Hoa Kỳ mong muốn đưa VN khỏi danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo

Đại sứ Marc E. Knapper khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ rất mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo và không thích việc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt.
Hoa Kỳ mong muốn đưa VN khỏi danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo ảnh 1Ông Marc Evans Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 14/4, trao đổi với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper về vấn đề tôn giáo và tự do tôn giáo, Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng mong muốn, Đại sứ sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, thực sự là “Đại sứ về tôn giáo, về chính sách tôn giáo” cho Việt Nam ở Hoa Kỳ, như Mục sư Franklin Graham đã nói trong chuyến thăm Việt Nam và dự chương trình “Xuân yêu thương” mới đây.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, Việt Nam vừa công bố sách trắng tôn giáo, trong đó có các thông tin chính thống của tôn giáo Việt Nam, chủ trương, chính sách, thành tựu về tôn giáo ở Việt Nam, được công bố và công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận.

Về đường lối, thể chế, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định nhất quán chính sách tự do tôn giáo và tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển. Tuy nhiên, là một đất nước đang phát triển, trong quá trình thực thi có những khó khăn để thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối, chính sách đó về tận cơ sở. Việt Nam là đất nước đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, để luật “phủ sóng” hết các hành vi ứng xử với các tôn giáo là điều khó khăn.

"Chúng tôi rất cầu thị lắng nghe các ý kiến các tổ chức tôn giáo. Sau 3 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, từ cơ quan quản lý nhà nước và các tôn giáo thấy rằng có nhiều điều còn bất cập, nhất là ở cơ sở, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ sơ kết Luật và đề nghị Quốc hội giải thích luật. Trong thời gian chưa sửa được Luật, Bộ Nội vụ đề nghị sửa nghị định quy định chi tiết và nhiều điều khoản bất cập được điều chỉnh lại trong nghị định mới," Thứ trưởng nêu rõ.

Thứ trưởng cũng khẳng định, một thực tế không thể phủ nhận là sự tiến bộ trong chính sách tự do tôn giáo, cũng như đời sống sinh hoạt của các tôn giáo ở Việt Nam có sự cởi mở, thông thoáng và đạt được thành tựu rõ rệt.

Đáng tiếc là tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước theo dõi đặc biệt về tôn giáo, điều này khiến những người trực tiếp làm công tác tôn giáo và những tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp rất bất ngờ. Bộ Nội vụ đang nỗ lực cùng các tôn giáo, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan để giải tỏa vấn đề này, tạo thông thoáng trong quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực khác.

“Chúng tôi hiểu rằng có nhiều kênh để chia sẻ, đối thoại tường minh câu chuyện này,” Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nói; đồng thời tin rằng, với sự am hiểu về Việt Nam, với vai trò của Đại sứ và trách nhiệm của Bộ Nội vụ, hai bên sẽ cùng hướng tới mục tiêu tốt đẹp nhất.

Đánh giá cao tinh thần trao đổi cởi mở giữa Bộ Nội vụ với Đại sứ quán Hoa Kỳ, cũng như với người tiền nhiệm là Đại sứ Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Marc E. Knapper chia sẻ, ông rất trân trọng cơ hội được đến để gặp gỡ và trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Bày tỏ cảm kích khi nghe Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề cập đến việc năm nay hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện; Đại sứ Marc E. Knapper cho biết, quan hệ hai nước đã lớn mạnh, mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu. 10 năm qua, hai nước đã thành công trong việc có những cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ.

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Biden. Cuộc điện đàm dài, sâu sắc, chi tiết và thân thiện về mối quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi và nhận lời mời đến thăm lẫn nhau.

[Sách trắng về tôn giáo: Hiểu hơn về tự do tín ngưỡng tại Việt Nam]

Trong 10 năm qua và 28 năm kể từ ngày hai nước bình thường hóa quan hệ, đại diện hai quốc gia đã có nhiều trao đổi thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng về những vấn đề hai bên quan tâm, bao gồm cả lĩnh vực tự do tôn giáo.

Đại sứ Marc E. Knapper cho biết, đã từng đảm nhiệm vai trò tham tán chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2004-2007. Khi đó, đội ngũ của Đại sứ quán đã phối hợp với Washington trong việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có quan ngại về vấn đề tự do tôn giáo. Quyết định này được đưa ra dựa trên đánh giá khách quan của Hoa Kỳ về việc “Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất chắc chắn về việc tạo điều kiện cho các tín đồ tôn giáo được thực hành tín ngưỡng, tôn giáo mà họ mong muốn.”

“Nhìn lại quyết định đó, tôi vẫn cảm thấy rất tự hào vì những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc cải thiện điều kiện cho tín đồ tôn giáo. Hiện nay Việt Nam cũng đang đạt được những tiến bộ trong việc này. Khi đó, tôi là người ủng hộ quyết định đó và giờ tôi cũng ủng hộ Việt Nam,” Đại sứ Hoa Kỳ cho hay.

Hoa Kỳ mong muốn đưa VN khỏi danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo ảnh 2Đại lễ Phật đản 2020 Phật lịch 2564 tại Việt Nam Quốc tự. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tán thành với những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Nội vụ về những khoảng cách giữa các bộ luật và việc thực thi luật pháp ở cấp độ địa phương, Đại sứ Marc E. Knapper cho rằng, vấn đề này không phải chỉ Việt Nam mới có, mà ngay cả Hoa Kỳ cũng vậy, cũng có khoảng cách giữa các bộ luật, Hiến pháp và việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật trên khắp đất nước. “Tôi đảm bảo đây không phải là sự chỉ trích nhằm riêng vào Việt Nam,” ông nói.

Đại sứ cũng nêu lên một số câu chuyện mà theo ông là “đáng tiếc”, khi vẫn được nghe ở một số nơi, việc đăng ký thực hành tôn giáo của các nhóm, điểm nhóm bị kéo dài, điều này làm cản trở tinh thần đảm bảo tự do tôn giáo đã được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Một mặt, Hoa Kỳ công nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo ở Việt Nam những năm qua, nhưng mặt khác, với câu chuyện đã nêu ở trên, khiến Hoa Kỳ quyết định đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt.

Tuy vậy, Đại sứ Hoa Kỳ khẳng định, danh sách này không phải là cố định mà luôn được đánh giá lại hàng năm. Vì thế Đại sứ quán mong muốn hợp tác để đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này. “Các bạn hãy tin tưởng chúng tôi. Điều thực sự chúng tôi rất muốn làm, đó là hợp tác với Việt Nam. Tuy không có công thức hay lộ trình cố định cho việc làm thế nào để ra khỏi danh sách này, nhưng có một số việc Chính phủ có thể làm để thể hiện việc Việt Nam tiếp tục cam kết thúc đẩy điều kiện cho các tín đồ và tôn giáo.”

Ông nêu lên một số gợi ý như khi có trường hợp tín đồ gặp khó khăn về tín ngưỡng, tôn giáo, chính quyền địa phương cần nhanh chóng có hành động để tháo gỡ, những người có trách nhiệm cần bị nhắc nhở, kỷ luật. Cùng với đó, tinh giản quy trình đăng ký sinh hoạt tôn giáo, thể hiện cam kết của Việt Nam trong đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

“Chính phủ Hoa Kỳ rất mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, chúng tôi không thích việc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt,” Đại sứ Marc E. Knapper khẳng định.

Ông cũng nhấn mạnh, những thông tin Đại sứ quán nhận được từ các nhóm tôn giáo địa phương hay các tổ chức phi chính phủ quốc tế mà Việt Nam thấy đó là thông tin chưa chính xác, chưa đầy đủ, chưa được xác minh, thì cần trao đổi lại, vì mục tiêu cuối cùng Hoa Kỳ muốn là có những thông tin chính xác. Khi bản báo cáo về tình hình tự do tôn giáo của Hoa Kỳ được công bố, bất cứ thông tin gì Việt Nam thấy chưa chính xác có thể liên hệ với Đại sứ, kênh trao đổi song phương luôn rộng mở.

Ghi nhận những ý kiến thiện chí của Đại sứ Hoa Kỳ, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng bày tỏ tin tưởng ý kiến Đại sứ và tinh thần của Bộ Nội vụ sẽ gặp nhau; với nỗ lực của cả hai bên, Việt Nam sẽ sớm ra khỏi danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo.

Làm sáng tỏ hơn, Thứ trưởng dẫn chứng về những tiến bộ trong chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh, thể chế, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng nhất quán: Giải phóng nguồn lực, giải phóng tôn giáo và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Hiến pháp và các chủ trương chính sách đều thể hiện rõ, coi nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người, không phân biệt thành phần nào, kể cả những người bị tước quyền công dân, cũng như những người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Thẳng thắn trao đổi về các vấn đề Đại sứ đề cập, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, hiện Việt Nam có 3.000 điểm nhóm ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên chưa tham gia các tổ chức tôn giáo chính thống, nhưng có sinh hoạt, có tín ngưỡng của mình và chính quyền địa phương vẫn cho đăng ký điểm nhóm nếu họ thực hiện đúng quy định pháp luật.

Hay những nhóm người nước ngoài có sinh hoạt tín ngưỡng thì các địa phương nơi họ cư trú vẫn tạo điều kiện cho sinh hoạt, hiện có 6 điểm nhóm như vậy đang hoạt động.

Vừa qua, Bộ Nội vụ phối hợp với cơ quan chức năng chuyển gần 4.500 đầu sách kinh thánh của các tôn giáo vào 54 trại giam để các phạm nhân là tín đồ được tiếp cận, sinh hoạt.

Thủ tướng Chính phủ đã hai lần gặp gỡ chức sắc, lãnh đạo các tôn giáo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Qua đó, Bộ Nội vụ tham mưu với Thủ tướng và có ý kiến cụ thể với từng bộ, ngành để tháo gỡ. Các tôn giáo cũng đã đóng góp nguồn lực rất lớn để xây dựng và phát triển đất nước.

Cũng theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, những địa phương để xảy ra sai phạm, thiếu tôn trọng, thiếu hiểu biết, xúc phạm đến niềm tin tín ngưỡng, Bộ Nội vụ đều có thái độ xử lý nghiêm túc. Để xảy ra các vụ việc trên, có nguyên nhân một phần từ các tổ chức tôn giáo không tôn trọng quy định của địa phương, một phần do cán bộ địa phương thiếu hiểu biết.

Thành tựu là cơ bản, là tổng quát, còn một số vụ việc xảy ra ở cơ sở không phải là bản chất, không phải là phổ quát, không phải là chủ trương, mà do sự thiếu hiểu biết của cán bộ cơ sở, cũng như việc chấp hành của các tín đồ ở cơ sở, Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Ông đề nghị phía Hoa Kỳ nhìn vào tổng quát, không nhìn vào vụ việc để đánh giá chung về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; mong muốn Đại sứ quán và ngài Đại sứ quan tâm ủng hộ việc này. Việt Nam là đất nước đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Cần tìm hiểu sâu thêm thực sự đời sống tín ngưỡng, chủ trương, chính sách của Việt Nam qua những tôn giáo lớn, có đông tín đồ, có hoạt động đồng hành với dân tộc. Với những vụ việc xảy ra ở cơ sở, hai bên cần thống nhất, trao đổi thông tin trước. Bộ Nội vụ sẵn sàng cùng với Đại sứ đi đến bản chất của vấn đề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục