Hội chứng "cử nhân tự tử"

Trung Quốc đối mặt với hội chứng "cử nhân tự tử"

1/3 trong số hàng triệu sinh viên Trung Quốc ra trường sẽ không tìm việc làm và đó là nguyên nhân khiến nhiều cử nhân chán sống.
Hơn sáu triệu sinh viên Trung Quốc sẽ ra trường trong tháng này, 1/3 trong số đó sẽ không tìm việc làm và đó chính là nguyên nhân khiến nhiều cử nhân nước này chán sống.

Tự tử vì thất nghiệp -  nguyên nhân thường gặp nhất

Đối với Liu Wei, con gái của cặp vợ chồng nông dân nghèo khó ở làng Liu Hebei, cách Bắc Kinh 200km về phía Nam, tấm bằng tốt nghiệp đại học là “giấy thông hành” để cô bước vào một “thế giới mới”, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, thoát khỏi công việc “cu ly” trong các xưởng máy bụi bặm.

Nhưng ước mơ của cô đã không bao giờ trở thành hiện thực nữa. Bởi quá thất vọng, cộng thêm nỗi tủi hổ vì tấm bằng đại học bị rẻ rúng, cảm giác tội lỗi vì bắt gia đình phải bóp mồm bóp miệng để mình ăn học mà không có cơ hội đền đáp, Liu đã trốn “nợ đời” bằng cái chết “tự nguyện”.

“Con gái tôi làm như vậy vì cháu lo lắng thái quá khi không tìm được việc làm, không kiếm được tiền để đền đáp cha mẹ”, Liu Shangyun, người cha của cô gái xấu số, nói trong nước mắt.

Ông Liu nhớ lại cô con gái đã vui vẻ như thế nào khi về thăm nhà hai tuần trước khi chết. “Tôi đưa cháu trở lại trường. Trông cháu chẳng có gì khác lạ. Con gái tôi còn gửi cho tôi một tin nhắn: “Cha đừng buồn, con bình thường mà". Thế mà lần sau ông gặp con là để nhận dạng.

Liu Wei đã quá cực đoan khi phải đối mặt với khó khăn. Nhưng trên thực tế thì đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Hồi tháng 4 năm nay, bản báo cáo của Hội đồng Giáo dục Thượng Hải cho thấy tự tử chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những nguyên nhân đã cướp đi mạng sống của nhiều sinh viên và cựu sinh viên.

Theo thông báo mới đây của Hội đồng, thì 1/3 sinh viên tốt nghiệp năm nay không có khả năng tìm việc làm và sự thất vọng của Liu Wei cũng là nỗi lo chung của hầu hết sinh viên ở đất nước đông dân nhất thế giới này.

“Tôi sợ mình sẽ thất nghiệp”, Chen Meijun, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh ở Bắc Kinh nói. “Như vậy sẽ chịu rất nhiều áp lực bởi gia đình tôi sẽ lo lắng. Bố mẹ luôn an ủi, nhưng áp lực chính vẫn là từ bản thân tôi”.

Chưa có giải pháp hữu hiệu

Trung Quốc đang phải đối diện với thực trạng dư thừa cử nhân rất lớn. Hiện có 1,5 triệu sinh viên tốt nghiệp từ năm ngoái vẫn chưa tìm được việc làm và tình hình càng trầm trọng hơn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ở một đất nước mà sự phân chia giàu và nghèo ngày càng lớn thì tấm bằng cử nhân được coi là chìa khóa thành công cho tương lai. Đối với con cái của hơn 700 triệu nông dân Trung Quốc, giống như Liu Wei, thì đây là cách duy nhất để thoát cảnh đói nghèo.

Cha mẹ Liu Wei cũng có suy nghĩ như vậy và khuyến khích con gái thực hiện ước mơ đổi đời. Bà Wang nằm bẹp trên giường sau khi con gái chết. Bà nhớ lại thành tích học tập của Liu Wei: “Cháu là một học sinh xuất sắc. Liu giành được học bổng của ngôi trường tốt nhất trong huyện vì thành tích học tập tốt. Đó là một vinh dự lớn của gia đình. Cháu ít nói, nhưng hay viết nhật ký”.

Theo học công nghệ thông tin tại Trường Đại học Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Liu Wei là một trường hợp hiếm có trong làng. “Nhiều người ghen tị vì cháu vào được đại học. Hầu hết các cô gái quanh đây đều đã lấy chồng ở tuổi 20 hoặc thoát ly đi làm công nhân ở xa”, mẹ Liu Wei tự hào nói về con gái.

Cha mẹ Liu Wei biết rằng việc cô vào đại học sẽ khiến họ lại càng gặp sức ép về tài chính khi mỗi năm phải chu cấp cho con 9.000 Nhân dân tệ (khoảng 18 triệu Việt Nam đồng) tiền học phí và một khoản tiền tiêu vặt. Với thu nhập từ nghề nông tối đa được 15.000 Nhân dân tệ/năm (khoảng 30 triệu Việt Nam đồng), ông Liu đã có một quyết định “bạo liệt”, cho con trai nghỉ học trung học và hai cha con tới Thượng Hải để làm việc tại một công trường xây dựng, bỏ mặc vợ ở nhà đảm nhiệm đồng áng.

Liu Wei ghi nhận sâu sắc sự hy sinh mà gia đình dành cho mình và cô đã ghi lại những suy nghĩ đó của mình trong nhật ký. Năm thứ nhất, Liu Wei viết rằng cô muốn học tập chăm chỉ, sau này có việc làm để có thể chu cấp cho gia đình.

Đến cuối năm thứ hai, Liu Wei bắt đầu tìm việc làm. Giống như hầu hết các sinh viên khác, cô muốn tham gia các hội chợ diễn ra từ tháng 2 đến tháng 6. Nhưng để có một công việc ở đây quả không dễ dàng chút nào vì số sinh viên tới tìm việc cao gấp 10 lần so với số người cần tuyển. Tháng 6/2008, lần đầu tiên Liu Wei tìm việc tại một hội chợ, cố gắng mãi cô cũng gặp được một người quản lý phụ trách việc tuyển nhân lực, nhưng Liu Wei đã phải thất vọng ra về vì công việc bán hàng và quảng cáo không phù hợp với Liu Wei.

Thất bại đó đã khiến Liu Wei chán nản vô cùng. “Tôi là một sinh viên đại học nhưng không thể tìm được việc làm. Tôi sẽ rất xấu hổ nếu phải về làng sau khi tốt nghiệp. Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Tôi muốn ngủ mãi và không bao giờ dậy nữa”, Liu Wei viết như vậy trong nhật ký đề ngày 9/10/2008.

Tháng 12/2008, bạn bè Liu Wei lo lắng cho cô đến mức họ phải gọi điện cho cha cô. Đến trường thăm con, ông đã bị sốc khi thấy thể trạng và tinh thần của con gái.

“Cháu gầy quá và nó ăn uống thất thường. Đến lúc đó tôi mới nhận thấy cháu tuyệt vọng đến mức nào”. Ở nhà một thời gian ngắn, có vẻ Liu đã lấy lại tinh thần, mặc dù vậy cô hầu như chẳng chuyện trò gì với cha mẹ mà chỉ nói: “Đừng lo, con ổn mà”. Nhưng chỉ vài ngày sau khi trở về trường, Liu Wei đã biến mất. Ngày 23/1, ngay trước Tết Nguyên đán, Liun Wei đã trẫm mình ở dòng sông của huyện nhà

Trước thực trạng các cử nhân trẻ không tìm được việc làm và lâm vào trạng thái tuyệt vọng, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giải tỏa sức ép của các sinh viên chuẩn bị ra trường bằng cách tạo cho họ những công việc như giáo viên hay nhân viên hành chính cấp thấp ở vùng nông thôn. Chỉ có một số ít cử nhân chấp nhận về quê làm việc vì đồng lương quá thấp. Sinh viên cảm thấy chính quyền chưa giúp họ bằng những cách thiết thực.

“Chính phủ nên làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là năm nay bởi có khủng hoảng kinh tế. Chính phủ nên tạo nhiều cơ hội cho chúng tôi cơ hội tìm được việc làm”, Zhang Haigang, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp Khoa Công nghệ Tin học, Đại học Tổng hợp Cáp Nhĩ Tân, bày tỏ mong muốn./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục