Iceland trưng cầu dân ý về thỏa thuận bồi thường

Ngày 9/4, cử tri Iceland đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận bồi thường cho Anh và Hà Lan số tiền 3,9 tỷ euro.
Ngày 9/4, cử tri Iceland đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận đã được thương lượng lại nhằm bồi hoàn cho Anh và Hà Lan số tiền 3,9 tỷ euro (5,6 tỷ USD) mà hai nước này đã thanh toán cho các công dân của họ có tiền gửi tại ngân hàng trực tuyến Icesave của Iceland đã phá sản năm 2008.

Thỏa thuận mới được xem là có lợi cho Iceland hơn thỏa thuận trước đó, vốn bị 93% cử tri nước này bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 1/2010. Theo đó, Reykjavik có thể thanh toán dần số tiền trên từ nay cho đến năm 2046, với lãi suất 3,0% đối với 1,3 tỷ euro phải trả Hà Lan và 3,3% đối với số tiền còn lại phải trả Anh.

Nhà thương lượng đại diện cho phía Iceland khẳng định đây là thỏa thuận thích hợp nhất có thể "đong đếm" được tại thời điểm và hoàn cảnh hiện nay.

Trước cuộc trưng cầu ý dân, cả hai phe ủng hộ và phản đối thỏa thuận mới đều ra sức vận động cử tri qua Internet. Phe "nói không" lo ngại chính phủ sẽ tạo gánh nặng tài chính khó lường cho dân chúng, nhấn mạnh không có văn bản pháp lý nào qui định người dân Iceland phải gánh những thiệt hại của một ngân hàng tư nhân.

Phe "nói có," được chính phủ và đảng đối lập chính ủng hộ, lập luận thỏa thuận này là cách duy nhất để chấm dứt tranh cãi kéo dài xung quanh kế hoạch bồi thường khách hàng Icesave, đang ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Iceland với Anh và Hà Lan; đồng thời giúp giảm thiểu những thiệt hại và rủi ro mà Iceland có thể phải hứng chịu.

Theo giới quan sát, nếu cử tri Iceland "nói không" với thỏa thuận mới như hai cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất, quốc gia nhỏ bé này sẽ rơi vào một cuộc tranh tụng kéo dài hai năm tại Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), tổ chức thay Tòa án Pháp lý châu Âu giải quyết những tranh cãi liên quan các nước thành viên Khu vực Kinh tế châu Âu gồm Iceland, Liechtenstein và Na Uy.

Giáo sư Gudmundur Olafsson thuộc Đại học tổng hợp Iceland cảnh báo nếu EFTA ra phán quyết bất lợi cho Iceland thì điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với quốc gia này.

Người đứng đầu liên minh cầm quyền ở Iceland Johanna Sigurdardottir tuần trước cũng cảnh báo càng kéo dài thời gian giải quyết vấn đề Icesave thì hậu quả đối với Iceland càng nghiêm trọng.

Theo kế hoạch, kết quả cuộc trưng cầu sẽ được công bố vào sáng 10/4, giờ địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục