Giun dài 8cm ký sinh trong não khiến bệnh nhân "đãng trí và trầm cảm"

Các bác sỹ tại Australia đã gặp phải một ca bệnh hy hữu, khi tiếp nhận trường hợp một người phụ nữ mắc hàng loạt các triệu chứng lạ trong một thời gian dài.
Giun dài 8cm ký sinh trong não khiến bệnh nhân "đãng trí và trầm cảm" ảnh 1Con giun trong não bệnh nhân. (Nguồn: ScienceNews)

Các bác sỹ tại Australia đã gặp phải một ca bệnh hy hữu, khi tiếp nhận trường hợp một người phụ nữ mắc hàng loạt các triệu chứng lạ trong một thời gian dài.

Người phụ nữ 64 tuổi đến từ New South Wales lần đầu nhập viện vào tháng 1/2021. Vào thời điểm đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thông báo bà đã bị đau bụng và tiêu chảy trong suốt 3 tuần, sau đó ho khan và đổ mồ hôi trộm vào ban đêm.

Khi kiểm tra, các bác sỹ phát hiện những dấu hiệu tổn thương tại phổi, gan và lá lách. Họ đã thực hiện kiểm tra các triệu chứng nhiễm trùng, chủng vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng ở người và thậm chí cả các bệnh tự miễn, nhưng hàng loạt xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.

Người phụ nữ trở lại bệnh viện ba tuần sau đó, lần này lại phàn nàn vì mình bị sốt và ho.

Các bác sỹ lần này đã bắt đầu tìm được những manh mối đầu tiên gây ra tình trạng của bà sau khi chụp CT để tìm hiểu những chi tiết bên trong cơ thể.

Theo đó, họ phát hiện một số điểm tổn thương dường như đang chuyển động. Tuy nhiên đến thời điểm đó các bác sỹ vẫn chưa đưa ra được kết luận gì.

Đến năm 2022, bệnh nhân bắt đầu trở nên đãng trí và trầm cảm trong khoảng thời gian 3 tháng. Kết quả chụp cắt lớp (MRI) não cho thấy một ánh sáng kỳ lạ ở vùng thùy trán bên phải của bà.

[Hà Nội: Cô gái 25 tuổi xổ ra con sán dây dài 6 mét trong cơ thể]

Theo bác sỹ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Australia và bệnh viện Canberra, Sanjaya Senanayake, ánh sáng này cho thấy bệnh nhân có thể có khối u hoặc một túi mủ.

Bác sỹ phẫu thuật thần kinh Hari Priya Bandi lúc đó đã quyết định thực hiện sinh thiết não của người phụ nữ, theo đó họ sẽ lấy một phần mô nhỏ của bệnh nhân để xét nghiệm.

Trong quá trình thực hiện, bác sỹ phát hiện một cấu trúc kỳ lạ giống như lò xo và dùng kẹp gắp nó ra. Thứ họ gắp được là một con giun màu đỏ hồng đang quằn quại, dài 8cm.

Nhóm nghiên cứu đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra đó là loại giun Ophidascaris robertsi, thường không lây nhiễm sang người. Vật chủ thông thường của chúng là rắn và các loài động vật có vú nhỏ như trăn thảm, chuột hoặc thú có túi.

Trên thực tế, đây là lần đầu tiên trên thế giới, loại ký sinh trùng này được tìm thấy ở người.

Trong báo cáo do CDC công bố, nhóm nghiên cứu viết: “Bệnh nhân cư trú gần khu vực hồ có trăn thảm sinh sống. Mặc dù không tiếp xúc trực tiếp với trăn, cô ấy thường hái các loại rau xanh xnng quanh hồ để nấu ăn. Chúng tôi cho rằng có thể bà ấy đã vô tình tiêu thụ trứng của loài giun này một cách trực tiếp từ cây cối, hoặc trong quá trình nấu nướng.”

Những quả trứng sẽ nở trong cơ thể bà, ấu trùng sẽ xâm nhập vào các bộ phận cơ thể, gây tổn thương trong quá trình chúng di chuyển.

Sau khi gắp con giun ra, các bác sỹ tiến hành điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc diệt ký sinh trùng, giúp cải thiện các triệu chứng.

Bệnh nhân hiện đang hồi phục tốt và đang được theo dõi thường xuyên. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu liệu tình trạng bệnh lý trước đó khiến người phụ nữ này bị suy giảm hệ miễn dịch có dẫn đến việc bệnh nhân bị ấu trùng xâm nhập hay không.

Các bác sỹ cũng cho biết trường hợp hy hữu này cho thấy nguy cơ các bệnh lây từ động vật sang con người ngày càng cao, đặc biệt là khi con người và động vật hắt đầu sống gần nhau và tương tác nhiều hơn.

Họ cũng cho biết có thể còn có các các trường hợp nhiễn giun Ophidascaris robertsi sang người khác trên toàn thế giới.

Tiến sỹ Senanayake thông tin trên tờ The Guardian: “Trong số các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện trên toàn cầu, có khoảng 75% trong số đó là lây từ động vật sang người, bao gồm cả virus corona.”

Những căn bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người có thể gây ra những nguy cơ lớn đối với nhân loại, trong đó điển hình là đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người trong thời gian qua.

Để giảm nguy cơ mắc các loại bệnh truyền nhiễm này, Tiến sỹ Senanayake cho biết trên với Science News Explores: “Nếu bạn làm việc với động vật hoang dã hoặc thực vật, chỉ cần đảm bảo bạn đã rửa tay sau đó. Còn nếu bạn nấu và ăn thực vật, hãy chắc chắn rằng mình đã nấu chín kỹ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục