Khát vọng “lều chõng”

Khát vọng “lều chõng” cho con ở ngoài phòng thi

Trong ngày thi đại học đầu tiên, thấp thoáng những bóng dáng cha mẹ cả đời đắm đuối chuẩn bị hành trang tri thức cho con mình.
6h30 sáng ngày 4/7. Tiếng trống gọi thí sinh vào phòng thi vang lên. Buổi thi đầu tiên của mùa tuyển sinh 2010 dành cho khối A bắt đầu. Đó cũng là lúc "phòng thi" bên ngoài cổng trường tràn ngập người ngoại tỉnh đổ về.

Bên ngoài các phòng thi, thấp thoáng những bóng dáng cha mẹ cả một đời đắm đuối chuẩn bị hành trang tri thức cho con cái mình. Lang thang một ngày trời tại điểm thi trường tiểu học Thanh Xuân Trung đường Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội, chúng tôi "nhặt nhạnh" được những câu chuyện không rời xa chủ đề thi cử…

Ngày con thi, mẹ đi bán nước

5h sáng, trời Hà Nội đã tỏ mặt người, tại cổng trường tiểu học Thanh Xuân Trung, các quán trà đá vỉa hè đường Ngụy Như Kon Tum đã xăm xắp những chiếc ghế san sát. Quán nước của chị Chị Hoàng Thị Lệ, quê xứ chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Tây) tất bật hơn cả, bây giờ chị mới khệ nệ bưng được 2 hộp đá từ chiếc xe đạp 2 xô đặt lên vỉa hè.

Bởi lẽ, hôm nay con chị là thí sinh Phan Thị Thu cũng bước vào kỳ thi sau 12 năm chờ đợi.

Chị Lệ mang con ra Hà Nội ôn thi đã hơn 3 tháng. Truớc ngày đi, chị mang theo hơn 1 triệu đồng, đóng tiền cho con học ôn thi cấp tốc được 1 tháng thì số tiền trong tay chỉ còn độ hơn 100 ngàn.

Với sức vóc nhỏ bé, chị chỉ đủ sức mở quán trà đá sau cổng phụ làng sinh viên Hacinco. Hai ca trà và nhân trần, dăm gói kẹo lạc, vài phong cao su, rồi dăm chiếc ghế nhựa, nhưng để có được gia tài này chỉ phải về quê chạy vạy thêm tiền mới đầu tư được. Và quán cóc bé nhỏ đó cũng không phụ công người, tiền cũng sinh sôi, mỗi ngày trừ đi tiền vốn chị cũng kiếm được hơn trăm ngàn. Cuộc sống mẹ con đắp đổi chờ đợi đến ngày con thi.

Đến ngày con gái Phan Thị Thu thi vào đại học, chị thức cả đêm làm chõ xôi đỗ mong con đỗ đậu thành tài. Xong khi thắp hương xin trời phật phù hộ, chị lại chuẩn bị di chuyển cả gia tài của mình ra góc nhỏ khuất của vỉa hè. Gần 3 tháng bán trà đá cũng cho chị kinh nghiệm: “Góc này khuất, có thể vừa bán vừa nhìn từ xa được lực lượng trật tự. Tuy không đắt hàng như các quán trà bày bán gần cổng trường nhưng cũng tránh nhiều rủi ro…”

Cái quán trà của chị trong những ngày thi là những vị khách nhà quê ra phố như chị, người cốc nước bàn nhau chuyện thi cử của con em. Nghe hầu như cả chuyện thiên hạ trong ngày thi: Trường nào điểm cao, điểm thấp; khoa nào năm nay dễ đậu; đầu ra trường nào dễ xin việc sau này. Chị chỉ im lặng.

Có lẽ, trong suy nghĩ của người đàn bà này thì đường đời của con còn lắm tất bật. Nếu sau này con chị thành công, chị mong quán trà đá này sẽ kéo dài thêm 4 năm nữa.

Theo con đi hết đường đời

Ở một góc khác bên kia đường dưới bóng cây râm mát cách quán của chị Lệ không xa là  những người đàn ông với khuôn mặt cục mịch đang chia nhau từng điếu thuốc, một người đàn ông nói cả sáng nay đi tắc đường, đành đi lòng vòng và bị xe ôm chặt chém “tới bến”!

Những câu chuyện không đầu, không cuối cũng xôm tụ vui vẻ được một hồi dài. Chỉ còn hơn 30 phút nữa là hết giờ thi, đã có vài thí sinh lác đác ra ngoài. Mọi ánh mắt đều hướng nhìn những cô cậu tú tài mặt thẫn thờ bước ra. Mỗi lần như vậy, câu chuyện bị đứt đoạn trong dăm phút rồi lại hào hứng sôi nổi như mới bắt đầu!

Trong chủ đề của các đấng mày râu thường là những chuyện “đại sự”, liên quan tới kinh tế, chính trị lớn lao. Những chủ đề được thay đổi thường xuyên nhưng đến khi một người bắt chuyện về đầu ra các trường đại học thì tất cả đều ngao ngán…

Những ví dụ về sinh viên ra trường vài năm đã có trong tay bạc tỉ, xây nhà; cũng có những câu chuyện sinh viên ra trường hơn 3 năm vẫn làm xe ôm vạ vật tại Hà Nội. Rồi chuyện sinh viên lập nghiệp chẳng chịu về quê, cứ bám lấy Thủ đô làm đất sinh nhai.

Ông Hiệp, phụ huynh có con thi đại học Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), nói: “Chả đứa nào chịu về quê, mặc dù thấy bọn nó ở lại Hà Nội chả sung sướng gì. Nhà thuê thì lụp xụp, giá cả đắt đỏ. Chỉ bằng nửa số tiền mà chúng nó chi trả trong tháng thì có thể về các thành phố tỉnh lẻ sống ngon lành.” Đa số người này nói, người kia cũng đồng tình và câu chuyện cứ thế thêm ra bớt vào rôm rả và huyên.

Không ồn ã như những bậc phụ huynh làm cha, thường tụ tập tại các quán trà đá vỉa hè bàn chuyện đầu ra khi sĩ tử trong phòng thi. Câu chuyện của các phụ huynh nữ chỉ là hạt lúa, củ khoai, những chi phí trong ngày ở thành phố không ít người vẫn còn xa lạ.

Trên những khuôn mắt hốc hắc hằn rõ ánh mắt mệt mỏi của những người phụ nữ, họ thường ngồi lại với nhau thành một góc dưới tán cây hoặc lều trại của Sinh viên Tình nguyện.

Trong những câu chuyện trong ngày chờ con thi xong, có cả mùa gặt, vụ cấy, những khoản chi phí “vô tội vạ” một mình giữa chốn đông người xa lạ này.

Chị Hương, quê Hải Hậu, Nam Định luôn miệng nhắc giá cơm đắt quá, chị không chịu nổi đành mượn nồi niêu của chủ nhà rồi góp gạo với mấy người cùng trọ thổi cơm chung.Trong lưng vốn 2 triệu mang con đi thi, mới chỉ có 2 ngày đã tiêu tốn gần 500 nghìn đồng, chị bảo: “ Với tôi, số tiền đó bằng làm lụng ruộng vườn cả tháng.”

Trời Hà Nội buổi chiều càng oi nóng, cảm giác khó chịu lên tới đỉnh điểm khi thí sinh bắt đầu bước vào môn thi Lý. Nhưng có lẽ, chính những câu chuyện không chủ đề rõ ràng, câu chuyện được đặt ra thì ai cũng có thể tham gia nên những câu chuyện như vậy kéo dài không dứt. Và quan trọng nhất là, người này nhường người kia một chút để rút ngắn lại sự chờ đợi khó chịu trong cái nắng oi bức ồn ào và bụi bặm của Hà Nội./.

Yên Viên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục