Cuối năm 1974, đầu năm 1975, tin chiến thắng của quân giải phóng bay về dồn dập khiến phong trào đấu tranh trong nội thành Sài Gòn cũng dấy lên mạnh mẽ.
Được sự chỉ đạo của Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, Thành đoàn khẩn trương và bí mật triển khai lực lượng phụ trách 5 điểm khởi nghĩa gồm Ngã Bảy-Bàn Cờ-Vườn Chuối, Cầu Kiệu-Phú Nhuận, Cầu Bông-Bà Chiểu, Xóm Chiếu-Khánh Hội và khu vực Tân Phú-Tân Sơn-Bà Quẹo để nổi dậy giành chính quyền tại các khu vực nội thành trước khi chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng.
Vượt qua sự kìm kẹp, khủng bố của chính quyền Sài Gòn, những cán bộ Thành đoàn âm thầm bám trụ, xây dựng được cơ sở trong nội thành, phất cờ khởi nghĩa đúng vào thời điểm 30/4/1975 lịch sử.
[Tham quan trực tuyến nơi ra đời quyết sách của chiến dịch Hồ Chí Minh]
Những tháng đầu năm 1975, toàn bộ lực lượng và cơ sở Đoàn được sắp xếp lại theo yêu cầu chỉ đạo của Thành ủy, Bộ Chỉ huy Tiền phương của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tất cả cơ quan lãnh đạo và cán bộ, chiến sỹ Thành đoàn được bố trí vào các cơ sở trong nội thành, được Thành ủy phân công trực tiếp phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở 5 khu vực: Ngã Bảy-Bàn Cờ-Vườn Chuối, Cầu Kiệu-Phú Nhuận, Cầu Bông-Bà Chiểu, Xóm Chiếu-Khánh Hội và khu vực Tân Phú-Tân Sơn-Bà Quẹo.
Bắt rễ xây dựng lực lượng
Năm 1973, Thành ủy Sài Gòn-Gia Định chỉ đạo Thành đoàn chuyển hướng hoạt động theo phương châm: “Mỗi trường học gắn chặt với xóm lao động, qua đó ta bắt rễ xây dựng các “lõm chánh trị” trong lòng đồng bào để chuẩn bị khởi nghĩa khi có thời cơ."
Nắm bắt chỉ đạo ấy, năm 1974, căn cứ Thành đoàn ở Củ Chi chuẩn bị bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh chia làm hai cánh: Cánh A chuyển về Long Khánh-Bà Rịa do các đồng chí Phạm Chánh Trực (bí danh Năm Nghị, Bí thư Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định), Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm, Phó Bí thư Đảng ủy các trường đại học và trung học trọng điểm khu Sài Gòn-Gia Định) phụ trách, dự kiến tiến vào nội thành theo hướng Đông Bắc Sài Gòn.
Cánh B trụ lại Củ Chi, dự kiến tiến vào nội thành theo hướng Hóc Môn-Gia Định, do các đồng chí Trần Văn Nguyên (Phó Bí thư Thành đoàn) phụ trách cùng với lực lượng biệt động Thành đoàn do đồng chí Phan Thanh chỉ huy.
Tháng 8/1974, Thành ủy tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 13 tháng 8 của Bộ Chính trị, phân công cánh A của Thành đoàn phụ trách phong trào trong đô thị.
Tới đầu năm 1975, theo chỉ đạo của Thành ủy, cánh A của Thành đoàn chuyển căn cứ từ Long Khánh về Mỹ Tho (Tiền Giang), chuẩn bị bước vào chiến dịch theo hướng Tây Nam Sài Gòn.
Tại căn cứ Mỹ Tho, Thành đoàn tổ chức hội nghị cán bộ để nhận nhiệm vụ mới của Thành ủy, dựa trên yêu cầu tăng cường lực lượng ở các địa bàn nội thành để chủ động giành toàn bộ chính quyền cơ sở đến cấp quận và phối hợp với quân chủ lực tiến vào đánh đổ toàn bộ bộ máy đầu não của Mỹ ngụy.
Thành ủy điều động một bộ phận khá lớn của Thành đoàn về các quận 6, 7, 8, 10, 11, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhì, Gò Vấp và các huyện ngoại thành.
Ngày 20/4/1975, đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) báo cáo với đồng chí Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định Mai Chí Thọ.
Đồng chí Mai Chí Thọ chấp thuận tổ chức 5 điểm khởi nghĩa trong nội thành do tập thể các đồng chí gồm Trương Mỹ Lệ, Nguyễn Thị Nghĩa, Trần Thị Ngọc Hảo, Trần Thị Mỹ Thành, Phan Công Trinh, Hứa Thị Tuyết Hoa, Nguyễn Văn Ngọc chỉ huy.
Để gấp rút chuẩn bị lực lượng cho 5 điểm khởi nghĩa ở nội thành, đồng chí Tư Liêm và các đồng chí chỉ huy tổ chức kết nạp nhiều đảng viên mới.
Cụ thể, đã kết nạp hai đồng chí Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Xuân Phổ tại tu viện nữ Biện Đức, thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa tại điểm Tân Phú-Tân Sơn-Bà Quẹo; kết nạp hai đồng chí Phạm Thị Thượng và Phạm Văn Thạch để chuẩn bị lực lượng cho điểm khởi nghĩa Ngã Bảy-Bàn Cờ-Vườn Chuối; kết nạp hai đồng chí Nguyễn Thành Nghiệp và Đỗ Thị Hòa để chuẩn bị cho khởi nghĩa tại khu vực Cầu Bông-Bà Chiểu.
Tại các điểm khởi nghĩa, ban chỉ huy chuẩn bị may cờ, loa phát thanh, dụng cụ cứu thương, lương thực...
Các ban chỉ huy chọn một số nhà dân làm cơ sở nòng cốt để ém quân, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ tình hình thời sự, xu thế cách mạng.
Được cán bộ Thành đoàn tuyên truyền, nhiều người dân sinh sống tại khu vực trên rất ủng hộ, bí mật giúp đỡ cán bộ hoạt động, lấy nhà mình là cơ sở cất giấu trang thiết bị.
Đáng chú ý, nhà thờ Nhơn Hòa do Linh mục chánh xứ Nguyễn Thiện Tòa phụ trách là điểm hẹn liên lạc, nơi hội họp của nhiều nhóm thanh niên Công giáo, sinh viên, học sinh yêu nước. Đây là điểm ém quân, cất giấu phương tiện in ấn tài liệu, may cờ, lương thực thực phẩm, thuốc, vũ khí.
Từ nhà thờ này, các cán bộ ta tăng cường tuyên truyền, trấn an đồng bào Công giáo, đánh lùi những giọng điệu xuyên tạc.
Công tác chuẩn bị và dân vận được cán bộ Thành đoàn kiên trì thực hiện cho đến ngày 29/4/1975, một ngày trước ngày giải phóng. Thậm chí, nhờ sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Thành đoàn, ngày 29/4/1875, một trung đội của chính quyền Sài Gòn được giao nhiệm vụ canh gác nhà máy điện Bà Quẹo đã rã ngũ, giao nộp vũ khí cho cán bộ tại Tân Kỳ. Tất cả đã sẵn sàng cho thời khắc lịch sử.
Điểm chỉ huy Ngã Bảy-Bàn Cờ-Vườn Chuối
Là thành viên Ban chỉ huy chỉ đạo khởi nghĩa của Thành đoàn, ký ức những ngày hoạt động sôi nổi ấy với bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) vẫn như mới hôm qua.
Bà Tư Liêm kể: “Khu vực Ngã Bảy-Bàn Cờ-Vườn Chuối là chỉ huy sở của 5 khu vực khởi nghĩa của Thành đoàn. Tôi thường xuyên bám trụ ở đây để theo dõi, chỉ đạo các khu vực còn lại. Dù không được biết cụ thể ngày giờ khởi nghĩa, nhưng do tôi là cán bộ bám trụ trong lòng địch nên ngay từ những ngày tháng 4/1975, chúng tôi đã cảm thấy được tình hình đang khẩn trương lắm.”
Cơ sở tại đây có nhiệm vụ chuẩn bị hậu cần, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật dụng y tế, thuốc, máy thu âm, máy phát, thu lời hiệu triệu vào bảng, đi mua vải (xanh, vàng) gửi cho mỗi gia đình một màu, chuẩn bị máy may, kim chỉ, chờ đến ngày nổ ra chiến dịch là khẩn trương cắt vải may cờ giải phóng...
Lực lượng nòng cốt tại điểm khởi nghĩa khu vực Ngã Bảy-Bàn Cờ-Vườn Chuối là Trường Đại học Vạn Hạnh, Trường Kỹ thuật Cao Thắng, Trường nữ Trung học Gia Long, Trường Trung học Pétrus Ký và nhóm sĩ quan quân đội Sài Gòn là cơ sở cách mạng của Thành đoàn.
Tại Bàn Cờ-Vườn Chuối, Thành đoàn có 9 gia đình là cơ sở cách mạng. Để đảm bảo bí mật, các gia đình không biết nhau, trong đó có nhà má Tô Kim Ngọc ở sau lưng chùa Tam Tông Miếu, đường Cao Thắng.
Má Ngọc còn thuê thêm căn nhà số 6A đường Bàn Cờ để mở tiệm tạp hóa, làm điểm hẹn với các khu vực khác; là nơi ngụy trang, làm kho hậu cần chứa lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế, cứu thương... khi khởi nghĩa có thể kéo dài nhiều ngày.
Ngoài ra, nhà bà Phạm Thị Ba là chị ruột của Phạm Chánh Trực (tức Năm Nghị, bí danh Năm Nghị, Bí thư Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định) ở mặt tiền đường 148 Lý Thái Tổ, là một nhà in tư nhân.
Nơi đây in truyền đơn bí mật như “Lời kêu gọi của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam,” in các tấm băng đeo tay vải đỏ, chữ vàng: “Lực lượng Thanh niên Tự vệ võ trang Sài Gòn Gia Định”...
Trong thời gian bám cơ sở tại Bàn Cờ, không ít lần bà Tư Liêm gặp phải hiểm nguy, suýt bị địch phát hiện.
Bà kể: “Đêm 25 rạng 26/4/1975, tôi và một cô giao liên đang ngủ nhà cô Mười Hương trong xóm lao động, gần chợ Bàn Cờ. Đêm hôm đó, nhóm sỹ quan quân đội Sài Gòn là cơ sở cách mạng của Thành đoàn đi rải truyền đơn tại khu vực này. Địch đi tuần thì phát hiện có truyền đơn ở xung quanh khu tôi đang ở nên đập cửa từng nhà tra xét Việt Cộng. Thấy tiếng đập cửa rầm rầm, cô Phạm Thị Gấm, chủ nhà tôi đang ở rất sợ hãi. Tôi nắm tay cô ra hiệu đừng mở cửa. May sao, một bà bác nhà bên cạnh la lớn: “Mấy ông ơi, nhà đó đi về quê hồi chiều rồi không có ai ở nhà đâu” Nghe vậy bọn chúng mới bỏ đi. Lần đó may nhờ bà con, tôi thoát nạn.”
Sáng 30/4/1975, bà Tư Liêm đi kiểm tra quanh khu vực Cầu Bồng-Bà Chiểu. Khi về đến đường Bàn Cờ, bà nhận được thông báo từ giao liên rằng đồng chí Phạm Chánh Trực chỉ đạo khởi nghĩa ngay.
Là người được giao chỉ đạo 5 điểm khởi nghĩa, bà Tư Liêm nhanh chóng thông báo cho tất cả các điểm thực hiện theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn. Tới 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tất cả 5 điểm khởi nghĩa của Thành đoàn trong nội thành đều phát động nhân dân khởi nghĩa, nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu, không để xảy ra đổ máu.
Tại điểm khởi nghĩa Ngã Bảy-Bàn Cờ-Vườn Chuối, từ trong khu phố ra đến đường lớn đều treo cờ giải phóng, biểu ngữ, tổ chức tự vệ vũ trang chốt các ngả đường xung quanh để bảo vệ khu vực đã làm chủ.
Các cán bộ cơ sở lúc này đến từng nhà dân tuyên truyền chính sách của Mặt trận giải phóng dân tộc. Bà Tư Liêm chia sẻ hình ảnh lá cờ giải phóng trên nóc nhà số 115 đường Bàn Cờ và biểu ngữ giăng ngang với khẩu hiệu: "Hoan hô Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” là hình ảnh đẹp nhất mà bà không thể nào quên./.