Khoảng 2.000 hộ dân ven kênh Chợ Gạo ngóng Bộ Giao thông ‘giải cứu’

Dọc theo đoạn bờ kênh Chợ Gạo bị sạt lở có khoảng 2.000 hộ dân đang sinh sống hàng ngày đối mặt với hiểm nguy bất cứ lúc nào nếu dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 chưa triển khai.
Khoảng 2.000 hộ dân ven kênh Chợ Gạo ngóng Bộ Giao thông ‘giải cứu’ ảnh 1Người dân sống ven kênh Chợ Gạo nơm nớp lo sợ nhà của bị nước cuốn trôi. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Dọc theo đoạn bờ kênh Chợ Gạo bị sạt lở có khoảng 2.000 hộ dân đang sinh sống hàng ngày đối mặt với hiểm nguy bất cứ lúc nào nếu dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 chưa rõ được thời điểm Bộ Giao thông Vận tải triển khai.

Kênh Chợ Gạo là tuyến kênh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý là tuyến đường thủy nội địa huyết mạch nối liềnThành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nam bộ với chiều dài 28,6km.

[Sạt lở kênh Chợ Gạo: Dân ‘nơm nớp’ lo nhà cửa bị cuốn theo dòng nước]

Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với khối lượng 17/28,6km đạt tiêu chuấn cấp 2 đường thủy nội địa. Dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác góp phần giảm tình trạng ùn, tắc giao thông trên tuyến, nâng cao năng lực vận tải và an toàn giao thông thủy. Còn lại đoạn 11,6km sẽ được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án.

Đối với đoạn kênh Chợ Gạo thuộc giai đoạn 2 của dự án chưa được đầu tư nâng cấp, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang thừa nhận, tình hình sạt lở xảy ra liên tục từ năm 2000 đến nay, sạt lở mạnh trong thời gian mùa lũ và triều cường.

Cụ thể, tổng chiều dài đoạn bờ kênh bị sạt lở khoảng 9,4km (từ Km1+800 đến Km10+200), trong đó đoạn bị sạt lở nghiêm trọng là 6km với tình trạng sạt lở sâu vào bờ từ 5-20m. Sạt lở đã làm mất 2/3 mặt đường của Đường huyện 25B làm chia cắt giao thông trong khu vực.

Đặc biệt, dọc theo đoạn bờ kênh bị sạt lở có khoảng 2.000 hộ dân đang sinh sống và 3 cơ sở sản xuất nước mắm đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong thời gian qua, đã xảy ra 3 vụ tai nạn chết người với nguyên nhân do người đi lại rơi xuống kênh và nhiều vụ học sinh đi học rơi xuống kênh bị thương.

Theo ông Tuấn, trong điều kiện ngân sách địa phương còn rất nhiều khó khăn nhưng trong thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân đã tạm thời gia cố một số đoạn xung yếu bằng cừ tràm, đắp đê đất, gia cố mặt đường để cho người dân đi lại, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời.

“Dự án chậm đầu tư từ đầu năm 2016 đến nay đã gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, không phát huy hết hiệu quả đầu tư của dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1, đặc biệt gần đây đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông thủy liên hoàn, nghiêm trọng,” ông Tuấn cho biết.

[Photo] Cuộc sống chênh vênh của người dân bên bờ kênh Chợ Gạo

Để đảm bảo an toàn cho hơn 2.000 hộ dân sinh sống trong khu vực bị sạt lở, đảm bảo cho người dân và học sinh đi lại an toàn, đảm bảo điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cưu Long nói chung, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, hỗ trợ địa phương kinh phí khoảng 20 tỷ đồng để làm kè tạm một số đoạn xung yếu đang bị sạt lở rất nghiêm trọng trong khi chờ triến khai dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến về thời điếm thực hiện dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 để tỉnh trả lời cho nhân dân biết vì với tình hình sạt lở như hiện nay, người dân trong khu vực vô cùng lo lắng./.

Từ tháng 6/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (2016-2017) bằng hình thức BOT. Tổng chiều dài dự án là 9,85km, mở rộng đáy luồng chạy tàu ra 55m và nâng tĩnh không cầu vượt sông lên mức 9m với tổng mức đầu tư lên tới 1.337 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mới đây Bộ này đã có văn bản chính thức gửi Chính phủ chuyển đổi từ hình thức BOT vì không khả thi sang sử dụng nguồn vốn vay ODA để thực hiện dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam nhằm nâng cấp, cải tạo tuyến kênh này.

Chính việc chậm triển khai giai đoạn 2 của dự án dẫn đến đời sống của các hộ dân dọc theo bờ Nam kênh Chợ Gạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi toàn bộ hệ thống đường giao thông đã bị sạt lở hoàn toàn; công việc làm ăn, sản xuất bị đình trệ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục