Ngày 13/7, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga tại Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết quốc gia Đông Nam Á này ủng hộ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh lương thực giữa ASEAN và Nga.
Ngoại trưởng Retno nhắc lại rằng quan hệ đối tác đối thoại giữa Nga và ASEAN đã được thiết lập cách đây 26 và được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược cách đây 5 năm, song tình hình thế giới đã thay đổi mạnh mẽ.
Bà Retno nhấn mạnh: "Một mô hình hợp tác là cần thiết để cứu thế giới. Là người bạn của Nga và Ukraine, Indonesia không ngừng kêu gọi hòa bình. Quan hệ đối tác Indonesia-Nga phải thể hiện mô hình này bằng các hành động cụ thể," đồng thời hy vọng Nga hỗ trợ lồng ghép Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và các công việc của ASEAN với các đối tác.
[ASEAN-Nga tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược]
Kêu gọi tăng cường hợp tác ASEAN-Nga trong 2 lĩnh vực, trước hết là trong lĩnh vực an ninh lương thực, bà Retno cho hay ASEAN có kế hoạch đệ trình Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng để ứng phó với khủng hoảng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 vào tháng Chín tới.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia nhấn mạnh: "Sự hỗ trợ của Nga đối với sáng kiến này là rất quan trọng, xét đến vị thế của Moskva là nhà sản xuất phân bón và ngũ cốc toàn cầu."
Liên quan đến lĩnh vực hợp tác thứ hai là đảm bảo khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á, bà Retno khẳng định rằng ASEAN được thành lập để duy trì hòa bình lâu dài và thịnh vượng bao trùm trong khu vực.
Điều này không thể đạt được nếu không duy trì một khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân.
Bà Retno nói rõ: "Tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cần thúc đẩy việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị. Vì vậy, tôi hy vọng Nga sẽ tham gia Nghị định thư Hiệp ước SEANWFZ càng sớm càng tốt."
Về phần mình, Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhắc lại rằng Nga ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc phát triển một cấu trúc khu vực bao trùm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một nền tảng cho an ninh và thịnh vượng, dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Tại hội nghị, các nước ASEAN cũng ủng hộ việc tăng cường hợp tác kinh tế, năng lượng và an ninh lương thực với Nga thông qua việc triển khai Kế hoạch hành động 2021-2025, đồng thời khuyến khích hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, khoa học và công nghệ, thành phố thông minh, kinh tế số và chuyển giao công nghệ.
Trong lĩnh vực an ninh, hội nghị đã thảo luận về tầm quan trọng của hợp tác trong việc phòng chống buôn lậu ma túy, khủng bố và tội phạm trên Internet. Các nước ASEAN đề nghị Nga tham gia Nghị định thư Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Các nước ASEAN cũng kêu gọi giải quyết xung đột một cách hòa bình và mời Nga sử dụng các nền tảng của ASEAN như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) để thúc đẩy đối thoại hòa bình.
Kết thúc hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga nhân dịp kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược, trong đó nhất trí về hợp tác toàn diện trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP)./.