và các cơ sở sản xuất.

[Giá dầu châu Á giảm phiên 24/2 do dự trữ dầu thô Mỹ bất ngờ tăng]

Giá dầu vẫn tăng ổn định lên mức cao chưa từng thấy kể từ trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xảy ra trong bối cảnh việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 tăng và nhờ các dự báo về nhu cầu mới.

Giá dầu đã tăng khoảng 30% kể từ đầu năm 2021 đến nay cũng một phần nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng liên tục của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+.

Các nhà sản xuất dầu thuộc OPEC+ sẽ thảo luận về việc nới lỏng dần các hạn chế nguồn cung dầu từ tháng 4/2021 nhờ giá mặt hàng này phục hồi, mặc dù một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên thỏa thuận cắt giảm hiện nay vì những nguy cơ mới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục