Hội nghị G20 không đưa ra kế hoạch cụ thể về cắt giảm sản lượng dầu

Sự bế tắc trong kế hoạch cắt giảm sản lượng đã đặt ra những lo ngại về nỗ lực thúc đẩy giá dầu của OPEC+ trong bối cảnh giá vàng đen đã bị đẩy xuống mức thấp nhất của gần hai thập kỷ.
Hội nghị G20 không đưa ra kế hoạch cụ thể về cắt giảm sản lượng dầu ảnh 1Một trạm bơm xăng ở New York, Mỹ, ngày 9/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 11/4 sau hội nghị trực tuyến do Saudi Arabia tổ chức, các Bộ trưởng Năng lượng của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết hợp tác để đảm bảo ổn định thị trường dầu.

Song tuyên bố không đề cập cụ thể đến kế hoạch cắt giảm sản lượng nào.

Hội nghị trên diễn ra sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (còn gọi là OPEC+) đã rơi vào bế tắc do Mexico từ chối mức giảm sản lượng được đề xuất.

Sự bế tắc này đã đặt ra những lo ngại về nỗ lực thúc đẩy giá dầu của OPEC+, trong bối cảnh giá vàng đen đã bị đẩy xuống mức thấp nhất của gần hai thập kỷ bởi tác động từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cùng với cuộc chiến giá cả giữa Saudi Arabia và Nga.

Các cuộc đàm phán G20 sau đó dự kiến sẽ thúc đẩy việc tham gia ký kết thỏa thuận với cả những nước ngoài OPEC trong nhóm G20, bao gồm Mexico, Mỹ và Canada. Nhưng tuyên bố cuối cùng của cuộc họp không hề đề cập đến việc cắt giảm sản lượng nào.

[Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ đối mặt nhiều trắc trở]

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya-24 vào ngày 10/4, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết rằng Canada, nước không phải là thành viên của OPEC+, đã sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Canada là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới, với sản lượng khai thác đạt khoảng 4,9 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2020.

Song Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào cùng ngày đã nói rằng những nỗ lực giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn cung dầu mỏ toàn cầu nên được "phối hợp thực hiện" trong khi không cho biết liệu nước này có giới hạn sản lượng của chính mình hay không.

Theo thỏa thuận sơ bộ của OPEC+, Saudi Arabia và Nga đã nhất trí cơ bản về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô tổng cộng 10 triệu thùng/ngày trong hai tháng tính từ ngày 1/5 tới. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, thỏa thuận sơ bộ nói trên vấp phải sự do dự của Mexico. Nga đang nỗ lực thuyết phục Mexico chung tay cắt giảm sản lượng dầu mỏ với mức giảm có thể là 400.000 thùng/ngày. Nhưng phía Mexico cho biết họ không thể chấp nhận mức cắt giảm cao như vậy khi nó tương đương tới 23% tổng sản lượng dầu của nước này. Con số trên sau đó đã được phía OPEC+ hạ xuống mức 350.000 thùng/ngày.

Vào cùng ngày 10/4, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tuyên bố ông đã đạt được một thỏa thuận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về việc giảm sản lượng dầu mỏ.

Trả lời họp báo, Tổng thống Obrador cho biết Mexico sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức 100.000 thùng/ngày, đồng thời cho biết ông Trump đã nhất trí cắt giảm sản lượng của Mỹ 250.000 thùng/ngày "để bù đắp" cho Mexico. Đây có thể là một diễn biến khả quan cho tình trạng bế tắc của thỏa thuận OPEC+ hiện tại/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục