Hà Nội: Rà soát từ cơ sở, ngăn chặn bánh Trung Thu 'bẩn' ra thị trường

Theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm thành phố, các thương hiệu lớn đã thực hiện nghiêm túc các điều kiện về pháp lý đối với sản phẩm bánh Trung Thu.
Hà Nội: Rà soát từ cơ sở, ngăn chặn bánh Trung Thu 'bẩn' ra thị trường ảnh 1Đoàn liên ngành về An toàn thực phẩm thành phố phối hợp với quận Hai Bà Trưng kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh bánh Trung Thu trên phố Bà Triệu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Thị trường bánh Trung Thu đã bước vào giai đoạn nhộn nhịp nhất. Vì vậy để tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, đảm bảo ngăn chặn bánh Trung Thu "bẩn" ngay từ cơ sở sản xuất-kinh doanh.

Hàng nhập lậu vẫn len lỏi

Ngày 12/8, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế (Công an Quận Hai Bà Trưng) phát hiện 10 thùng hàng hóa là bánh Trung Thu (mỗi thùng 100 chiếc) do nước ngoài sản xuất đang tập kết tại một địa điểm trên phố Trần Khát Chân.

Tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa đều không có hóa đơn chứng từ. Mặc dù còn hạn sử dụng, nhưng sản phẩm không rõ chất lượng.

[Tăng cường kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu 2020]

Tiếp đến ngày 26/8, lực lượng chức năng của Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an Hà Nội đã chặn đứng vụ vận chuyển hàng tấn bánh kẹo, trà sữa phục vụ Trung Thu tại khu vực chân cầu Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.

Số hàng thu giữ gồm 1.443 hộp bánh các loại (bánh Trung Thu, bánh ngọt, bánh quy) do nước ngoài sản xuất đều không có bất cứ giấy tờ của cơ quan quản lý chuyên ngành chứng minh đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.

Trước đó, ngay trong tuần đầu tháng 8, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), phát hiện 8.000 sản phẩm (tương đương hơn 500kg) gồm bánh Trung Thu, bánh chuối, bánh pho mai,... do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Đây chỉ là những vụ việc điển hình về An toàn thực phẩm bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước Tết Trung thu năm nay.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, vào mỗi dịp Tết Trung Thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh lại tăng mạnh.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các đối tượng trà trộn sản phẩm kém chất lượng, bánh nhập lậu không rõ nguồn gốc, nếu lơi lỏng công tác quản lý sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn.

Hà Nội: Rà soát từ cơ sở, ngăn chặn bánh Trung Thu 'bẩn' ra thị trường ảnh 2Ông Vũ Văn Hoạt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng cùng đoàn công tác kiểm tra các cửa hàng kinh doanh bánh Trung Thu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Xử lý nghiêm các vi phạm

Thực tế cho thấy, khó khăn nhất trong kiểm soát an toàn thực phẩm với bánh Trung Thu, nhất là các loại bánh tự làm.

Do đó, ngoài việc tăng cường nắm bắt địa bàn, các lực lượng chức năng cũng chú trọng triển khai các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, xử lý các loại hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, Hà Nội đã đồng loạt triển khai 3 Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung Thu.

Cùng với đó, tại các quận huyện và xã phường cũng thành lập các đoàn kiểm tra mặt hàng này nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất và ngăn ngừa các vi phạm.

Ông Tuấn cũng thông tin một số kết quả ghi nhận của Đoàn kiểm tra những ngày vừa qua, đó là việc thực hiện nghiêm túc các điều kiện về pháp lý của các thương hiệu lớn. Theo đó, hàng hóa có nhãn mác và hạn sử dụng ghi rõ ràng, cũng như nhân viên bán hàng và quầy hàng đã thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch.

Tuy vậy, tại một số cơ sở nhỏ lẻ, nhất là các hộ kinh doanh cá thể, Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm: Nhiều cơ sở sản xuất còn trật hẹp, chưa đảm bảo vệ sinh, thiếu các điều kiện phòng chống côn trùng xâm nhập, hay quá trình chế biến đóng gói vẫn có tình trạng nhân viên sử dụng nhẫn, đeo đồng hồ… để sản xuất.

Đối với các cơ sở này, Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và yêu cầu khắc phục ngay tồn tại, thậm chí giao Ban chỉ đạo quận tiếp tục giám sát, xử phạt nghiêm khắc nếu tái phạm.

Còn tại cơ sở, để đảm bảo An toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung Thu, theo ông Vũ Văn Hoạt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, ngoài việc rà soát kiểm tra tại các cơ sở theo kế hoạch, ngay trong ngày 25/9, các đơn vị chức năng của quận đã phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố xuống kiểm tra đột xuất các điểm kinh doanh tại một số tuyến phố trên địa bàn về mặt hàng bánh Trung Thu.

Ghi nhận của Đoàn cho thấy, các cơ sở được kiểm tra đều thực hiện nghiêm túc, sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo đúng quy định về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, các cửa hàng đã thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, có nước sát khuẩn để rửa tay, thực hiện đeo khẩu trang khi bán hàng và hướng dẫn người mua hàng giữ khoảng cách theo quy định.

“Thời gian tới, quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân và các chủ kinh doanh thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng kinh doanh bánh Trung Thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm có thông tin rõ ràng, kiên quyết xử phạt các cơ sở vi phạm,” ông Hoạt nhấn mạnh.

Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, để bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung Thu trên địa bàn thành phố, ngoài đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, các đơn vị chức năng thuộc Sở cũng chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm qua hình thức thương mại điện tử, hay cơ sở nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp này.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng sẽ kiểm tra đột xuất khi có thông tin do các cơ quan thông tấn báo chí, người dân phản ánh.

“Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng…,” đại diện Sở Công Thương Hà Nội thông tin thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục