Ngày 12/12, Hungary đã thông qua một điều luật cho phép lập ra các tòa án do Bộ trưởng Tư pháp trực tiếp giám sát, một động thái gây tranh cãi tại châu Âu khi giới chuyên gia cho rằng quyết định này sẽ làm "nhập nhèm" ranh giới giữa nhánh hành pháp và tư pháp.
Theo điều luật mới, các tòa án hành chính này sẽ tiếp nhận các vụ việc liên quan tới chính phủ như thuế hay bầu cử.
Chính phủ cho biết đứng đầu các tòa án sẽ là các thẩm phán độc lập trong khi Bộ trưởng Tư pháp sẽ có quyền bổ nhiệm các thẩm phán cũng như quản lý ngân sách của tòa.
Người phát ngôn của Chính phủ Hungary nhấn mạnh cũng giống như mọi tòa án khác, các tòa án hành chính công sẽ do các thẩm phán độc lập điều hành dựa trên pháp luật.
[Căng thẳng ngoại giao Hungary và Ukraine tiếp tục leo thang]
Nhiều chuyên gia của châu Âu chỉ trích quyết định này của Hungary ảnh hưởng đến nguyên tắc tách biệt giữa hai nhánh quyền lực hành pháp và tư pháp, và mở ra nguy cơ can thiệp chính trị vào hoạt động tư pháp.
Chính phủ Hungary đã đề nghị Ủy ban Venice, một hội đồng gồm các chuyên gia về luật hiến pháp của Hội đồng châu Âu, có ý kiến chính thức về quyết định mới của Budapest. Ủy ban Venice xác nhận đã nhận được đề nghị trên và sẽ có tuyên bố trong năm tới. Ủy ban này từ chối bình luận trong ngày 12/12.
Các tòa án hành chính mới này, trong đó bao gồm một tòa án tối cao mới, sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2020./.