Hơn 70% trong số khoảng 1.500 doanh nghiệp được khảo sát trong năm 2013 đã "kêu" ngành hải quan làm thủ tục thông quan hàng hóa quá chậm, đặc biệt là việc kiểm tra hàng hóa của doanh nghiệp.
Con số này vừa được ông Hoàng Quang Phòng, Trưởng ban Hội viên và Đào tạo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh trong hội nghị "Đối thoại với doanh nghiệp năm 2013 về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan" vừa tổ chức sáng 30/10.
Cũng theo ông Phòng, việc khảo sát nhanh ở các doanh nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước cho thấy, 69% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan truyền thống vẫn phải đợi trên 30 phút để nhận được phản hồi về số tờ khai và hướng dẫn sau đó. Trong khi đó, con số cam kết của ngành hải quan là dưới 30 phút.
Một trong những lý do thông quan chậm được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh là do hệ thống hải quan điện tử thường xuyên gặp lỗi kỹ thuật. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới thời gian thông quan hàng hóa của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp thông qua VCCI để bày tỏ sự phàn nàn về quy định kiểm tra hàng hoá tại trụ sở hải quan. Đây là việc theo các đơn vị kinh doanh gây tốn nhiều chi phí và thời gian của các doanh nghiệp. Điều này đặc biệt gây khó cho doanh nghiệp khi cơ quan quản lý có thể đòi phía doanh nghiệp phải chứng minh những thủ tục thuế cần thiết nếu không rất có thể sẽ bị phạt.
[Không vì chữ ký số mà dừng thủ tục hải quan của DN]
Nói rộng hơn về thủ tục hành chính khác, nhiều doanh nghiệp tỏ ra bức xúc bởi sự chồng chéo của những hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý.
Đây là điều đã được bà Hoàng Thi Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty Cung ứng thương mại và lao động Hải Phòng nhắc tới khi lấy ví dụ cụ thể về trường hợp đơn vị mình. Theo bà Tâm, công ty bà ngay sau cổ phần hóa năm 2005 được Cục Thuế Hải Phòng hướng dẫn làm đơn đăng ký hướng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm là 2005 và 2006 cùng với giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm tiếp theo.
Tuy nhiên đến tháng 11/2011, Cục Thuế Hải Phòng kiểm tra thuế của công ty giai đoạn 2006–2010 và có biên bản, quyết định không được ưu đãi miễn giảm thuế sau cổ phần hóa để truy thu và phạt doanh nghiệp.
Đem những thắc mắc này gửi lên Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, công ty của bà Tâm lại được hướng dẫn điều ngược lại và cho biết đây là doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi thuế. Tuy vậy, Cục Thuế Hải Phòng lại không chấp nhận kết quả trên và hiện tại vẫn đòi thu số tiền thuế hơn 1 tỷ đồng.
Ý kiến này của bà Tâm đã nhận được không ít đồng tình từ phía các doanh nghiệp khác. Trong đó, đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc nêu thêm thực tế, ở nhiều đơn vị thuế, các cán bộ thuế vẫn gây khó khăn khi đòi hỏi nhiều thủ tục, giấy tờ. Đại diện tới từ Vĩnh Phúc đơn cử thủ tục giảm tiền thuê đất nhưng phía doanh nghiệp phải đợi chờ rất lâu với hàng chục loại giấy tờ phải nộp cho huyện. Điều này khiến cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Kiến nghị tới Bộ Tài chính, các doanh nghiệp đều thống nhất cơ quan quản lý cần tăng cường chuyên môn cho các bộ hải quan, thuế để tránh sự cứng nhắc hay thậm chí mỗi nơi hiểu và hướng dẫn một khác.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị ngành tài chính cần nâng cao hiệu quả đường dây nóng tạo sự tương tác giữa đơn vị kinh doanh và ngành thuế, hải quan.
Lắng nghe tất cả ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, những con số nêu lên từ phía doanh nghiệp phản ánh đúng tình hình và sự vướng mắc hiện tại. Thứ trưởng Tuấn khẳng định ngành thuế, hải quan đã nỗ lực để tạo thuận lợi về thủ tục cho các doanh nghiệp nhưng sắp tới, ngành tài chính sẽ tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến để điều chỉnh.
Trong đó, không ít ý kiến từ phía doanh nghiệp được ông Tuấn đề nghị gửi thẳng văn bản lên Bộ Tài chính để ông trực tiếp giải quyết trong thời gian đầu tháng 11./.