Hàng không thế giới lao đao, ''bốc hơi'' 29 tỷ USD vì dịch COVID-19

Ngành hàng không thế giới sẽ trải qua một năm khó khăn và sụt giảm thị phần cũng như doanh thu bởi ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hàng không thế giới lao đao, ''bốc hơi'' 29 tỷ USD vì dịch COVID-19 ảnh 1Các hãng hàng không thế giới lao đao, thiệt hại lớn vì dịch COVID-19. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo thông tin từ kênh CNBC (Mỹ), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, dịch COVID-19 (nCoV) sẽ khiến các hãng hàng không thiệt hại 29 tỷ USD, chủ yếu ở thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, các hãng bay Trung Quốc tổn thất khoảng 12,8 tỷ USD.

Trước khi dịch COVID-19 (nCoV) bùng phát từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) và lan rộng, IATA dự báo nhu cầu giao thông hàng không toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện tổ chức này xác định thị trường sẽ chỉ còn lại con số 0,6%.

"Đây là quãng thời gian đầy thử thách đối với ngành công nghiệp vận tải hàng không toàn cầu. Ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan là ưu tiên hàng đầu," ông  Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc IATA tuyên bố.

Theo ông Alexandre de Juniac, nhiều hãng hàng không không chỉ cắt giảm số chuyến bay mà cả một số đường bay điều đó đồng nghĩa chi phí nhiên liệu giảm đi sẽ bù đắp một phần doanh thu bị mất.

Tuy nhiên, ông đưa ra nhận định đây sẽ là một năm đầy khó khăn đối với ngành hàng không thế giới.

[Hàng không thiệt hại lớn khi đóng cửa đường bay đến Trung Quốc]

Tổ chức OAG Aviation Worldwide cho biết, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng loạt hãng hàng không quốc tế hủy 80% số chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc. Các hãng bay Trung Quốc cũng hủy số chuyến bay của 10,4 triệu hành khách.

Theo thống kê của OAG Aviation, các hãng bay của hàng không khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì thị trường Trung Quốc đại lục tê liệt là Air Macau, Cathay Dragon và Thai Lion Air bởi khoảng 60% công suất của các hãng hàng không này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Các hãng hàng không như Air Asia X (Malaysia), Thai AirAsia (Thái Lan), Asiana Airlines (Hàn Quốc) cũng mất đi với 30% công suất, All Nippon Airways (Nhật Bản) và Korean Air (Hàn Quốc) đứng sau với 20% công suất.

Theo tờ Wall Street Journal ngày 20/2, một số hãng hàng không thông báo doanh thu sẽ sụt giảm mạnh vì dịch COVID-19. Đơn cử như Air France-KLM (Pháp-Hà Lan) cảnh báo doanh thu của hãng sẽ sụt khoảng 200 triệu euro (216 triệu USD) tính đến tháng Tư tới.

Qantas (Australia) cũng thông báo doanh thu sẽ sụt khoảng 100 triệu USD trong năm nay do buộc phải cắt giảm khoảng 16% số chuyến bay tới châu Á tính đến cuối tháng Năm.

Hãng hàng không American Airlines cũng bày tỏ sự lo ngại về ảnh hưởng tài chính của dịch COVID-19 (nCoV) trong báo cáo thường niên công bố ngày 19/2. Hãng hàng không có trụ sở ở Texas cho biết nhiều khả năng nhu cầu giao thông hàng không sẽ suy giảm trong một thời gian đáng kể, dẫn tới tình trạng sụt giảm doanh thu.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết chính quyền Trung Quốc đang cân nhắc một số biện pháp khẩn cấp để giải cứu ngành công nghiệp hàng không nước này. Có thể Bắc Kinh sẽ cho phép một số hãng hàng hàng không nhỏ và lao đao vì dịch virus corona sáp nhập vào những hãng bay quy mô lớn.

Tại Việt Nam, Cục Hàng không đã dự kiến 3 kịch bản cho thị trường hàng không năm 2020 cho đến khi Trung Quốc công bố hết dịch. Cụ thể, nếu dịch hết trong tháng Tư (kịch bản lạc quan nhất), tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1,1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách.

Ở kịch bản trung bình (tháng 6/2020 hết dịch), tổng thị trường sẽ chỉ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%, lượng khách qua cảng đạt 111,6 triệu khách, giảm 4,2%.

Trường hợp xấu nhất, nếu tháng 8 mới hết dịch, tổng thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách. Lượng khách qua cảng giảm 15,5%, còn 98,5 triệu khách.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường các đường bay Trung Quốc đang chiếm khoảng hơn 18% thị trường quốc tế. Riêng với các hãng hàng không trong nước, thị trường này chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế.

“Việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng. Đó là chưa kể đến một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa. Các hãng hàng không Việt Nam còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí liên quan đến công tác vệ sinh phòng dịch...,” lãnh đạo Cục Hàng không cho hay.

Thống kê sơ bộ của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục