Hội nghị đối thoại quốc gia Algeria kêu gọi bầu cử trong vòng 6 tháng

Những người tham gia hội nghị đã cam kết phát triển một lộ trình rõ ràng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Algeria, trên cơ sở tìm ra một giải pháp trong khuôn khổ Hiến pháp.
Những người biểu tình mang theo các lá cờ Algeria, đặc biệt là lá cờ khổng lồ ghi tên 48 tỉnh thành nước này, họ vừa hát những bài hát yêu nước để tái khẳng định cam kết không ngừng của họ đối với sự thống nhất, đoàn kết quốc gia và dân tộc. (Ảnh: AFP/TTX
Những người biểu tình mang theo các lá cờ Algeria, đặc biệt là lá cờ khổng lồ ghi tên 48 tỉnh thành nước này, họ vừa hát những bài hát yêu nước để tái khẳng định cam kết không ngừng của họ đối với sự thống nhất, đoàn kết quốc gia và dân tộc. (Ảnh: AFP/TTX

Ngày 6/7, Hội nghị đối thoại quốc gia do nhóm các đảng chính trị thuộc "các lực lượng thay đổi dân chủ" khởi xướng với sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự đã diễn tại trường Giáo dục Đại học và Khách sạn Ain Benian, ở thủ đô Algiers.

Các bên tham gia hội nghị đã kêu gọi thành lập một Hội đồng Quốc gia để tổ chức và giám sát cuộc bầu cử tổng thống, với thời hạn đề xuất là trong vòng sáu tháng.

Hãng thông tấn Algeria APS cho biết những người tham gia hội nghị này đã cam kết phát triển một lộ trình rõ ràng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Algeria, trên cơ sở tìm ra một giải pháp trong khuôn khổ Hiến pháp, cũng như đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân. Hội nghị ủng hộ giải pháp chính trị, đồng thời nhất trí rằng "đối thoại là cách duy nhất để vượt qua khủng hoảng."

Một trong số những nguyên tắc được đề xuất là: "Người dân có quyền tuyệt đối và là nguồn của bất kỳ quyền lực nào, theo Điều 7 và 8 của Hiến pháp tuyên bố ngày 1/11/1954."

Hội nghị cũng kêu gọi thành lập "một cơ quan quốc gia để tổ chức và giám sát cuộc bầu cử bầu cử tổng thống, trong khuôn khổ thỏa thuận chính trị được thông qua từ cuộc đối thoại quốc gia toàn thể."

Cơ quan này có nhiệm vụ "giám sát tất cả các giai đoạn của quá trình bầu cử," phải do "các nhân vật uy tín quốc gia có năng lực, trung thực và vô tư, không có liên kết với bất kỳ đảng nào và không phải là các biểu tượng của chế độ cũ" điều hành.

Về cơ chế chuẩn bị giai đoạn bầu cử tổng thống, hội nghị nhất trí về khoảng thời gian là sáu tháng để tổ chức một cuộc bầu cử tự do với một hệ thống chính trị đa nguyên, đồng thời kêu gọi thành lập một Ủy ban kỹ trị quốc gia, tập hợp những người chuyên môn trong ngành Luật và Bộ luật bầu cử, nhằm nghiên cứu đề ra luật cho Hội đồng quốc gia độc lập để tổ chức và giám sát cuộc bầu cử.

[Biểu tình tại thủ đô của Algeria, phản đối chính phủ lâm thời]

Ngoài ra, hội nghị cũng đề xuất "sửa đổi Luật bầu cử và Luật về thông tin, trong các chương về bầu cử, để tập hợp và thống nhất luật pháp của các cuộc bầu cử trong khuôn khổ pháp lý của Hội đồng."

Những người tham gia hội nghị cũng khẳng định Quân đội Nhân dân Quốc gia Algeria (ANP) là một thể chế Hiến pháp thực hiện nhiệm vụ thường trực là gìn giữ độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Hội nghị cũng kêu gọi quân đội "từ chối bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Algeria dưới mọi hình thức," hỗ trợ giải quyết khủng hoảng và chuyển đổi quá trình dân chủ.

Các đảng chính trị khởi xướng tổ chức hội nghị này bao gồm đảng Tiên phong về tự do của cựu Thủ tướng Ali Benflis, Phong trào vì Hòa bình (MSP), đảng Hồi giáo chính đại diện trong Quốc hội, đảng Jil El Djadid… Đáng chú ý là hội nghị này đã không mời đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria (FLN) và đảng Liên minh cầm quyền Tập hợp Quốc gia vì dân chủ tham gia.

Algeria đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng khi người dân liên tục biểu tình với quy mô lan rộng trên cả nước kể từ ngày 22/2 vừa qua, đặc biệt tại thủ đô Algiers.

Những người biểu tình ban đầu phản đối Tổng thống Abdelaziz Bouteflika tranh cử nhiệm kỳ thứ năm sau 20 năm nắm quyền, sau đó yêu cầu thay đổi triệt để hệ thống chính trị ở Algeria.

Sau khi Tổng thống Bouteflika từ chức hồi đầu tháng Tư, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (tức Thượng viện) Abdelkader Bensalah tạm thời giữ chức tổng thống trong thời gian tối đa ba tháng để tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục