Hàn Quốc bắt đầu tiêm vaccine của AstraZeneca cho người trên 65 tuổi

Trước đây, do thiếu bằng chứng để đánh giá hiệu quả của vaccine AstraZeneca đối với người cao tuổi nên Hàn Quốc đã trì hoãn việc tiêm chủng cho người từ 65 tuổi trở lên.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/3, Chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca (Anh) cho những người ngoài 65 tuổi, đồng thời nỗ lực đẩy mạnh việc triển khai việc tiêm chủng loại vaccine này sau khi các nghiên cứu mới ở nước ngoài cho thấy tính hiệu quả.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu tại cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết quyết định sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca cho cả những người trên 65 tuổi được đưa ra một ngày sau khi vấn đề này được thảo luận kỹ lưỡng tại Ủy ban Chuyên trách về tiêm chủng.

Trước đây, do thiếu bằng chứng để đánh giá hiệu quả của vaccine đối với người cao tuổi nên Hàn Quốc đã trì hoãn việc tiêm chủng cho người từ 65 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, số liệu chứng minh tính hiệu quả của loại vaccine này đối với người cao tuổi gần đây đã được công bố.

Ông lưu ý hiện là lúc cần tăng tốc độ tiêm chủng tại các địa điểm trên toàn quốc. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) nên nhanh chóng thực hiện các biện pháp tiếp theo để người cao tuổi có thể sớm được tiêm chủng.

KDCA ban đầu đã loại trừ việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển cho người trên 65 tuổi với lý do "không đủ dữ liệu lâm sàng."

Với quyết định mới nhất trên, các sản phẩm vaccine của AstraZeneca giờ đây đã được phép tiêm cho tất cả người trưởng thành, bao gồm cả nhân viên y tế và bệnh nhân tại các cơ sở chăm sóc dài hạn, những người nằm trong diện "ưu tiên hàng đầu."

Trước đó, một hội đồng độc lập thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW cũng cho biết vaccine của AstraZeneca đã được phê duyệt sử dụng cho người lớn tuổi.

Quyết định của ban hội thẩm về việc nâng giới hạn độ tuổi, dựa trên dữ liệu được công bố ở Anh và Scotland, cho thấy hiệu quả của loại vaccine này trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và giảm tỷ lệ phải nhập viện ở người cao tuổi.

Các cơ quan y tế của Anh cũng đã thông báo rằng vaccine cho thấy hiệu quả hơn 80% trong việc giảm số lượng những người trên 80 tuổi phải nhập viện do COVID-19 chỉ sau một liều tiêm.

[Hàn Quốc: Không có mối liên hệ giữa các ca tử vong và vaccine COVID-19]

KDCA cho biết việc phê duyệt nói trên có thể đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng của Hàn Quốc, bao gồm việc cung cấp vaccine của AstraZeneca cho 376.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên tại các viện dưỡng lão, cơ sở điều dưỡng và cơ sở phục hồi chức năng ngay trong tháng này.

KDCA cũng cho biết lô vaccine COVID-19 thứ hai của AstraZeneca sử dụng cho khoảng 3,5 triệu người sẽ đến Hàn Quốc từ cuối tháng Năm đến đầu tháng Sáu tới.

Trong đó, khoảng 2,1 triệu liều vaccine mà Hàn Quốc mua qua Cơ chế phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình COVAX sẽ được nhập về trong tháng 3, 4 và tháng 5 tới và 1,41 triệu liều còn lại trong tháng Tư và tháng Năm tới.

Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu đảm bảo đủ số lượng vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 79 triệu người theo dự án COVAX của Tổ chức Y tế thế giới và các hợp đồng riêng lẻ với 5 doanh nghiệp dược nước ngoài. Dân số Hàn Quốc hiện có khoảng 52 triệu người.

Ngày 10/3, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết điều tra sơ bộ cho thấy một lô vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca được sử dụng tại Áo có thể không phải là nguyên nhân khiến một y tá tử vong sau tiêm.

Trước đó, ngày 7/3, Áo quyết định đình chỉ tiêm một lô vaccine của hãng AstraZeneca để điều tra thêm về 2 trường hợp, trong đó một y tá 49 tuổi đã tử vong do "rối loạn đông máu nghiêm trọng" sau khi được chủng ngừa.

Ngoài ra, một phụ nữ khác đã phải nhập viện sau khi tiêm vì bị thuyên tắc động mạch phổi và đang phục hồi.

Trong tuyên bố của mình, EMA cho biết hiện không có dấu hiệu nào cho thấy việc tiêm chủng đã gây ra những vấn đề y tế trên, vốn không được liệt kê trong danh sách những tác dụng phụ của vaccine.

Cũng theo cơ quan này, mặc dù một sai sót về chất lượng được coi là khó xảy ra ở giai đoạn này, song chất lượng của lô vaccine trên vẫn đang được điều tra.

Kể từ khi các chiến dịch tiêm chủng được triển khai khẩn trương, một số ca tử vong sau tiêm vaccine đã được ghi nhận tại một số nước. Tuy nhiên, không có trường hợp nào liên quan tới vaccine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục