Tiềm tàng thế mạnh riêng

Kênh truyền hình TTXVN: Tiềm tàng thế mạnh riêng

Truyền hình thông tấn xã là kênh truyền hình ra sau, lại đúng thời kỳ bùng nổ của truyền thông nhưng lại tiềm tàng thế mạnh riêng.
Nhân sự kiện Trung tâm truyền hình Thông tấn xã Việt Nam sẽ chính thức ra mắt ngày 25/8, Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Tổng giám đốc Thống tấn xã Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm Truyền hình Thông tấn xung quanh sự kiện đặc biệt với giới truyền thông này.

Chịu áp lực nhưng có thế mạnh riêng


- Thưa ông, “sinh sau đẻ muộn” kênh truyền hình của Thông tấn xã Việt Nam phải đối mặt với những áp lực gì?


Ông Nguyễn Hoài Dương:
Đúng vậy, kênh Truyền hình Thông tấn là kênh truyền hình ra sau, lại đúng thời kỳ bùng nổ của truyền thông nói chung và các kênh truyền hình thì chúng tôi sẽ bị áp lực về mặt cạnh tranh. Cạnh tranh ở đây không phải về mặt kinh tế, tài chính mà vấn đề là có thu hút được người xem kênh của mình hay không do hiện nay khán giả có quá nhiều sự lựa chọn. Đó cũng chính là khó khăn.

- Vậy ông có thể cho biết, giữa những khó khăn ấy kênh Truyền hình Thông tấn có lợi thế nào để khẳng định thương hiệu của mình?

Ông Nguyễn Hoài Dương:
Chúng tôi dựa trên cơ sở thế mạnh của Thông tấn xã Việt Nam và cũng chính là thế mạnh của kênh Truyền hình Thông tấn, đó là: Hãng thông tấn chính thức của Nhà nước Việt Nam; lại sẵn có một hệ thống phóng viên rộng khắp trên 63 phân xã trong nước và 27 phân xã ở nước ngoài. Và, nội dung thông tin Kênh Truyền hình Thông tấn không phải chỉ do lực lượng của kênh thực hiện mà còn khai thác được toàn bộ lực lượng hơn 1000 phóng viên, biên tập viên của TTXVN.

Bên cạnh đó, TTXVN cũng có quan hệ với khoảng 40 cơ quan báo chí quốc tế. Và, hiện nay xu thế chung của các cơ quan báo chí, các hãng thông tấn trên thế giới đều là phát triển mạnh thông tin truyền hình. Điều đó tạo nhiều thuận lợi cho việc trao đổi các nguồn thông tin một cách đa dạng.

Không chỉ có vậy, kênh Truyền hình Thông tấn với tư cách là cơ quan phát ngôn của Chính phủ, của Nhà nước thì các thông tin TTXVN đưa ra luôn đảm bảo tính chuẩn xác cho nên nó sẽ là cái để dư luận xã hội, công chúng chờ đợi bởi độ tin cậy của thông tin do TTXVN đưa ra.

Hơn nữa, theo sự chỉ đạo chung của TTXVN, những thông tin của kênh Truyền hình Thông tấn thường là những thông tin sâu và đúng những vấn đề mà dư luận đang quan tâm, là thông tin có tư liệu kèm theo.

Khán giả đã quen với các kênh truyền hình tổng hợp thông thường như VTV1 chẳng hạn, hay những kênh chuyên biệt như O2 TV chuyên về sức khỏe, InfoTV chuyên về kinh doanh bất động sản, thị trường chứng khoán…

Tuy nhiên, một kênh mà chỉ chuyên có thông tin về tất cả mọi mặt cuộc sống từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng an ninh, văn hóa xã hội, thể thao, nghệ thuật… thì chưa có. Do đó, việc TTXVN ra kênh truyền hình với tư cách một ngân hàng thông tin cung cấp cho hệ thống thông tin truyền thông cả nước đã là một lợi thế.

Kênh truyền hình này chính là phương tiện để TTXVN chuyển tải thông tin một cách nhanh nhất, chuẩn xác nhất tất cả các sự kiện thời sự nổi bật trong nước cũng như quốc tế đến với công chúng.

- Và, cũng chính những thuận lợi đó đã làm nên sự khác biệt và nổi bật của kênh Truyền hình Thông tấn so với các kênh truyền hình khác?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Đúng vậy! Kênh Truyền hình Thông tấn không bị hạn chế, bởi thông thường khi xây dựng khung chương trình cho một kênh tổng hợp thì sẽ phải có thời gian, thời lượng, ví dụ như 7 giờ tối là chương trình thời sự, 8 giờ tối là phim truyện…

Còn toàn bộ thời lượng của Truyền hình Thông tấn lúc nào cũng là thời sự cho nên khi có bất cứ sự kiện quan trọng bất thường nào đột xuất xảy ra chúng tôi có thể đưa ngay lúc sự kiện vừa diễn ra chứ không phải chờ xong chương trình đang phát dở mới được đưa tin. Đó gọi là tin đột xuất. Và, ở Việt Nam chưa từng có kênh truyền hình như thế.

Luôn ưu tiên những thông tin quan trọng

- Nói vậy cũng có nghĩa là Truyền hình Thông tấn nặng về tính chính luận, trong khi đó phần lớn khán giả tìm đến truyền hình như một kênh để giải trí nhiều hơn. Ông nghĩ sao về điều này?


Ông Nguyễn Hoài Dương:
Trên kênh Truyền hình Thông tấn chúng tôi phải nhấn mạnh ngoài khía cạnh thời sự, chính trị, kinh tế thì kênh cũng có rất nhiều chuyên mục thông tin về văn hóa nghệ thuật giải trí. Tức là chỉ thông tin thôi chứ không làm các chương trình trò chơi trên truyền hình.

- Tức là về bản chất thì những thông tin văn hóa cũng đã là một cách giải trí dưới hình thức thông tin về giả trí?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Đúng vậy, đó nghĩa là thông tin về giải trí chứ không trực tiếp làm giải trí. Hiện nay đang rất cần những thông tin dạng đó để định hướng về mặt thẩm mỹ cho công chúng. Ví dụ như một bộ phim chiếu lên, chúng tôi sẽ bình luận nó hay, dở chỗ nào để định hướng về mặt thẩm mỹ và chọn lựa cho người xem.  

- Còn vấn đề quảng cáo trên Truyền hình Thông tấn thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Chúng tôi quan niệm, quảng cáo cũng chính là thông tin và tuân thủ theo nguyên tắc chỉ quảng cáo những loại hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, phù hợp với thuần phong mỹ tục, thẩm mỹ cũng như có giá trị sử dụng cao.

Về thời lượng quảng cáo trên truyền hình, chúng tôi thực hiện theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và tuân thủ những quy định của pháp luật.

- Vậy khi có những thông tin sự kiện đột xuất như ông vừa nói thì có được phép “chen” vào trước quảng cáo không và liệu các đơn vị quảng cáo có chấp nhận điều đó?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Chúng tôi phải luôn ưu tiên những thông tin quan trọng. Hơn nữa, bản thân các đơn vị quảng cáo chắc chắn cũng sẽ thích được quảng cáo ngay tiếp theo những tin quan trọng, vậy thì đối với họ là càng tốt chứ không có vấn đề gì cả.  

Sẽ thành kênh truyền hình thời sự chính luận hàng đầu

- Ông có thể cho biết lộ trình phát triển kênh Truyền hình Thông tấn sẽ như thế nào không?

Ông Nguyễn Hoài Dương:
Trong Đề án xây dựng để trình lên Thủ tướng và các cơ quan chức năng có đưa ra lộ trình, theo đó kênh Truyền hình Thông tấn sẽ phấn đấu một cách nhanh nhất để trở thành kênh thông tin truyền hình chuyên về thời sự chính luận hàng đầu Việt Nam, phát sóng liên tục 24 giờ/ngày.

- Để có thể phát sóng 24 giờ liên tục mỗi ngày như vậy, hẳn đội ngũ sản xuất phải rất hùng hậu?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Đội ngũ sản xuất trực tiếp tại Trung tâm Truyền hình Thông tấn khoảng hơn 100 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Điều quan trọng như đã nói ở phần thế mạnh là chúng tôi sử dụng của nguồn nhân lực kênh Truyền hình chính là việc khai thác, sử dụng lực lượng gần 1000 phóng viên, biên tập viên TTXVN tác nghiệp trực tiếp tại Trụ sở chính của cơ quan ở Hà Nội cũng như 90 phân xã trong nước và nước ngoài. Đó chính là sức mạnh của Truyền hình Thông tấn.  

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Mai Anh-Kim Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục