Hội chợ Thaifex Anuga: Sản phẩm Việt đổi mới nhưng giữ nguyên hương vị tự nhiên

Tham gia Hội chợ Thaifex Anuga Asia 2024 ở Thái Lan, hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam "chào hàng" nhiều sản phẩm đa dạng với tiêu chí đổi mới mà vẫn giữ nguyên hương vị tự nhiên.

Gian hàng các sản phẩm nước chấm Nam Dương của Việt Nam tại Hội chợ Thaifex-Anuga Asia 2024. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)
Gian hàng các sản phẩm nước chấm Nam Dương của Việt Nam tại Hội chợ Thaifex-Anuga Asia 2024. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam đang giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao và chuẩn hội nhập tại Hội chợ Thaifex Anuga Asia 2024 ở Thái Lan.

Đây là hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống có quy mô lớn nhất và toàn diện nhất ở châu Á, diễn ra từ ngày 28/5-1/6 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Impact Muang Thong Thani của quốc gia Đông Nam Á này.

Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Thái Lan và Phòng Thương mại Thái Lan phối hợp với Koelnmesse (Đức) - công ty tổ chức hội chợ và hội thảo quốc tế lớn nhất thế giới - tổ chức sự kiện này.

Với chủ đề “Trên cả trải nghiệm thực phẩm," hội chợ năm nay thu hút sự tham gia của hơn 3.000 doanh nghiệp từ hơn 50 quốc gia trên thế giới, trưng bày hơn 6.000 gian hàng về 11 lĩnh vực chuyên ngành, bao gồm thực phẩm cao cấp, thực phẩm đông lạnh, trái cây và rau quả, thịt, gạo, hải sản, kẹo và bánh kẹo, đồ uống, càphê và trà, công nghệ thực phẩm và dịch vụ thực phẩm.

Các doanh nghiệp Việt Nam mang đến hội chợ "chào hàng" sản phẩm đa dạng, tốt cho sức khỏe và chất lượng chuẩn hội nhập, đặc biệt là tiêu chí đổi mới mà vẫn giữ nguyên hương vị tự nhiên.

thaifex_doanh nghiep viet nam 2.jpg
Gian hàng của doanh nghiệp Yến đảo Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) lần đầu tiên tham dự Hội chợ Thaifex-Anuga Asia 2024. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Theo ông Lê Hữu Phúc, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, Thương vụ đã có sự chuẩn bị từ sớm cho công tác tham dự hội chợ qua việc thông tin cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, tìm kiếm người mua cũng như xây dựng mạng lưới kinh doanh.

Đặc biệt, Thương vụ tại Thái Lan còn phối hợp với các cơ quan thương vụ khác trong hệ thống Thương vụ Việt Nam để giới thiệu với các công ty nước ngoài quan tâm tới sản phẩm thực phẩm, đồ uống của Việt Nam có thể tìm đến hội chợ, ví dụ như phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản để giới thiệu một số doanh nghiệp Nhật Bản sang dự hội chợ Thaifex để tìm hiểu nhu cầu kinh doanh.

Qua quan sát có thể thấy sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ năm nay rất phong phú, từ nông sản có giá trị gia tăng cao như gạo có chỉ dẫn địa lý với kích cỡ đóng gói đa dạng của Lotus Rice, Sunrises, South Mekong; các sản phẩm tối ưu tài nguyên bản địa như mật hoa dừa ở Trà Vinh, yến đảo Cần Giờ; các loại bánh kẹo, nước trái cây, trái cây sấy, bún gạo, phở khô; các loại cà phê, trà thảo dược, cho tới các món ăn chế biến sẵn ở cả dạng khô và đông lạnh như canh, cháo, bún, phở…

Chia sẻ với phóng viên, anh Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Điều hành (CEO) và nhà sáng lập của doanh nghiệp mật hoa dừa Sok Farm, hào hứng giới thiệu về sản phẩm nước tương hữu cơ làm từ chỉ hai thành phần là mật hoa dừa và muối biển, phù hợp với những người dị ứng với đậu nành cũng như với xu hướng tiêu dùng giảm mặn và không không hương liệu hiện nay.

Các sản phẩm làm từ mật hoa dừa của Sok Farm hiện đã có mặt ở nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức và mới đây là Australia.

Trong khi đó, chị Trần Thị Kiều Thương, đại diện Công ty Thực phẩm NFC cho biết tại hội chợ năm nay, công ty giới thiệu sản phẩm Isoup ứng dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để đưa những món ăn truyền thống của Việt Nam, chẳng hạn như canh chua, canh mồng tơi nấu tôm… thành món ăn phục vụ người dân trong thời đại công nghiệp.

Ưu điểm của công nghệ này là giúp món ăn được chế biến tiện lợi với thời gian ngắn nhất song vẫn giữ giữ được nguyên vẹn hương vị truyền thống.

thaifex_doanh nghiep viet nam 3.jpg
Gian hàng của thương hiệu gạo Lotus Rice (Việt Nam) tại Hội chợ Thaifex-Anuga Asia 2024. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Theo ông Lê Hữu Phúc, chủ đề chính của hội chợ năm nay tập trung vào đổi mới, từ xây dựng mạng lưới cho tới dán nhãn, bao gói, cho tới các xu hướng thực phẩm chức năng, thực phẩm halal, thực phẩm chay…

Đây là những xu hướng chính sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp thực phẩm trong tương lai.

Các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hội chợ như thế này sẽ nắm bắt được những cơ hội như vậy để đổi mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Là đơn vị nhiều năm nay đưa các doanh nghiệp đi tham dự các hội chợ triển lãm ở nước ngoài, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm nay trung tâm đã hỗ trợ 32 doanh nghiệp thành phố tham dự Thaifex.

Đây là những doanh nghiệp có những sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến có uy tín của thành phố, với kỳ vọng các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận doanh nghiệp Thái Lan mà còn tiếp cận với người tiêu dùng quốc tế.

Hội chợ dự kiến thu hút hơn 80.000 lượt khách tham quan thương mại đến từ 140 quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Sản xuất bánh tráng ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm, Bến Tre). (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Bến Tre: Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân

Hai tháng nay, nhiều hộ ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng tất bật bên các lò bánh luôn “đỏ lửa” để tráng ra những chiếc bánh mang vị béo ngậy của dừa, vị thơm của mè rang nhằm kịp giao các đơn hàng Tết.