Hát Xoan Phú Thọ - Những khúc dân ca cổ xưa nhất của người Việt

Các bài hát múa của Hát Xoan đều mang dấu ấn của nghệ thuật thuộc tầng văn hóa cổ nhất Việt Nam, chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa của người Việt trên vùng đất Văn Lang thời xa xưa.
Hát Xoan Phú Thọ - Những khúc dân ca cổ xưa nhất của người Việt ảnh 1Biểu diễn Hát xoan làng cổ tại đình cổ Hùng Lô, Phú Thọ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hát Xoan là tên gọi chệch của hát Xuân, một hình thức diễn xướng mang tính chất nghi lễ tối cao và có niêm luật chặt chẽ, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng người dân Phú Thọ.

Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời đại Vua Hùng. Các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang xưa như làng Kim Đái, Phù Đức, Thét (thuộc xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu) và thành phố Việt Trì ngày nay.

Trong thực hành Nghi lễ thờ cúng Hùng Vương không bao giờ tách rời Hát Xoan Phú Thọ.

Hát Xoan là hình thức chuyển tải ý nguyện tâm linh, mang yếu tố dân gian đặc trưng nhất của những cư dân nông nghiệp vùng đất Tổ. Các đình, đền, miếu là không gian linh thiêng để đưa nghệ thuật diễn xướng Hát Xoan đến với các bậc thần linh, Vua Hùng và Thành hoàng làng.

Di sản văn hóa được thế giới tôn vinh

Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, UNESCO đã xếp loại hình nghệ thuật Hát Xoan-Phú Thọ của Việt Nam là Di sản Văn hóa Phi vật thể cần Bảo vệ khẩn cấp của Nhân loại.

6 năm sau, vào ngày 8/12/2017 UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO tính đến thời điểm này. Sự kiện đánh dấu thành công bước đầu của tỉnh Phú Thọ và của cộng đồng trong nỗ lực, quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ Di sản Hát Xoan.

Di sản Hát Xoan có 31 bài cổ, được truyền từ đời này qua đời khác. Trình diễn Hát Xoan sẽ theo 3 chặng hát gồm hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên (hát hội). Ba chặng hát với các nội dung khác nhau nhưng cùng biểu đạt ước nguyện to lớn của người dân là mùa màng no đủ, vạn vật tốt tươi, của cải sinh sôi, con đàn cháu đống.

Hát Xoan Phú Thọ - Những khúc dân ca cổ xưa nhất của người Việt ảnh 2Tiết mục biểu diễn hát Xoan của huyện Phù Ninh, Phú Thọ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Nếu như chặng hát đầu tiên là những bài hát mang tính nghi thức, khởi đầu một đêm hát thờ, đánh dấu thời điểm làng chính thức vào đám thì chặng hai là những bài quả cách ca ngợi thiên nhiên, con người và những nét đẹp trong đời sống lao động, sản xuất..

Hát quả cách xuất hiện từ rất sớm, tương truyền còn có từ trước cả thời Hùng Vương dựng nước.

Chặng hát quả cách là một phần hát cực kỳ đa dạng, phong phú với 14 bài mô tả rõ nét đời sống lao động của người dân trong nhiều ngành nghề khác nhau; ca ngợi 4 mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông cùng với sự biến đổi của cảnh vật thiên nhiên qua một năm canh tác, trồng cấy, hoặc kể các cốt truyện cổ tích xưa. Đào và kép vừa múa vừa hát, thể hiện các làn điệu với nhiều biến tấu linh hoạt.

[Phú Thọ: Đưa hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào trường học]

Chặng 3 của Hát Xoan là hình thức hát giao duyên, hay còn gọi là hát hội, giữa các đào xoan với các trai làng. Có 12 bài thể hiện những khát vọng cuộc sống, tình yêu nam nữ thông qua những làn điệu vui nhộn, đậm chất trữ tình.

Chặng hát này thường được tiến hành theo các thứ tự: hát ghẹo-giao duyên, xin huê đố chữ, hát đúm và giã (mó) cá, mang đậm ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực: âm-dương; trai-gái; sinh sôi nảy nở giống nòi.

Trong 3 chặng hát thì đây là phần hấp dẫn nhất. Chặng hát chứa đựng nhiều ước vọng, khát khao về tình yêu, cuộc sống… vô cùng sống động của các nam thanh nữ tú khi đi lễ hội.

Trong chặng hát có làn điệu liên khúc hát “Bợm gái,” có nghĩa là đi chơi bạn gái. Một điệu hát có ý nghĩa phồn thực khá thú vị. Điệu hát được trình diễn bởi sáu đào Xoan và sáu trai làng. Tiết tấu hoạt bát và ý nghĩa ca từ của làn điệu đã biến không khí trang nghiêm của đêm hành lễ thành không khí hội hè, vui vẻ.  

Tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng của Hát Xoan sẽ là bài "Giã cá" hoặc tên khác là "Mó cá." Bài hát có tiết tấu nhịp nhàng, khỏe khoắn, sôi động, thể hiện rõ nét đặc trưng của tín ngưỡng phồn thực qua mối quan hệ giữa trai (dương) và gái (âm) với ước nguyện sinh sôi, nảy nở phát triển giống nòi để có thêm nhiều nhân lực, của cải trong lao động sản xuất.

12 đào Xoan và 4 chàng trai làng sẽ trình diễn điệu hát múa này, trong đó 4 chàng trai tượng trưng là cá. Các đào xoan vòng tay làm thành lưới, vây lấy các chàng trai, tay vỗ, miệng hát thách thức các chàng trai trổ tài phá lưới.

Chặng hát này thường được múa hát vào lúc nửa đêm hay gần sáng trước bàn thờ Thánh trong nội đình.

"Mó cá" là điệu hát múa kiểu vòng tròn hướng tâm cổ nhất của người Việt còn lại cho tới bây giờ. Nó không chỉ có giá trị là loại hình nghệ hát múa tập thể mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa của người Việt trên vùng đất Văn Lang thời xa xưa.

"Mó cá" là điệu hát múa kết thúc chặng hát giao duyên và đồng thời cũng kết thúc đêm Hát Xoan thờ thần, để lại bao lưu luyến cho các đào xoan, kép, trai làng và người dân dự hội.

Dấu ấn của nghệ thuật cổ xưa

Không có tích trò, cốt truyện như Chèo và Tuồng nhưng Hát Xoan lại hấp dẫn ở khía cạnh nghệ thuật đa yếu tố gồm hát, múa, nhạc, thơ, trình diễn sân khấu. Trong đó, hai yếu tố quan trọng nổi bật nhất là hát và múa, được kết hợp hài hòa và chặt chẽ.

Trong các cuộc Hát Xoan, các cô đào xoan vừa hát vừa múa trên chiếu trước bàn thờ trong đình, một kép nam đứng bên cột đình hát dẫn cách, cứ sau một đoạn các đào Xoan lại hát họa theo hình thức xướng xô.

Hát Xoan Phú Thọ - Những khúc dân ca cổ xưa nhất của người Việt ảnh 3Điệu múa Hát Xoan truyền thống do các nghệ nhân tỉnh Phú Thọ trình diễn. (Ảnh: TTXVN)

Những điệu múa trong Hát Xoan cũng mộc mạc, chủ yếu qua đôi tay của các đào, kép đưa ra, thu vào, ngửa bàn tay, úp bàn tay, kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ, như quạt, phách tre, nậm rượu... Khi trình diễn, các đào, kép di chuyển chủ yếu theo hàng dọc hoặc hàng ngang và vòng tròn.

Có thể nói nghệ thuật trình diễn của Hát Xoan Phú Thọ mang một diện mạo riêng biệt, độc đáo và cổ kính. Các nhà nghiên cứu cho rằng Hát Xoan là nghệ thuật thuộc tầng văn hóa cổ nhất Việt Nam với những ca từ cổ, động tác múa cũng rất cổ.

Nhạc cụ trong Xoan rất đơn giản, chỉ là gồm phách tre và trống khẩu; giọng người hát mang đậm dấu ấn thổ ngữ cư dân vùng trung du Phú Thọ. Tất cả các yếu tố đó tạo nên một di sản văn hóa cổ, đại diện của nhân loại.

Hát Xoan kết hợp được cả yếu tố văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Không chỉ là hát thờ mà còn phù hợp và đáp ứng được nhu cầu giải trí của nhân dân. Những tầng giá trị văn hóa của Hát Xoan được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục