Hát Sli của người Nùng - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Hát Sli là một làn điệu đặc trưng của người Nùng, được biểu diễn dưới dạng đối đáp nam nữ, thể hiện quan niệm về đạo đức, chứa đựng những giá trị nhân bản, hướng thiện, tôn kính tổ tiên.

Hát Sli của người Nùng - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 1Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn (ngoài cùng bên phải) trao Bằng công nhận nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hát Sli của người Nùng cho các nghệ nhân. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn vừa tổ chức Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia“Hát Sli của người Nùng” xã Xuân Dương, huyện Na Rì và giao lưu nghệ thuật chào mừng Ngày Văn hóa các Dân tộc Việt Nam (19/4).

Hát Sli của người Nùng (xã Xuân Dương) ra đời, tồn tại và lưu truyền trong cộng đồng gắn liền với hoạt động của Chợ Tình Xuân Dương, tổ chức vào ngày 25/3 âm lịch hằng năm.

Đây là loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian tiêu biểu, đặc sắc của xã Xuân Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 830/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2021.

Hát Sli là một làn điệu đặc trưng của người Nùng, mỗi nhánh Nùng khác nhau có làn điệu sli khác nhau, như Nùng Inh có Sli Nùng Inh, Nùng Phàn SLình có Sli Sloong hào, Nùng Cháo có Sli Sình làng, Nùng Giang có Sli Giang.

Sli nghĩa là “thơ”, một làn điệu dân ca trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Nùng ở Lạng Sơn. Hát Sli (vả Sli) gắn liền với truyền thuyết nàng tiên mở hội thi kén chồng với ba chàng trai họ Chương, họ Sình và họ Lý bằng việc hát đối đáp các làn điệu Sli.

Hát sli là hình thức hát thơ (chủ yếu là truyện thơ), được biểu diễn dưới dạng đối đáp nam nữ, thường do một hoặc một vài đôi trai gái thể hiện trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới...

[Độc đáo di sản văn hóa - lễ cúng rừng của người Mông ở Si Ma Cai]

Cuộc hát bắt đầu khi có người lĩnh xướng, giọng phải vang, trong và có khả năng ứng đối khéo léo, nhanh nhạy. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người cất lời Sli để đáp lại với lối hát bè, hòa thanh giọng cao, giọng thấp, không có nhạc đệm, không có vũ đạo kèm theo, khi hát người hát tự phối bè với nhau, giao lưu, trình diễn theo một chủ đề, cốt truyện nhất định do người hát tự biên tự diễn thể hiện qua nét mặt, qua một vài cử chỉ, điệu bộ của tay để diễn tả nội dung khi hát.

Mở đầu cho chủ đề các bài hát Sli thường có phần hô ngữ lên giọng “nhì à sloong hao” (nghĩa là “Hai đôi ta cùng hát”) hoặc các hô ngữ khác nhau của các nhánh người Nùng thay cho lời chào hỏi, tiếp đó mới vào nội dung của bài hát Sli.

Đây được ví như chìa khóa để mọi người hát đơn hay bè được đúng, không bị chệch giọng và hòa thanh được chuẩn khi hát vào bài chính. Có thể nói bài hát hấp dẫn hay không phụ thuộc vào người hát và lấy giọng câu mở đầu.

Hát Sli của người Nùng - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 2Trình diễn hát Sli tại Hội chợ văn hóa truyền thống xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. (Nguồn: backan.gov.vn)

Thông thường, Sli có 3 lối hát cơ bản là: Hát nói (đọc thơ); Xướng Sli (ngâm thơ); Dằm sli hoặc nhằm sli (lên giọng hát).

Hát nói là biểu hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa thơ ca và âm nhạc. Đây là lối hát không có giai điệu mà chỉ có sắc thái lên xuống của âm điệu giọng đọc, không đòi hỏi nhiều kỹ năng, kỹ thuật trong diễn xướng. Mỗi nốt nhạc được sử dụng là sự luân chuyển âm sắc giọng đọc một cách mềm mại, uyển chuyển tùy lúc lên hoặc xuống mà áp dụng nốt cao hay luyến hai nốt lại với nhau. Nhịp điệu trong bài hát bao giờ cũng khúc chiết, mạch lạc, tuân theo những khuôn khổ nhất định được biểu hiện bằng những trọng âm. Đây là lối hát phù hợp với những bài có nội dung, cảm xúc mộc mạc, nhịp điệu mạch lạc, rõ ràng.

Xướng Sli thể hiện tình cảm dàn trải, ngâm ngợi, nhịp điệu tự do, giai điệu thường được tô điểm bởi các nốt luyến láy hoa mỹ ở cuối câu tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển, người nghe dễ dàng cảm nhận được tính chất trữ tình, sâu lắng của bài. Về cơ bản, lối ngâm thơ gần giống với lối đọc thơ nhưng ngâm thơ có sự uyển chuyển và giai điệu rõ ràng hơn, mỗi chữ trong câu hát có thể hát lên với nhiều âm thanh, âm sắc khác nhau bên cạnh âm thanh chính, nhưng bản chất của ngâm vẫn là sự co dãn và dàn trải về nhịp điệu. Cách hát này chủ yếu có trong hát Sli của người Nùng Cháo.

Dằm sli hoặc nhằm sli thể hiện bài hát một cách hoàn chỉnh cả về giai điệu, tiết tấu, lời ca; lối hát này thể hiện sự phức tạp trong cách luyến láy, nhấn nhá một cách uyển chuyển và sử dụng tinh tế các hư từ trong bài. Điều đó đòi hỏi người hát phải có sự am hiểu, khả năng cảm thụ âm nhạc và cách phát âm, nhả chữ sao cho thể hiện được rõ nhất nét riêng trong âm nhạc của đồng bào dân tộc Nùng.

Bên cạnh đó, hát Sli còn có 2 hình thức hát gồm thể tự do và thể có bài bản tổ chức thành cuộc hát. Tuy nhiên, giữa chúng chỉ mang tính chất phân tách tương đối và có quan hệ biện chứng bổ sung cho nhau từng chủ đề tình huống, tình cảnh của cuộc hát.

Đối với Sli tự do, là lối hát thường diễn ra trong quá trình lao động sản xuất, quá trình sinh hoạt mà phổ biến hơn cả là trong các dịp tìm hiểu nam, nữ, dịp đi chợ, đi hội, thăm thân, kết bạn, đi lễ tết; sinh nhật đám cưới, đám ma, mừng nhà mới, đầy tháng cho trẻ sơ sinh.

Không gian của Sli tự do rất đa dạng từ ruộng, mương, gò đồi, ven suối đến đầu hoặc cuối chợ. Cũng giống như Sli cuộc, mỗi bên hát Sli thường có từ hai người trở lên, ít hơn thì sẽ không thành cuộc hát.

Sli tự do độc đáo ở chỗ các nhóm hát thường không hẹn nhau trước, họ gặp nhau, trao nhau những lời mời chào, hỏi thăm, nếu hai bên cảm thấy hợp thì cuộc hát sẽ diễn ra. Khởi đầu của Sli tự do có một số bài hát theo chủ đề nhất định như Sli làm mương, đi chợ, đi hội, các bài còn lại về cơ bản là hát không theo chủ đề.

Đối với Sli cuộc, Sli cuộc là lối hát có tổ chức quy củ, chặt chẽ, có lề lối trong một không gian hẹp, thường là tại một nhà hoặc một làng nào đó. Để chuẩn bị cho cuộc hát này, đôi nam hoặc nữ khách ở bản khác phải thông tin trước cho gia chủ tổ chức cuộc hát để nhận được sự đồng ý về cuộc hát.

Cuộc hát phải có ít nhất từ hai người trở lên, khác giới. Tham dự cuộc hát có nhiều lứa tuổi từ trẻ đến già để cổ vũ, tán thưởng, khen chê. Sli cuộc có thể kéo dài thâu đêm đến sáng hôm sau, cá biệt có cuộc kéo dài ba đêm liên tục.

Sli cuộc thường có trình tự nhất định, đã có bài bản sẵn tuy nhiên để cuộc sli có nội dung phong phú hơn và để thử tài Sli của đối phương, phần Sli tự do luôn được lồng theo từng chủ đề của bài Sli cuộc.

Thông thường, một cuộc hát Sli thường diễn ra theo ba chặng. Chặng thứ nhất gồm những bài hát chào mời thăm hỏi, nếu cảm thấy hợp nhau cuộc Sli sẽ kéo dài.

Chặng thứ hai gồm những bài hát trao đổi tâm tư, tình cảm, giai đoạn lôi cuốn nhất của hát Sli, hai bên sẽ đối đáp xoay quanh những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày: tâm sự, ca ngợi vẻ đẹp quê hương, xứ sở, con người. Trong cuộc hát, người hát còn ứng tác phù hợp với diễn tiến và nội dung cuộc hát.

Chặng thứ ba gồm những bài tiễn biệt dặn dò, những lời chúc, lời hẹn ước với nhau, mong một ngày tái ngộ để lại được cùng nhau say đắm trong những câu ca Sli.

Sau cuộc Sli này, nếu phía khách và chủ nhà còn muốn tiếp tục Sli thì cuộc sli chuyển sang các bài sli truyện thơ: Làng Dỉ, Mày Khoay, Thàng Vàng, Tỳ Dao, Lụ Ký, Khỉnh Dèn, Sơn Bá Chúc Anh Đài, Thạch Sanh, Tam Quốc Diễn nghĩa... thì cuộc sli mới trọn vẹn và được đánh giá những người sli tài, biết nhiều sli.

Về kết cấu, nhìn chung Sli là những bài thơ, văn vần có độ dài ngắn khác nhau, thường được thể hiện theo thể thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt. Cơ bản các bài Sli chỉ khoảng 4 đến 8 câu, cá biệt có những bài Sli chỉ có từ 5 đến 7 chữ, có những bài dài đến hàng trăm câu. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng câu Sli thường không bị hạn chế mà rất phong phú đa dạng nên rất khó phân loại.

Lời Sli không chỉ bao hàm nội dung mượt mà, tế nhị của chuyện tình cảm của bao đôi trai gái mà còn có cả muôn mặt của đời sống như các hiện tượng tự nhiên, các mốc thời gian cùng sự kiện nhân vật và lịch sử…, đôi khi có cả những lời chào mời sang trọng, những lời thách đố kiêu ngạo, đáng yêu thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người với những lời Sli ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi, ẩn chứa rất nhiều hàm ý.

Hát Sli là phương tiện giao tiếp trên mọi phương diện cuộc sống, hiện hữu, gắn bó với cuộc sống người Nùng: xe duyên, chúc phúc, giãi bày... Hát sli thể hiện tính xã hội và nhân văn trong mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên, xã hội. Lời hát sli góp phần làm cho cuộc sống của con người thêm hồn nhiên, tươi vui, phấn khởi và góp phần xây dựng đời sống tinh thần nhân dân thêm phong phú, đa dạng.

Hát Sli, hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là sợi dây vô hình kết nối giữa các nhóm người có thể chưa quen biết với nhau; là dịp trao đổi tình cảm, thể hiện mối quan hệ, ứng xử, giao tiếp tốt đẹp cả 3 chiều: Cá nhân-cá nhân, cá nhân-cộng đồng và cộng đồng-cộng đồng.

Sli giúp gắn kết tình cảm cộng đồng làng bản hoặc liên làng bản trở nên gắn bó và sâu sắc hơn, đặc biệt nhiều đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng, nhiều người đã thành những đôi bạn thân thiết thông qua tục kết “lạo tồng” (kết bạn thân), góp phần củng cố ý thức cộng đồng, bồi đắp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Hát Sli thể hiện kỹ năng, nghệ thuật thanh nhạc cao của người Nùng, là nơi nuôi dưỡng, sáng tạo giá trị văn hóa của cộng đồng. Hát Sli thể hiện quan niệm về đạo đức, chứa đựng những giá trị nhân bản, hướng thiện, truyền tải tri thức dân gian, lưu giữ ngôn ngữ của cộng đồng, góp phần giáo dục, bảo lưu, trao truyền ý thức về cội nguồn, sự tôn kính, lòng biết ơn ông bà, tổ tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục