Hành trình 20 năm nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sấy thăng hoa

Sau hành trình 20 năm nghiên cứu, công trình công nghệ sấy thăng hoa của phó giáo sư Nguyễn Tấn Dũng và cộng sự đã được ứng dụng rộng rãi trên cả nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia.
Hành trình 20 năm hoàn thiện công nghệ sấy thăng hoa

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: "Sau khi rời khỏi mái trường đại học, tôi trở về Sài Gòn làm việc cho một công ty nước ngoài trong lĩnh vực lạnh đông và điều hòa không khí. Tôi đã cố gắng rất nhiều để lĩnh hội tất cả những tinh hoa trong ngành kỹ thuật và kỹ thuật lạnh đông sâu, những thứ mà ngay cả trong sách vở cũng chưa từng viết. May mắn vì tôi đã tham gia từ khâu thiết kế đến gia công chế tạo hệ thống lạnh trong suốt bốn năm lăn lộn với nghề kỹ sư.

Rời môi trường làm việc tại công trường nhà xưởng đầy ắp những kỷ niệm, tôi quay về tham gia vào lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, và bắt đầu một cuộc hành trình đầy chông gai và thử thách, nuôi ước mơ làm ra những sản phẩm công nghệ mới, giúp ích cho cộng đồng và xã hội.

Bao nhiêu kế hoạch đã được thực hiện, ước mơ hoài bão đã được ấp ủ, thế rồi chương trình nghiên cứu chế tạo ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa với nhóm nghiên cứu đã được hình thành vào năm 1999. Và suốt chặng đường 20 năm, từ 1999 đến 2019, biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của nhóm đã rơi và biết bao nhiêu kỷ niệm đã đi qua, biết bao cung bậc cảm xúc, từ thất vọng chán chường đến hân hoan, vui sướng, hạnh phúc.

Cho đến bây giờ, những hệ thống sấy thăng hoa DS đã được triển khai ứng dụng trên toàn quốc. Nó không chỉ mang lại niềm vui, niềm tự hào cho bản thân tôi và cho nhóm nghiên cứu mà cho cả trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tôi đang làm việc."

Suốt 20 năm, kể từ khi ấp ủ ý tưởng cho đến khi cho ra đời những hệ thống sấy thăng hoa đầu tiên, đến nay, hệ thống sấy phiên bản DS-10 đã tự động hóa hoàn toàn, cài đặt chính xác, tiết kiệm năng lượng và cho thời gian sấy tối ưu, với hai chế độ: sấy không làm lạnh đông và sấy có làm lạnh đông.

Công nghệ sấy thăng hoa của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tấn Dũng và nhóm nghiên cứu đã được chuyển giao và ứng dụng tại nhiều doanh nghiệp trên khắp lãnh thổ Việt Nam và được xuất khẩu sang Lào, Campuchia.

Ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ Quảng Trị cho hay: “Sau hơn một năm nghiên cứu và thử nghiệm nhiều công nghệ sấy khác nhau thì chúng tôi quyết định sử dụng công nghệ sấy thăng hoa để sản xuất các sản phẩm cao cấp.”

Ông Trịnh Ngọc Tuấn, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ Quảng Trị chia sẻ: “Đông trùng hạ thảo là một loại nấm, khi sấy bằng nhiệt ở nhiệt độ cao thì nấm sẽ bị teo, biến đổi màu sắc của nấm không còn giữ được màu cam tươi như ban đầu. Nhưng khi sấy với công nghệ sấy thăng hoa thì nấm vẫn giữ được hình dạng ban đầu, còn giúp được giữ được màu cam tươi và sản phẩm sử dụng ngon hơn sấy bằng phương pháp sấy nhiệt.”

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thực phẩm cho biết: “Công nghệ sấy thăng hoa để bảo quản thực phẩm chúng tôi đã được ứng dụng trong 5 -7 năm trở lại đây. Công nghệ này có nhiều điểm ưu việt so với các công nghệ sấy trước đây. Sấy thăng hoa là sấy ở nhiệt độ âm, dưới 0, khi sấy ở nhiệt độ này thì mật độ tế bào sống là rất cao, như men tiêu hóa chẳng hạn là một trong những ví dụ mà công nghệ sấy thăng hoa vi sinh sẽ ứng dụng."

Hiện hệ thống sấy thăng hoa đang được ứng dụng để sấy các sản phẩm cao cấp như sữa ong chúa, nấm đông trình hạ thảo, dịch chiết từ nấm linh chi, tổ yến, các loại dược phẩm, vắc xin... nhằm bảo toàn các thành phần hóa học, dinh dưỡng, vitamine. Sản phẩm sau khi sấy có khả năng hút nước, giữ nước để trở lại trạng thái ban đầu cao nhất. Sản phẩm tạo thành có độ ẩm chỉ 2 đến 6%, rất khô nên không cần bảo quản phức tạp mà chỉ cần khép mí kín, hút chân không là có thể bảo quản ở nhiệt độ thường lên đến 6 năm mà không ảnh hưởng đến chất lượng.

Giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị bảo trợ giải thưởng khoa học Bảo Sơn cho biết: “Ở Việt Nam, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch tới đây chắc chắn sẽ phát triển rất mạnh, vì hiện tại chúng ta xuất khẩu chủ yếu mặt hàng thô. Khi chế biến sâu thì nhất định phải sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến như công nghệ sấy thăng hoa. Do vậy, công nghệ này tôi tin công nghệ này sẽ được ứng dụng mạnh mẽ trong thời gian tới. Công trình của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tấn Dũng đoạt giải thưởng Bảo Sơn là một trong những công trình tiêu biểu, có những đóng góp mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân và cho cộng đồng./.”

(Vietnam+)